Thả mây tìm gió

Chị chạy thật nhanh về hướng cái cây tầm Arsôi cho kịp treo lên đó. Treo cái gùi này như treo cuộc đời mình.

Chị quay lại chỗ cập chiếc xuồng ban nãy cách đấy chừng hai cây số rưỡi. Chiếc gùi lót lớp nilon chứa nước đựng cá cứ lủng lẳng thế. Những người Thượng đi bẫy dúi đêm sẽ mang nó đi. Nếu chạy không nhanh, mấy người thợ săn kia sẽ lướt qua trước khi nhìn vào chỗ cây tầm Arsôi mà không thấy chiếc gùi ở đó thì cá sẽ thúi trên cây. Họ chỉ việc treo tiếp cái gùi kia lên phía sau cây xà gạt trên vai. Đến cái chợ cần lao chồm hổm xa cách ngoài vùng rừng này, họ sẽ chìa chiếc gùi cho mấy người bán cá, rồi gói số tiền người ta đưa vào hai lớp bịch nilon con con màu trắng. Lâu giờ những người bán cá cứ nghĩ đây là cá của những người Thượng này đi làm về. Cần mua gì thì Chị cứ ghi vào một mảnh giấy và cũng cuộn lại như thế, chỉ khác là cái bịch nilon dùng màu hồng, lại được kẹp vào cây kia theo trục dọc.

* * *

Con đầm thênh thang hỗn độn giữa nước, sình và thảo mộc nhiệt đới đầm lầy. Cái cù lao nhô lên giữa sinh cảnh tĩnh lặng triền miên đó có một cái nhà nhỏ làm bằng cây, lá, bạt nhựa, gọi là “tổ” thì đúng chất hơn, của người phụ nữ đánh cá. Những người thợ săn dúi kiếm sống trên núi cao kia cũng chưa từng bước lên cái nhà đẹp mà buồn câm như “tổ” của Chị. Chị bắt cá ở dưới nước, họ bắt loài chuột rừng ăn rễ le, lồ ô mà thổ ngữ K’ho của họ gọi là dúi kia ở trên núi, trong hang. Họ giúp Chị tự nhiên như thở thứ hơi núi rừng thôi. Chị đánh cá theo kiểu của mình, ba ngày xuống xuồng một lần. Chả hiểu sao lại giống y với lịch trình đi săn của những người thợ săn kia ngay từ ngày đầu rớt xuống hoang tịch này. Chị và họ chỉ gặp mặt một lần duy nhất vào cái lần đầu Chị gùi chiếc gùi nước chứa cá đi ngược ra rừng vào một tinh mơ và bất chợt gặp họ, rồi giây lát thấy chiếc gùi đã lắc lư phía sau cây xà gạt của họ. Chắc là họ nói với Chị họ biết chỗ mua cá ở vùng đây.

Giờ thì Chị ngồi nhả khói lên trời, bằng thứ lá cây mà nấu canh ăn cũng được, phơi khô quấn lại hút chơi cũng ra khói trắng mỏng manh ở chỗ núi có khe nước bên trên. Nắng mai rọi xuống đầm thanh khiết, những sợi ánh sáng mỏng tanh xuyên qua mây trên cao và sương mai bãng lãng ngà ngà. Chị đang thưởng thức cuộc sống hay đang nghĩ ngợi gì chỉ có Chị mới hay chứ Yàng cũng đố biết. Chim nơi những tổ trên cây của cù lao kêu ca chộn rộn. Cá chưa dính câu dưới kia quẫy nước tùm lum, tóe lên như ngọc, lóng lánh. Bình minh nhiệt đới là thế này đấy ư. Rộn rã và rực rỡ. Khói sương trên mặt đầm lướt qua má, mũi người phụ nữ, dẫn khói thuốc lá cây trên môi kia đi. Con bói cá có chút màu xanh nơi cánh quen thuộc đứng trên gốc cây khô ngoài xa hơn bỗng phóng vút lên cao rồi lao xuống, thoáng chốc thẳng lại bầu trời với con cá đã nơi đầu mỏ. Nó cũng như Chị thôi, cùng kiếm ăn ở cái đầm cô quạnh này. Nó là sinh vật thương yêu nhất của Chị trên cù lao này. Một lần Chị chèo xuồng giữa hồ và cứu nó đưa về khi thấy nó đang cố bơi tìm cách sống sót dưới mặt nước vì một phần cánh vừa bị gãy, mà chắc là do một pha lao xuống bắt cá không chính xác, vướng phải mớ cây khô chìm dưới mặt nước.

