Chiều 25-1, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch trang trọng tổ chức lễ tri ân những người hiến xác cho y học - Macchabee. Lễ tri ân lần thứ 29 của trường có chủ đề “Một đường hoa nở”.
Buổi lễ là cơ hội để người ở lại bày tỏ niềm tri ân sâu sắc đến “những người thầy thầm lặng” của sinh viên (SV) y khoa. Đây cũng là dịp nhà trường gửi lời cảm ơn đến gia đình có thân nhân hiến xác cho y học.
Tâm nguyện của người mất được hoàn thành…
Ông Huỳnh Thanh Tài (67 tuổi), người có vợ đã hiến thi hài cho y học. Xác của vợ ông đang nằm tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Ông Tài cho biết khi vợ mất, ông lục hồ sơ mới thấy giấy đăng ký hiến xác của vợ. Ông lập tức liên lạc cho nhà trường.
“Nhớ mãi vào 9 giờ sáng hôm ấy, chúng tôi đem thi hài của vợ từ bệnh viện về. Trước khi giao xác cho nhà trường, tôi đã ngắm nhìn khuôn mặt vợ một lần nữa. Lúc đó thật bất ngờ khi tôi nhìn thấy sự hân hoan, vui vẻ trên khuôn mặt ấy. Tôi nghĩ đấy là vẻ mặt mãn nguyện của người đã mất khi di nguyện được hoàn thành.
Từ năm 2017 đến nay, vợ tôi đều nằm tại trường. Mỗi năm tôi đều đến đây thắp cho vợ nén hương, nhân viên của trường hẹn giờ tiếp đón rất nhiệt tình. Tôi luôn biết ơn vì dù vợ mất, tôi vẫn còn cơ hội được gặp lại vợ trong những dịp đặc biệt thế này” - ông Tài tâm sự.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Hoàng (70 tuổi), người có vợ hiến xác cho y học và hiện được lưu giữ tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bày tỏ niềm xúc động khi năm nào cũng được ít nhất một lần gặp lại người vợ thương yêu đã mất.
“Ngày xưa tôi thường xuyên hiến máu, sau đó cũng đăng ký hiến xác, không nhớ từ năm nào. Lúc đó tôi chỉ nghĩ cái gì làm được thì mình làm. Hiện tại, cả vợ và ba người con của tôi đều đăng ký hiến xác cho y học. Con người rồi cũng đến lúc ra đi, thật tự hào khi cả gia đình tôi sẽ được nằm tại ngôi trường này, góp một phần nhỏ để SV y khoa rèn luyện thành tài” - ông Hoàng bày tỏ.
Trong căn phòng tĩnh lặng đầy hoa và nến, bà Trình Thị Thu Trang (61 tuổi) không cầm được nước mắt khi đặt lên thi hài chị gái của mình một nhành hoa.
Năm 2023 là năm kỷ lục có danh sách đăng ký hiến thi hài rất lớn, đây là tín hiệu đáng mừng. Đối với đào tạo y khoa, nếu không có những thi hài chắc chắn chất lượng giáo dục và đào tạo y khoa sẽ khựng lại, đi xuống.
PGS-TS-BS NGUYỄN THANH HIỆP,
Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch
Bà Trang cho hay gia đình bà có bốn anh chị em, trong đó ba người đều đăng ký hiến xác cho y học. Tháng 7 vừa rồi, chị của bà Trang đã ra đi, thân xác hiện nằm lại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Lần đầu được dự buổi lễ tri ân ý nghĩa, bà Trang bày tỏ niềm xúc động.
“Hiện chồng tôi cũng đã đăng ký hiến xác. Gia đình tôi đều hiểu được ý nghĩa hành động của mình khi hiến xác, cảm thấy việc làm này hoàn toàn đúng đắn. Tôi mong rằng hành động hiến thi hài sẽ ngày càng được nhân rộng để góp phần giúp y khoa ngày càng phát triển” - bà Trang chia sẻ.
Họ là “Những người thầy cao cả”
TS-BS Lê Quang Tuyền, Trưởng bộ môn Giải phẫu Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chia sẻ những người hiến thi hài cho khoa học đã ra đi nhưng để lại khát khao, mong muốn mang đến mầm sống cho đời.
“Họ chính là những người thầy chưa từng đứng trên bục giảng, không biết nói những lời giáo điều nhưng là quà tặng quý báu, giúp nối dài sự sống cho người khác. Những di hài này không hề khiếm khuyết mà thực sự trở nên trọn vẹn bởi hành động cao cả ấy” - ông Tuyền nhấn mạnh.
Trích dẫn câu thơ “Thác là thể phách, còn là tinh anh” của đại thi hào Nguyễn Du, ông Tuyền cho rằng những người hiến thi hài cho khoa học chỉ chết về thể xác nhưng cái hồn và giá trị của họ vẫn luôn hiện hữu.
Theo ông Tuyền, dù họ đã trở về với cát bụi nhưng vẫn còn âm thầm lặng lẽ cống hiến, đóng góp cho khoa học. Dù đã nằm xuống nhưng có lẽ sự sống của họ vẫn tiếp diễn đâu đó, với từng mạch máu, thớ cơ cùng những bài giảng có giá trị.
PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết gần 30 năm công tác tại trường, đã dự rất nhiều lễ tri ân những người hiến thi hài cho khoa học nhưng lần nào cũng có những cảm xúc đặc biệt. Những buổi gặp gỡ này là liều thuốc tinh thần rất lớn cho thân nhân những người hiến xác cũng như SV, tập thể nhà trường.
“Buổi lễ này còn tri ân những người thân đã chấp nhận vượt qua định kiến “một cái chết toàn thây”, giúp người thân được hoàn thành tâm nguyện. Ngoài ra còn tri ân những người đã và đang có ý định đăng ký hiến xác cho y học. Nghĩa cử này hết sức cao quý, họ là những người sống chia sẻ, chết đi vẫn tiếp tục sẻ chia” - ông Hiệp nói.
Theo ông Hiệp, trong môi trường y khoa, thi hài cũng như các điều kiện hỗ trợ học tập rất quan trọng. Vì thế, nhà trường đầu tư hệ thống trung tâm huấn luyện mô phỏng kỹ năng tiền lâm sàng, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
“Điều này giúp SV thực nghiệm các kỹ năng trước khi thực hành tại bệnh viện, làm tăng tính an toàn khi SV tiếp cận bệnh nhân” - ông Hiệp cho hay.
Gửi gắm đến các SV nhà trường, ông Hiệp trích dẫn câu nói của một người thầy: “Bệnh nhân là người thầy chính, giảng viên là người thầy phụ, người hiến thi hài là người thầy cao cả của SV y khoa”. Ông Hiệp hy vọng SV biết trân quý những đóng góp này, từ đó nỗ lực học tập, trở thành những y bác sĩ có ích cho xã hội.
241 người đăng ký hiến xác năm 2023
Từ năm 1997 đến cuối 2023, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã có 8.685 hồ sơ đăng ký hiến xác, trong đó đã tiếp nhận 360 xác, có 176 xác đã thanh lý.
Riêng năm 2023, nhà trường nhận 241 hồ sơ đăng ký hiến xác, trong đó đã tiếp nhận 24 xác. Số xác đã hoàn trả sau khi hoàn tất học tập trong năm 2023 là 33 xác.
TS-BS HỒ NGUYỄN ANH TUẤN, Phó Trưởng bộ môn
Giải phẫu Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch