Ngày 26-7 tới, Liên minh 8 đảng ở Thái Lan sẽ công bố ứng cử viên thủ tướng mới sau khi ông Pita Limjaroenrat - lãnh đạo đảng Tiến bước (MFP) thất bại trong cả hai vòng bỏ phiếu tại quốc hội, thậm chí còn bị tạm đình chỉ tư cách nghị sĩ vì cáo buộc có cổ phần trong một hãng truyền hình.
Áp lực tìm kiếm ứng viên thủ tướng lúc này đang đặt lên đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) - đảng vừa thay thế MFP lãnh đạo liên minh.
Dưới đây là 3 ứng viên tiềm năng và cũng là 3 ứng viên thủ tướng mà đảng đảng Vì nước Thái đề cử trước cuộc bầu cử hồi tháng 5.
Trùm bất động sản Srettha Thavisin
Ứng viên sáng giá nhất hiện tại của đảng Vì nước Thái là ông Srettha Thavisin (60 tuổi), một doanh nhân nổi tiếng và từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị của tập đoàn bất động sản hàng đầu Thái Lan Sansiri Public Company Limited.
Theo trang tin Thai Enquire, ông Srettha tốt nghiệp Cử nhân Kỹ thuật Xây dựng tại ĐH Chulalongkorn (Thái Lan) sau đó lấy bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại ĐH Claremont (Mỹ). Ông bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực bất động sản từ năm 1984 trước khi trở thành người đồng sáng lập tập đoàn Sansiri vào năm 1988.Dưới sự lãnh đạo của ông Srettha, Sansiri đã trở thành một trong những tập đoàn bất động sản thành công nhất Thái Lan.
Dù là người có tiếng trong lĩnh vực kinh doanh, ông Srettha vẫn là cái tên mới trong giới chính trị.
Ông Srettha Thavisin. Ảnh: BANGKOK POST |
Giới quan sát đánh giá ông Srettha là người đại diện cho những tư tưởng chính trị tự do nhưng không quá cực đoan, có khả năng lãnh đạo và có tầm nhìn rộng. Dù không nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ thế hệ trẻ Thái Lan như ông Pita, ông Srettha lại là người được cộng đồng doanh nghiệp chào đón nồng nhiệt nhờ lập trường kinh tế của ông. Ông cho biết sẽ sẽ giúp Thái Lan theo đuổi các hiệp định thương mại tự do cũng như thu hút vốn đầu tư nước ngoài một khi trở thành thủ tướng.
Theo một cuộc thăm dò của tờ Krungthep Turakij được công bố trước cuộc bầu cử hồi tháng 5, trong số 200 doanh nhân Thái Lan được hỏi, 24,2% người cho biết họ muốn ông Srettha làm thủ tướng. Đây cũng là tỉ lệ ủng hộ cao nhất, vượt qua ông Pita (15,2%) và Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-o-cha (14,1%).
Sau thất bại của ông Pita hôm 19-7, ông Srettha tuyên bố bản thân ông sẵn sàng cho vị trí thủ tướng. “Nếu tôi chưa sẵn sàng cho vị trí này, tên của tôi đã không có trong danh sách ứng viên thủ tướng của đảng Vì nước Thái” - ông cho biết, đồng thời cam kết sẽ giám sát các vấn đề kinh tế theo sự phân công của đảng.
Một yếu tố nữa củng cố vị trí dẫn đầu cho ông Srettha là việc bà Paetongtarn Shinawatra - ứng viên số 2 của đảng Vì nước Thái tuần trước cho biết bà sẽ ủng hộ ông Srettha nếu ông Pita thất bại. Tuy nhiên, nhà phân tích chính trị Thitinan Pongsudhirak - Giáo sư Quan hệ Quốc tế tại ĐH Chulalongkorn - cho rằng ông không phải là một ứng cử viên quá hấp dẫn, đặc biệt là khi ông “không có cơ sở trong đảng”, thế nên doanh nhân này sẽ phải nỗ lực rất nhiều để tìm kiếm sự ủng hộ từ các nghị sĩ tại quốc hội.