Chị đứng dậy, cởi toang bộ đồ ướt đẫm sương đêm, vứt lên cái bàn làm bằng một đoạn thân cây cho thoải mái. Cái thân thể này giữa hoang vu một mình Chị thấy còn không hết nó thì ai nữa đâu mà mắc cỡ. Lát vào thay đồ khô, giờ sưởi ấm nghỉ khỏe đã. Cánh rừng trước mặt đến giờ cũng cởi xong bóng đêm bởi ánh nắng, màu vàng tươi phủ đầy trên lá xanh. Chẳng thấy đói bụng, dù nồi cháo cá để trên đống than ấm lúc hai giờ sáng trước khi xuống xuồng và rổ củ môn luộc đang ở trong nhà. Uống ực ực những ngụm nước thượng nguồn sơn dã đã đun sôi, Chị gác hai chân lên cái gốc cây khô ở phía trước bên trái chiếc bàn. Cơ thể trắng phau thị thành bỗng một ngày săn chắc, sành nâu lên sắc màu bánh mật hòa vào sắc cốt của cõi sơn nguyên, phơi phới trong nắng dịu và gió lành của đầu ngày. Khói thuốc lại bay lên. Phải cách hai ban mai như thế này mới trở lại mặt nước giăng câu. Ta đang được tự do, sống đích thực. Chị thoáng cảm thấy vậy. Những dọi nắng mai tinh tươm sà qua thân thể của người đàn bà ở độ đậm đà thịt da. Cái ấm từ trời xanh vừa đủ để Chị cảm giác ấm áp chỗ này chỗ kia và những giọt nước còn vương trên đó nhè nhẹ bốc hơi. Mọi thứ rác nào đó còn vướng lại trong tâm hồn như cũng muốn tan theo, tan đi giữa trạng thái thảnh thơi tuyệt đối.

* * *

Mùa theo mùa, nối mùa, thời tiết giăng thời tiết, nối thời tiết đi qua vùng rừng núi và đầm hoang.

Độ này mưa hay lách tách trên những rùm cây trên ngoài nhà. Bóng nước mờ mờ trùm xuống con đầm, tất cả không gian đi vào huyền ảo. Mưa đầm lầy giữa rừng mà, làm mọi thứ co lại, đặc quánh, rồi giãn ra như hơi thở mỗi ngày có đủ bốn mùa của đầm. Chị nghe nhạc mưa mà nghĩ về sự chan hòa của đất - nước - gió - lửa. Tâm tĩnh lặng mới tìm được nhạc trong mưa. Chị đang kết mình vào không khí, mùa màng và cỏ lá. Mùa nào nhạc đó, giữa khô và mưa, nhưng mùa mưa nhạc thiên nhiên nghe sâu và hay huyền ảo hơn ở cù lao này. Tủm, tủm, tủm, tủm, tủm, tiếng từ các giọt nước đọng lại cuối cùng trên mái nhà lá rơi xuống rãnh đất bên dưới mái nhà. Nó rơi vừa lười biếng mà vừa hiền, nhưng lại tài tử như người hát rong hát dạo ở rừng. Lại là tiếng của những con ếch núi nữa kìa, đệm vào tiếng mưa, làm cũ kỹ thêm cái hoang nhiệt đới. Kéo thêm cái chăn lên đến miệng, chừa lại đủ cho mũi, tai và mắt được tự do. Chị mơ bóng chim bay ban ngày ngang qua bàu nước. Mơ cái cây khô đầy cành trơ giữa hồ như cây san hô lớn mắc cạn kia bỗng được trống trơn, nhìn thỏa thích mà không thấy con gì leo đậu lên.

* * *

Đừng có hỏi sao người đàn bà này không thấy buồn. Buồn quá rồi, tới đỉnh rồi, nên không còn buồn được nữa. Sài Gòn đã tắm Chị bằng thứ nỗi buồn mà chỉ Chị mới cảm giác thấu. Bọn doanh nhân đàn ông đã vờn nàng, là Chị bây giờ, như con mèo sau mỗi lần tóm được con chuột. Nhan sắc thướt tha lại đài các của Chị xuất hiện ở chỗ nào là chỗ đó chói sáng, rộn rã. Họ chịu chơi và dùng tiền để phủ mờ mắt của người con gái khát cháy xa hoa, sang trọng, tiện ích và tiến thân danh vọng. Gia nhập được giới thượng lưu, cho dù là thượng lưu “kiểu Việt”, nàng thấy mình hơn bao bầu bạn đồng giới đồng thì. Chỗ nào cũng chào đón nàng vào làm và ở doanh nghiệp lớn nào nàng cũng ở vị trí mặt tiền, bộ phận đối ngoại. Cơ hội quá nhiều khiến nàng chuyển đổi công ty, nhảy việc hoài. Những bọn chủ giăng câu nàng. Nàng giăng câu những bọn chủ. Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào. Đời là một giàn câu. Bọn chủ tưởng mình là người, nàng là cá, nhưng nàng cho họ mới là cá. Nàng nghĩ đó là hơn người, là hạnh phúc. Gác lại tâm hồn và phẩm hạnh, để đó tính sau, vào một ngày nào đó...

