Đài NDTV (Ấn Độ) ngày 30-8 dẫn lời một quan chức chính phủ Ấn Độ đề nghị không nêu tên tiết lộ ngay sau khi binh sĩ nước này và binh sĩ Trung Quốc đụng độ hồi tháng 6 ở khu vực thung lũng Galwan, phía đông vùng Ladakh đang tranh chấp, New Delhi đã lập tức bí mật điều một tàu chiến ra Biển Đông để đáp trả.
Bí mật ở đây là do giới chức Ấn Độ không muốn kích động dư luận trước tình hình đang căng thẳng với Trung Quốc.
Tàu chiến Mỹ, Ấn Độ, Philippines và Nhật tập trận chung ở Biển Đông vào tháng 5-2019. Ảnh: REUTERS
Thông tin về tàu chiến này không được tiết lộ nhưng theo nguồn tin của NDTV, đây là một trong các tàu chiến đang hoạt động trong lực lượng Hải quân Ấn Độ. Tàu này cũng được cho là đã trao đổi thông tin qua các kênh bảo mật với tàu chiến Mỹ tại khu vực vào thời điểm đó.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng triển khai thêm một nhóm tàu chiến khác ra gần eo biển Malacca chiến lược để tăng cường theo dõi tàu chiến Trung Quốc ra vào Ấn Độ Dương.
"Ấn Độ có đủ khả năng theo dõi và kiểm soát hoàn toàn mọi động thái, hành trình của đối thủ tại các cửa ngõ chính ra vào Biển Đông, từ đó giúp chúng tôi nắm được tình hình ở bên trong và xung quanh Ấn Độ Dương nói chung" - quan chức giấu tên nêu rõ.
Ông cũng chia sẻ nhờ sự xuất hiện của tàu chiến nói trên, Trung Quốc đã nhanh chóng thay đổi thái độ trên bàn đối thoại theo hướng có lợi cho Ấn Độ dù liên tục phản đối việc New Delhi mở rộng hiện diện ở Biển Đông.
Hiện Ấn Độ còn đang lên kế hoạch mua và điều động các tàu ngầm tự hành cùng hệ thống cảm biến chuyên dụng để bổ trợ công tác theo dõi tàu chiến Trung Quốc, theo NDTV.
Với vai trò là thành viên của nhóm "Bộ tứ kim cương" (nhóm QUAD - bên cạnh Mỹ, Úc và Nhật), Ấn Độ từ lâu đã lo ngại trước các hành vi bành trướng của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông nói riêng và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung vì New Delhi cũng đang có ý muốn mở rộng xuống khu vực này.
Hồi cuối tháng 7, bốn tàu chiến của Ấn Độ đã tập trận bắn đạn thật chung với tàu sân bay Mỹ USS Nimitz gần eo biển Malacca. Trước đó, Ấn Độ cũng gửi lực lượng tham gia cuộc tập trận chung 26 nước Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) hồi tháng 6-2018 nhưng lại không tham gia kỳ RIMPAC năm nay.