Ái nữ nhà Shinawatra - bà Paetongtarn Shinawatra
Bà Paetongtarn Shinawatra vận động tranh cử ở tỉnh Ubon Ratchathani (Thái Lan) ngày 17-2. Ảnh: REUTERS |
Bà Paetongtarn Shinawatra (36 tuổi), ứng viên tiềm năng kế tiếp của đảng Vì nước Thái, là con gái út của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và là cháu gái của cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra. Bà tốt nghiệp khoa Nghiên cứu chính trị của ĐH Chulalongkorn và theo học ngành Quản lý khách sạn quốc tế tại ĐH Surrey (Anh), theo đài CNN.
Bà Paetongtarn tiếp cận chính trị từ nhỏ. Trong thời kỳ ông Thaksin còn giữ chức thủ tướng Thái Lan, bà Paetongtam vẫn thường xuất hiện cùng cha trong các sự kiện. Trong những bài phát biểu vận động tranh cử của mình, bà Paetongtarn tập trung vào cam kết mang lại nền dân chủ và sự thịnh vượng cho Thái Lan, đưa người dân thoát khỏi “những cơn ác mộng đảo chính”.
Việc xuất thân từ một gia đình chính trị danh giá vừa là lợi thế vừa là thách thức đối với bà Paetongtam khi tranh cử. Nhà phân tích Thitinan lưu ý rằng bà có thể vấp phải sự phản đối từ các thượng nghị sĩ Thái Lan, những người không có thiện cảm với cha của bà. Vị chuyên gia cũng cho rằng việc mới sinh con cũng là rào cản đối với bà Paetongtam.
Bà Aim Sinpeng, giảng viên cao cấp tại ĐH Sydney (Úc), cho rằng bà Paetongtarn là “một người nổi tiếng” nhưng điều đó vẫn chưa đủ để đảm bảo thắng lợi cho bà trong cuộc đua vào chức thủ tướng.
Cựu Bộ trưởng Tư pháp Chaikasem Nitisiri
Cựu Bộ trưởng Tư pháp Thái Lan Chaikasem Nitisiri. Ảnh: BANGKOK POST |
Ứng viên thủ tướng còn lại là cựu Bộ trưởng Tư pháp Thái Lan - ông Chaikasem Nitisiri (74 tuổi). So với hai ứng viên trên, ông Chaikasem là một người có kinh nghiệm chính trường dày dặn, theo Thai Enquire.
Năm 2008, khi đang là thành viên ban điều hành AOL (Cơ quan điều hành sân bay Thái Lan), ông nằm trong số 38 người dính cáo buộc có vai trò trong các vụ đánh bom tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi, ở thủ đô Bangkok. Vụ án sau đó đã bị hủy bỏ do thiếu bằng chứng.
Năm 2012, ông được bổ nhiệm vào vị trí chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và hối đoái Thái Lan (SEC). Đến năm 2013, ông giữ chức bộ trưởng tư pháp trong chính quyền của bà Yingluck Shinawatra - em gái của cựu Thủ tướng Thaksin. Ông cũng là một trong ba ứng cử viên thủ tướng của đảng Vì nước Thái trong cuộc tổng tuyển cử năm 2019.
Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử thủ tướng năm nay, vị chiến lược gia này không được đánh giá cao do vấn đề sức khỏe. Tờ Khaosod (Thái Lan) đưa tin ông Chaikasem đã nhập viện sau khi bị đau đầu, loạng choạng dẫn tới bất tỉnh trong lúc vận động tranh cử ở tỉnh Nan (miền bắc Thái Lan) hôm 8-4.
Cơ hội nào cho ứng viên đảng khác?
Nếu ứng viên từ đảng Vì nước Thái cũng không được quốc hội ủng hộ như trường hợp của ông Pita Limjaroenrat, đảng này buộc phải đề cử ứng viên từ các đảng trong liên minh 8 đảng nếu muốn liên minh lập được chính phủ.
Một khả năng khác là Thượng viện có thể ủng hộ một chính phủ thiểu số. Trường hợp này thì những ứng viên từ các đảng được quân đội hậu thuẫn như ông Prawit Wongsuwan (77 tuổi) của đảng Palang Pracharath hoặc ông Anutin Charnvirakul của đảng Bhumjaithai có khả năng trở thành thủ tướng.