Một ngày, vào tuổi bốn mươi bốn, Nàng nhìn lại đống của cải ngất trời ước cả ba chục tỉ đồng của mình mà chán mình. Có cái gì đó ám ảnh, rất vô lý, vô nghĩa, bất công, chưa phải mình, chẳng là lõi tâm hồn của mình. Cái vòng vây hình như nó mang màu nâu và không phải là tội lỗi mà là một thứ gì đó đối với lương tâm chính mình.

Thôi, đốt hết đống của cải đáng ghét này đi. Buông. Nàng cảm giác cả cái thành phố đây không còn là không gian tinh khiết để sống nữa. Thế là vô số thẻ tín dụng, sổ cổ phần, cổ phiếu, sổ nhà, sổ căn hộ chung cư, sổ đất, visa, passport cùng chiếc Lexus màu tuyết trắng được Nàng hỏa thiêu bằng ba lít xăng vào một đêm Chủ nhật cuối năm ở vùng ngoại ô xa. Nàng để lại đúng ba trăm năm chục triệu mang theo lên rừng, thầm tính chỉ cần dựng đủ một căn nhà be bé, sắm một chiếc xuồng và những giàn câu thật mùi. Nàng còn muốn vứt luôn cái tên Phố của mình. Cái âm “Phố” nghe thấy mà đáng ghét, bải hoải. Nhưng sao vứt ngay được như của cải, tên tuổi thì bám theo người. Lên rừng sẽ đổi tên, từ Phố có thể sang Ngàn, hoặc Lâm, hoặc Suối, Sông gì đó. Nàng thề thà để cho rừng hoang vờn hoa rỡn liễu cho đời ta lộng lẫy thật, chứ không để cho danh vọng và bọn chủ tham tàn trơ lạnh háo sắc kia nữa.

“Sắc đẹp là cái trước nhất trời cho người phụ nữ, nhưng cũng là cái đầu tiên trời lấy đi”. Gã ăn mày trung niên người K’ho bản địa ngang trạc tuổi Chị ở bến xe thị trấn Di Linh miền cao nguyên đã nói như thế khi Chị vừa bước xuống xe đò của năm đó và nghe được.

* * *

Ba tuần rồi Chị không cần đi giăng câu nữa. Ở rừng có cây gì, con gì ăn đó, đói đâu mà cả lo. Cả ngày ra ngồi, rồi nằm dài ngửa người lên trời cho thư thái, thỏa an lạc tự do. Nhóm người bản địa sáu chuyến qua lại chỗ bụi cây Chị hay treo nhìn không thấy chiếc gùi nên cứ thế lướt qua, trong khi hai cuộn tiền bé con trong hai bịch nilon trắng kẹp ngang vào nách cây để đấy vẫn còn yên.

Cơn mưa giữa buổi sáng bỗng đổ xuống núi rừng, độ ba giờ sau khi nhóm thợ săn dúi lướt qua. Mùa mưa mà, bất cứ lúc nào cũng có thể mưa. Bụi cây tầm Arsôi này cũng lắc lư vì mưa. Hai cuộn nilon cuộn tiền rơi xuống đất. Kìa, sình đã liếm lên cuộn nilon trắng.

Mới mà đã thêm một tuần nữa đi qua. Chuyến đi săn tiếp của nhóm thợ đã trở lại. Họ lại lướt qua chỗ đó, sau một đêm lặn mò dúi trên các cánh rừng le. Chân của một người đã dẫm lên cuộn nilon. Người đi sau thấy lộ ra nó, lượm lên, nhét lại trên nách cây. Hai người cuối cùng nhìn hành động hiển nhiên đó của đồng nghiệp. Đi độ nửa giờ, bỗng trong họ có người quay ngược lại và chạy nhanh về phía có cái đầm lầy, mặc cho những người kia đi tiếp. Chắc họ biết người này đang nghĩ về điều gì và chạy như thế.

Tới chỗ đầm lầy mà nhìn sang xa xa thấy cái cù lao duy nhất đó, chàng thanh niên lấy hai bàn tay bụm lại rồi đưa lên miệng: “Hú…hú…hú…hú….hú…hú… Hú…hú…hú…hú…hú…hú…!?”. Bỗng nghe tiếng hú ngân vang, Chị vớ tay lấy cái quần mặc nhanh vào và thêm chiếc khăn lụa màu xanh dài quấn ngay chéo hai ngực, bước thoắt ra khỏi căn nhà: “Hú… hú…hú…hú…hú...”. Chàng thanh niên bước đi, chậm rãi, ngược trở lại lối mòn ban nãy. Chắc cậu đã yên tâm rằng Chị kia vẫn còn sống. Chỉ cần thế thôi mà chẳng phải tò mò bước lên cù lao khám phá chỗ ở của người ta làm gì. Họ đã chọn cách sống đó là họ cần tự do và an yên. Người Thượng mà, sống bằng cảm nhận, hành động tinh tế hơn là lời lẽ, đối đãi. Văn minh cao nhất là văn minh thuần khiết, không sách vở, khuôn sáo, mà nằm trong tình thương, sự chân thật.

