Đây là ngôi chùa do đích thân bà Đoan Huy Hoàng Thái Hậu – Hoàng Thị Cúc (Thân Mẫu của vua Bảo Đại) hiến cúng cho Tổng Hội Phật Giáo vùng đất Tây Nguyên vào năm 1951. Chùa có rất nhiều hạng mục nhưng được kết hợp vô cùng hài hòa, giản dị. Đặc biệt nhiều hạng mục như rồng, voi phục…cùng vô số đại cột bằng đá, gỗ…mái chùa cong truyền thống và hoà quyện những nét nhà sàn mang bản sắc văn hoá của đồng bào Tây nguyên.
Đại đức Hải Thông, Phó trụ trì chùa cho biết: Chùa Sắc Tứ Khải Đoan là ngôi chùa đầu tiên của tổ chức Phật Giáo có mặt tại Đăk Lăk, được khởi dựng trên khu đất rộng hơn 8 mẫu. Thời gian khởi công ngôi chùa, triều đình đã cử thứ phiMộng Điệptheo dõi việc xây dựng.
Chùa có mặt tiền theo hướng Tây nam, nhìn xuống suối Đốc Học, lưng núi, tạo nên thế phong thủy “tiền thủy hậu sơn” mang lại phúc trạch cho con cháu. Lối kiến trúc phỏng theo kiểu dáng cung đình Huế kết hợp với phong cách nhà sàn của đồng bào dân tộc Tây nguyên, pha chút kiến trúc hiện đại. Mái chùa cong rất uyển chuyển mềm mại, với những đôi dao long quyện mây lướt gió vừa độc đáo vừa gần gũi. Tên chùa được ghép từ 2 chữ đầu trong tên của nhà vua Khải Định và Đoan Huy Hòang Thái Hậu, mang ý nghĩa ghi nhận công đức người sáng lập.
Xuyên suốt hơn nửa thế kỷ, chùa Sắc Tứ Khải Đoan kế tục 7 đời trụ trì, trở thành trụ sở của Phật giáo cả vùng.
Trong sân chùa có một cây Bồ Đề chu vi thân đến vài mét, là tặng vật lưu niệm của Đại đức Narada mang từ Cô-lôm-bô qua Việt Nam vào năm 1962.
Từng hạng mục trong chùa được xây dựng, tôn tạo qua nhiều thế hệ, như Quan Âm Các được Phật tử tứ phương đóng góp xây dựng năm 1972, Đại Hồng Chung, là bảo vật hiến cúng của Hoàng thái tử Bảo Long và Bảo Thăng, do các nghệ nhân phường đúc Huế tôn tạo tại làng Hưng Đạo 1953, Cổng Tam Quan, công trình kiến trúc thực sự mang đậm sắc thái nghệ thuật kiến trúc kinh thành, cao, rộng, sâu. Phía dưới có 3 cổng ra vào, phía trên có 3 lầu vọng nguyệt, tựa như cổng ngỏ của của các vương phủ...
Cổng Tam Quan
Quan Âm các
Dù được tu bồi trong nhiều năm, tổng thể của ngôi chùa vẫn luôn được tôn trọng để gìn giữ cái hồn nguyên bản. Ngày nay, ngôi chùa đã trở thành điểm đến không chỉ của Phật tử cả nước, mà ngôi chùa còn là di tích lịch sử, một thắng cảnh du lịch của cả vùng Tây nguyên.
Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc những hình ảnh mới nhất của chùa Tứ Sắc Khải Đoan.
Đại đức Hải Thông, Phó trụ trì, tự hào về ngôi chùa đặc sắc bậc nhất vùng Tây Nguyên
Ngôi chùa vẫn giữ nguyên nét mộc mạc, cổ kính
Tượng voi chầu, phù điêu được chạm khắc tỉ mỉ
Từng hạng mục được chăm sóc tỉ mỉ, tôn tạo qua nhiều năm tháng
Chùa là điểm đến của du khách gần xa
Để chiêm ngưỡng một công trình được gầy công dựng xây từ đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân xứ Huế và tấm lòng của Phật tử gần xa
Cây bồ đề củaĐại đức Narada
Chùa có mang nét đẹp kiến trúc nhà sàn của vùng Tây Nguyên