Mới đây, TAND TP.HCM đã bác kháng cáo của bà NTBT, tuyên y án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu ly hôn của người từng là chồng của bà. Theo tòa, mâu thuẫn của hai bên đã quá trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được nên cần chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
Phiên tòa ly hôn này tuy không có mặt nguyên đơn và bị đơn (chỉ có luật sư thay mặt họ trình bày trước tòa), không tranh chấp tài sản, con cái nhưng lại rất nặng nề.
“Không thể sống chung được nữa”
Tháng 10-2013, ông B. (đã 60 tuổi) nộp đơn ra TAND quận 2 xin ly hôn với bà T., người vợ lớn hơn ông một tuổi. Ông tha thiết mong tòa cho được ly hôn để giải thoát khỏi cuộc hôn nhân tồi tệ.
Ông B. kể, vợ chồng ông kết hôn từ năm 1986. Thời gian đầu họ chung sống hạnh phúc nhưng dần dần đôi bên tỏ ra bất đồng quan điểm, mức độ ngày càng tăng dẫn đến không ai còn tôn trọng ai, việc ai nấy làm, không còn hỏi ý kiến nhau nữa.
Theo ông B., bà T. nhiều lần làm mất tài sản gia đình, ông đã cố khuyên can nhưng bà không nghe. Cụ thể, bà nghe lời thầy bói đi thuê nhà buộc cả gia đình dọn đến đó, mỗi tháng tốn 16 triệu đồng, trong khi nhà mình lại để không. Hay như bà T. tự ý mở xưởng sản xuất bắp cải chua bất chấp sự phản đối của ông. Do thiếu nghiên cứu thị trường, hàng sản xuất ra không bán được dẫn đến việc thâm hụt hàng trăm triệu đồng...
Ông B. kể năm 2006, trong đám tang cha ông, bà T. có những lời lẽ khinh miệt chồng trước mặt bà con họ hàng. Kể từ đây, vợ chồng ông bà thường xuyên căng thẳng, cãi vã nhau. bà T. cũng đã nhiều lần đề cập đến chuyện ly hôn. Tuy nhiên, do lúc này các con còn nhỏ nên ông bà chưa ly hôn. Năm 2013, cuộc sống chung của ông bà không thể kéo dài hơn được nữa vì bà T. nợ quá nhiều mà ông và bà không có khả năng trả nợ lãi lẫn gốc cho ngân hàng. Ông đã phải bán căn nhà tại phường 14, quận 3 của cha mẹ cho ông để trả nợ.
Ông nói hết yêu, bà bảo vẫn còn
Ông B. xác định giữa hai bên không còn tình yêu, tình cảm ngày càng lạnh nhạt. Tháng 7-2013, thấy mâu thuẫn quá trầm trọng, hai bên quyết định ly thân. Ông cũng đặt vấn đề ly hôn với bà T. để mong cuộc sống bình yên cho cả hai. Nhưng khi ông đặt vấn đề, bà T. bắt đầu khủng bố, đe dọa ông thông qua email với nhiều lời lẽ xúc phạm, lăng mạ. Thậm chí bà còn đưa ảnh ông lên bàn thờ tế sống.
Cuộc sống hôn nhân ngột ngạt, không còn tin tưởng nhau, bà luôn nghi ngờ ông ngoại tình nên cho người theo dõi và khủng bố tinh thần, gây căng thẳng trong cuộc sống của ông. Để ổn định cuộc sống, ông tha thiết mong tòa cho ông được giải thoát khỏi cuộc hôn nhân này.
Ngược lại, bà T. không muốn ly hôn. Bà trình bày trong cuộc sống hôn nhân có mâu thuẫn nhưng không trầm trọng, đó chỉ là những va chạm nhỏ. Bà xác nhận có sỉ nhục chồng nhưng nguyên nhân là do bị áp lực. Bà cũng nói trong thời gian ông bỏ đi bà có gửi cho chồng khoảng 50 email xin ông quay trở về.
Theo bà, do ông không trả lời nên trong lúc nóng giận, bà đã đưa ảnh ông lên bàn thờ để tế sống. Nhưng ngay sau đó bà đã viết thư xin lỗi chồng. Nay cả hai đều đã lớn tuổi, chồng bà thường xuyên đau ốm, cần có người chăm sóc và bà vẫn thương chồng nên muốn đoàn tụ.
Cho ly hôn để giải thoát cho nhau
Xử sơ thẩm vào tháng 3, tòa nhận định mâu thuẫn giữa hai bên là có thật, kéo dài nhiều năm. Bản thân hai bên đã tự hòa giải nhưng vẫn không đạt được kết quả. Bà T. nói còn yêu thương chồng nhưng không đưa ra được biện pháp hàn gắn hạnh phúc gia đình mà càng ngày càng đẩy chồng vào trạng thái ngột ngạt, bế tắc trong cuộc sống. Theo tòa, nếu có tiếp tục hôn nhân thì cũng không mang lại hạnh phúc cho đôi bên, từ đó tòa xử cho họ ly hôn.
Ngay sau đó, bà T. kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm, ông B. và bà T. đều vắng mặt. Phiên tòa ly hôn diễn ra bởi những văn bản đọc ý kiến và bản tranh luận do luật sư trình bày nhằm bảo vệ quan điểm của hai bên.
Luật sư của bà T. yêu cầu HĐXX sửa án sơ thẩm, không cho hai người ly hôn vì bà T. vẫn còn yêu thương chồng, tuổi già hai người có thể dựa vào nhau, nhất là khi ông T. thường xuyên ốm đau, cần người chăm sóc. Ngược lại, luật sư của ông B. lại mong tòa cho ông sớm được giải thoát vì tuổi già về hưu mà ông còn không được yên thân, bị lăng mạ và khủng bố tinh thần liên tục...
Cứ thế, luật sư hai bên đối đáp qua lại. Cuối cùng, tòa vẫn tuyên y án sơ thẩm.
Làm đám cưới bạc rồi... ly hôn Luật sư của bị đơn nói năm 2011 cả hai còn làm đám cưới bạc, sao nói mâu thuẫn từ năm 2006 như án sơ thẩm được. Luật sư trình ra các bức ảnh của đám cưới đó. Tuy nhiên, luật sư của ông B. nói đám cưới đó do bà T. tự muốn tổ chức để... làm màu. Cuộc sống hôn nhân nhìn tưởng tốt đẹp (nhà giàu, con trai đi du học...) nhưng bên trong là địa ngục. Bà T. hút thuốc, chửi bới con cái; chồng là cán bộ hàng lãnh đạo nhưng lại bị vợ nói là đồ đàn bà, là đĩ đực, trai bao... Thậm chí ông còn bị cho là bồ bịch với cả... thẩm phán xử sơ thẩm và luật sư. Giờ ông B. bị ám ảnh bởi câu nói của bà, rằng “ngày nào không cãi nhau là ngày tết của em”. Luật sư của ông B. cho rằng mâu thuẫn như vậy không thể nào hòa giải được nên đề nghị tòa xử cho hai bên ly hôn. |