* * *

Rồi thì mùa khô đã lại về. Những cây rừng trên hai bên các vách núi đã đổi diệp lục trên lá, từ xanh chuyển sang tím, vàng, đỏ, nâu. Ở dưới mặt đầm cũng vậy, những cây thích nghi sình và nước cũng chuyển sắc. Cả núi rừng tợ thành thi ca vậy. Chị lại càng hay để mình trần hơn vào tiết mùa này, hoặc mặc đơn sơ đủ che hai vị trí cần che trên cơ thể thôi. Chị có cảm giác sắc lực đang bồi lại trên da thịt mình, dù không xài đến chiếc gương soi nào nữa kể từ khi gắn đoạn cuối của cuộc đời mình vào đầm hoang này. Cảm giác hồi sinh ấy là bởi Chị nhận ra sự tươi tắn rất rõ trong thân tâm, tinh hồn nhẹ nhàng và người không bao giờ mệt mỏi, hục hặc, đổ bệnh.

Chị bê nồi lẩu nấu bằng mấy con cá lăng nhỏ với những bông cây Kasilơ ở rừng với đọt mây ra trước chỗ ba thân cây làm “bến nước” trước tổ nhà để ngồi ăn. Ăn là cũng phải thế này mới tự do, thực sự ăn uống. Múc những chén canh thẫm chất hoang dã ăn. Chậm rãi, nhâm nhấm, ăn như một thiền sư. Chị thả cả hai bàn chân xuống mặt hồ vẩy vẩy cho nước tưng lên, như trẻ thơ. Gắp miếng cá, miếng bông Kasilơ, rồi chút đọt mây bỏ vào đầu lưỡi, rít thật sâu lấy nước, từ từ mới nhai nuốt. Chắc khi quá thấm hiểu sự ngột ngạt của thế giới phù hoa lý tính và giả tạo thì khi được làm người thật, với tư cách một sinh vật của tự do, một loài của tự nhiên, thì con người ta cố sống cho trọn từng phút giây người ấy. Rồi bụng no lúc nào không hay. Bữa cơm chiều tà nay Chị quên mất vào mang nồi cơm ra, để ăn nó với món canh đẫm rừng.

Trăng núi đã lên tới đỉnh cao nhất của dãy núi vòng cung ôm quanh những cánh rừng che chở cho con đầm rồi. Tiếng con bói cá cụt cánh đã lé thé, lé thé bên ngoài, như nhắc Chị ra đón ánh sáng của trăng, niềm trìu yêu của Chị. Chơi với trăng. Sự thành đạt nào đó hay tự do nào đó đều có giá của nó. Mỗi một con người đều là một thân phận, góp vào cho cái thân phận chung của thế gian. Kiếp người chóng vánh, vô thường, vô ngã, chả có đúng có sai, chả có hay có dở nào cả, mà chỉ có tâm hồn con người gọi mình lên lúc nào thì lúc ấy là sự thật ở mình. Chị bỗng tỉnh thức, thành đạt về tinh thần và tự do trong thuần khiết thiên thanh là đáng giá nhất, mới kết thúc được tầm thường và khổ đau ở cõi nhân sinh, mà Tứ Diệu Đế của Buddha đã chỉ ra. Tuổi bốn mươi chín chưa phải là tuổi vàng úa, nhưng hấp thụ suy tư về ý nghĩa cuối cùng của cuộc đời ở Chị quá già. Cũng đã được năm năm tự do rồi. “Thoát khỏi cái hang đô thị là thoát khỏi cái hang tệ hơn hang động hoang vu không người”. Chị nhớ mình nghĩ quyết liệt như thế vào lúc bật hột quẹt châm đốt đi những thành tựu phù hoa của mình. Chị nghĩ đến chín rục trong đầu về điều này và đêm nay lại nghêu ngao những câu nhạc của ai đó mà Chị hát nó như thứ kinh riêng của mình: “ Ôi có đôi khi thèm như gió đi hoang. Sống kiếp lang thang, dạo chơi khắp núi rừng. Ta là gió trên ngàn.”…

Đêm nay có thể Chị sẽ chọn ngủ luôn ngoài kia.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm