Ngày 3-7, hội nghị Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (VN) lần thứ hai (khóa IX) đã khai mạc. Chủ đề của hội nghị tập trung thảo luận việc vận động toàn dân tích cực tham gia phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước sau dịch COVID-19.
Lắng nghe dân để phục hồi kinh tế, ổn định đời sống
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN, nhấn mạnh: Song song với việc phòng, chống dịch và phát triển kinh tế của đất nước, MTTQ VN tiếp tục xác định vai trò tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong đó, ông Mẫn cho rằng cần phát huy sức mạnh, sức sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của gần 100 triệu người dân VN trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài để đất nước vượt qua khó khăn, thách thức.
Nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Phạm Thế Duyệt nói không thể thỏa mãn trước những thành quả của chống dịch và phát triển kinh tế mà phải cố gắng nhiều hơn. Trong đó, vai trò của MTTQ là phải làm cho nhân dân hiểu rõ, quyết tâm và chủ động trong thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế. Đồng thời, MTTQ các cấp cần tập hợp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để phát triển sản xuất, ổn định đời sống...
Ông Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn về kinh tế của Thủ tướng, thì đề nghị mở rộng phạm vi của cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN”. Theo đó, không chỉ người dân mà ngay cả cơ quan nhà nước, các tổ chức cần phải đi đầu trong việc mua những sản phẩm hàng VN. Bởi như vậy hàng VN sẽ có được sự cạnh tranh mạnh mẽ với các hàng hóa khác, doanh nghiệp (DN) sẽ tham gia tích cực hơn, tạo tính lan tỏa cho cuộc vận động.
Về phục hồi kinh tế - xã hội hậu COVID-19, ông Thiên cho rằng sự tham gia góp ý kiến của MTTQ VN là rất quan trọng, giúp nhận diện được nguyên nhân dẫn đến sự khó khăn của các DN, lường trước những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra để có những dự liệu, biện pháp đối phó kịp thời.
Bên cạnh đó, ông Thiên cho rằng cách thức cứu trợ của Nhà nước với DN cần có sự tính toán lâu dài, để không chỉ cứu DN vượt qua khó khăn trước mắt mà chính sách hỗ trợ sẽ giúp DN được “thay máu”, có kinh phí để đổi mới, sáng tạo.
Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: “Cần phát huy sức mạnh của gần 100 triệu người dân Việt Nam trong nước và ở nước ngoài để đất nước vượt qua khó khăn, thách thức”. Ảnh: ĐẠI THANH
Đừng để tiền nhà nghèo đi vào nhà giàu
Tại hội nghị, TS Vũ Tiến Lộc đề nghị MTTQ tăng cường vai trò giám sát việc thực hiện hiệu quả gói hỗ trợ đến DN. Chính sách hỗ trợ sẽ không thành công nếu chỉ tập trung vào hỗ trợ phổ thông. Trong khi những ngành có tiềm năng như hàng không, du lịch… đang phải chờ đợi lâu để nhận được hỗ trợ. Những DN thuộc các ngành khác đang thiếu vốn, gặp khó khăn sẽ có thể bị các DN khác thâu tóm, gây hệ lụy lớn cho nền kinh tế VN. Do đó, gói hỗ trợ cần được triển khai kịp thời đến các DN, tạo cú hích mạnh để kích hoạt những ngành này hoạt động trở lại, từ đó kinh tế sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn.
Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ VN Nguyễn Văn Thân nhận định: Đại dịch COVID-19 đã làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy và kinh tế thế giới chao đảo. VN không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Ông Thân nói MTTQ cần kiến nghị Chính phủ có giải pháp để giải ngân vốn đầu tư công cách thuận lợi để các DN trong nước có thể tham gia.
Ông Thân cũng đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ VN kiến nghị Chính phủ cân nhắc việc giãn thuế VAT cho DN nhỏ và vừa đến hết năm 2020 và miễn trừ toàn bộ thuế môn bài cho các hộ kinh doanh đến hết năm 2020, đồng thời kiến nghị để Chính phủ đưa ra các giải pháp hữu hiệu để thu hút nguồn lực “nhàn rỗi ngắn hạn và dài hạn” trong dân và DN.
Cạnh đó, ông Nguyễn Văn Thân cũng đề nghị Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước, phát hiện và kiến nghị kịp thời tới các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm khắc tất cả hành vi vi phạm nhằm lợi dụng chính sách của Đảng và Nhà nước để trục lợi.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói vừa qua vẫn còn tình trạng tiền hỗ trợ đến không đúng địa chỉ, từ nhà nghèo đi vào nhà giàu, đi vào nhà những người không đáng được hưởng. Từ đó, bà Doan đề nghị MTTQ các cấp phải tham gia giám sát việc giải ngân các gói hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng thụ hưởng.
Mặt trận cần góp ý sửa luật, chỉnh thể chế Tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, đề cập đến một số năng lực thể chế trong sự thúc đẩy, phục hồi phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ông Lộc cũng cho rằng hầu như các bộ luật hiện nay không có sự đột phá trong thể chế. Nhiều tổ chức thành viên đã có kiến nghị về việc chồng chéo các quy định pháp luật và các hạn chế, khó khăn khác. Vì vậy, theo ông Lộc, MTTQ VN các cấp cần tăng cường tham gia giám sát, góp ý vào các văn bản pháp luật, làm sao để khắc phục những tồn tại, vướng mắc nhanh nhất, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho DN hoạt động và phát triển. |