Tàu phá băng nguyên tử “Lenin” trên con đường biển phương bắc. Ảnh: russianlook
Bắc cực đang nóng lên cả trong nghĩa đen lẫn nghĩa bóng vì không chỉ Nga, Mỹ và Canada mà nhiều nước khác cũng đang có các kế hoạch lẫn hành động nhằm sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên được cho là rất dồi dào của khu vực này .
Chỉ một ngày sau khi tổng thống Nga giao nhiệm vụ cho các tướng lĩnh triển khai quân tại khu vực vòng cực, ngày 12/12/2003, chính phủ Canada tuyên bố đòi chủ quyền một khu vực lãnh thổ tại vùng này với diện tích lên đến gần 1,2 triệu km2, bao gồm cả Bắc Cực.
Ngày 16/12, bộ trưởng Quốc phòng Nga cho biết đã giao Bộ tổng tham mưu Nga nhiệm vụ hoàn thành công tác soạn thảo các văn bản cụ thể liên quan đến việc triển khai quân đội tại khu vực này trước ngày 25/12 năm nay.
Trong lịch sử, Liên Xô là nước đi đầu trong việc chinh phục Vùng cực, cụ thể là chế tạo tàu phá băng nguyên tử đầu tiên hoạt động tại khu vực này.
Ngày 5/12/1957, chiếc tàu nổi sử dụng năng lượng nguyên tử đầu tiên trên thế giới do Liên Xô đóng được hạ thủy tại thành phố Leningrad (nay là Saint Petersburg).
Quyết định đóng chiếc tàu phá băng nguyên tử đầu tiên trên thế giới được thông qua tại cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô ngày 20/11/1953. Chiếc tàu mới này rất cần thiết để phát triển giao thông đường thủy theo tuyến đường Phương Bắc. Các tàu phá băng động cơ diesel tiêu tốn rất nhiều nhiên liệu nên hiệu quả thấp, trong khi tàu phá băng nguyên tử có thể vận hành trên biển trong một khoảng thời gian gần như không hạn chế.
Tàu “Lenin” đã hoạt động hơn 30 năm, vượt tuổi thọ dự tính là 5 năm, đi được quãng đường 654.000 hải lý, dẫn 3.741 tàu đi qua các lớp băng của vùng cực. Ảnh: Wikimedia
Khoảng 300 xí nghiệp, viện nghiên cứu khoa học Liên Xô được huy động tham gia vào quá trình đóng tàu. Mọi công việc đóng tàu được tiến hành ngoài trời vì không có một xưởng đóng tàu nào lúc đó có đủ không gian để chứa một con tàu lớn như vậy. Tuy gặp rất nhiều khó khăn, quãng thời gian từ lúc khởi công tại nhà máy đóng tàu Leningrad mang tên A. Marty đến lúc hạ thủy kéo dài không đầy một năm rưỡi, từ ngày 25/8/1956 đến 5/12/1957.
Dự án đóng tàu phá băng nguyên tử đầu tiên trên thế giới mang tên “Lenin” là một dự án chưa từng có tiền lệ về mức độ công khai trong thời gian đóng tàu và thử nghiệm, rất nhiều khách quốc tế đến tham quan, trong đó có cả Thủ tướng Anh Harold Macmillan và phó Tổng thống Mỹ R.Nixon.
Tàu phá băng nguyên tử “Lenin” có điều kiện sinh hoạt cho các thủ thủy rất tiên tiến mà các tàu Xô Viết được đóng thời kỳ đó không có. Tàu có phòng chiếu phim, phòng hút thuốc và phòng hòa nhạc, phòng tắm hơi, thư viện và các phòng ngủ dành cho từ một đến hai thủy thủ. Nội thất của tàu được làm từ gỗ bạch dương Karelski (phía bắc Liên Xô) và gỗ hồ đào Kapkaz (phía nam Liên Xô).
Việc hạ thủy tàu phá băng nguyên tử đầu tiên không chỉ làm các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà ngay cả giới lãnh đạo thành phố Leningrad phải lo lắng. Khi tàu rời nhà máy đóng tàu, chính quyền thành phố đòi phải có cam kết bằng văn bản là trên tàu “Lenin” sẽ không xảy ra các vụ nổ hạt nhân. Trong suốt thời gian hành trình từ Leningrad đến Murmansk, có rất nhiều tàu quân sự của NATO bám theo, tiến hành phân tích phông phóng xạ xung quanh tàu.
Tàu “Lenin” được chính thức đưa vào biên chế của hải quân Liên Xô ngày 3/12/1959. Thuyền trưởng đầu tiên của chiếc tàu là Pavel Akimovich Ponomarev. Điều thú vị là trước đó ông là thuyền trưởng của tàu phá băng “Ermak”, chiếc tàu phá băng đầu tiên trên thế giới hoạt động tại Vùng cực.
Thuyền trưởng đầu tiên của tàu phá băng nguyên tử “ Lenin” Pavel Akimovich Ponomarev. Ảnh: АиФ (Luận chứng và sự kiện- Nga)
Năm 1961, tàu phá băng nguyên tử “Lenin” lần đầu tiên trong lịch sử vận chuyển và cho hạ thủy từ trên boong tàu trạm nghiên cứu khoa học nổi “Bắc cực -10” . Trạm “Bắc cực-10” bắt đầu hoạt động từ ngày 17/10/1961 đến ngày 20/4/1964. Từ thời điểm này, nhiệm vụ vận chuyển và đổ bộ của các nhóm thám hiểm tại Vùng cực được tàu tiến hành thường xuyên.
Thuyền trưởng tiếp theo của tàu “Lenin” là Sokolov Boris Makarovich. Ông làm thuyền trưởng tàu từ năm 1961 suốt gần 30 năm, đến tận khi nó được đưa ra khỏi trang bị của hải quân Liên Xô vào năm 1989. Năm 1981, Boris Sokolov được phong tặng danh hiệu anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa.
Sau khi tàu phá băng nguyên tử “Lenin” được đưa vào hoạt động, thời gian có thể sử dụng tuyến vận tải phía tây Vùng Cực tăng từ 3 tháng lên 11 tháng (gần như quanh năm). Tàu “Lenin” đã hoạt động hơn 30 năm, vượt tuổi thọ dự tính là 5 năm, đi được quãng đường 654.000 hải lý, dẫn 3.741 tàu đi qua các lớp băng của vùng cực. Tàu “Lenin” cũng là chiếc tàu đầu tiên trên thế giới hoạt động trên biển Vùng Cực suốt 13 tháng liên tục .
Sau khi được đưa ra khỏi hải quân, giới chức có kế hoạch thanh lý phá dỡ tàu phá băng “Lenin”. Tuy nhiên, các cựu thủy thủ của tàu đã phản đối quyết liệt và cuối cùng họ đạt được điều mình muốn. Con tàu vinh quang này được giữ lại làm bảo tàng. Hiện nay, tàu đang neo tại nơi neo đậu cuối cùng của mình ở thành phố Murmansk, trở thành một biểu tượng của một thành phố nổi ngoài đường vòng cực.
Theo Lê Hiếu (VNE)