Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa có chuyến thăm Myanmar hai ngày (17 và 18-1) - chuyến thăm đầu tiên của một chủ tịch Trung Quốc đến Myanmar trong 19 năm. Theo ghi nhận của hãng tin Reuters, ông Tập gần như không thu được dự án lớn mới nào với Myanmar trong chuyến thăm.
Dù vậy, ông Tập và bà Aung San Suu Kyi - Cố vấn nhà nước Myanmar đã ký kết 33 thỏa thuận nhằm thúc đẩy các dự án trong sáng kiến Vành đai Con đường. Sáng kiến Vành đai Con đường nằm trong tầm nhìn của Trung Quốc về tuyến đường giao thương mới mà nước này mô tả là "Con đường tơ lụa thế kỷ 21".
Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) gặp Cố vấn nhà nước Myanmar - bà Aung San Suu Kyi ngày 17-1. Ảnh: REUTERS
Ông Tập và bà Suu Kyi đã đồng ý đẩy mạnh xây dựng hành lang kinh tế Trung Quốc - Myanmar, một dự án hạ tầng khổng lồ trị giá hàng tỉ USD. Dự án bao gồm các thỏa thuận về các tuyến đường sắt giúp kết nối Tây Nam Trung Quốc với Ấn Độ Dương, một cảng nước sâu tại bang Rakhine (Myanmar) và một đặc khu kinh tế giáp biên giới hai nước. Một dự án khác về việc xây dựng một thành phố mới nằm trong khu thương mại Yangon (Myanmar) cũng đang được cân nhắc.
Tuy nhiên, hai bên đã không thống nhất được về một dự án siêu đập trị giá 3,6 tỉ USD do Trung Quốc chi tiền. Trước đó, dự án này đã bị đình chỉ từ năm 2011, phản ánh các mâu thuẫn về khoản đầu tư của Trung Quốc tại Myanmar khi nhiều chuyên gia tỏ ra không thoải mái trước cách áp đặt của Trung Quốc đối với nước này.
Bên cạnh đó, người dân Myanmar ngày càng không chào đón sự hiện diện của Trung Quốc, phong trào phản đối đã nổ ra ở nhiều nơi. Chẳng hạn phản đối ở Shwe Kokko, nơi có một dự án phát triển đô thị lớn của Trung Quốc trên sông Moei ở biên giới với Thái Lan, hay ở một mỏ đồng do Trung Quốc điều hành tại Monywa gần Mandalay, miền Trung Myanmar. Đó là chưa kể đến đề án đập và nhà máy thủy điện khổng lồ tại Myitsone ở miền Bắc Myanmar đã bị dân cư địa phương phản đối kịch liệt dù Trung Quốc tiếp tục vận động để khởi động lại.
Các nhà phân tích cho rằng Myanmar nhìn chung đã tỏ ra cẩn trọng với các khoản đầu tư từ Trung Quốc, đặc biệt là trước thềm cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.
"Trong khi có nhiều thỏa thuận khác được ký kết, không có Big Bang (vụ nổ lớn, ám chỉ dự án lớn) ở đây. Cảm giác chung là Myanmar đang cẩn trọng trước các khoản đầu tư của Trung Quốc, đặc biệt trước thềm bầu cử dự kiến diễn ra cuối năm nay" - nhà phân tích chính trị Richard Horsey nhận định.
Phát biểu trước các lãnh đạo Myanmar, ông Tập nói rằng ông tin "những nỗ lực chung của hai bên sẽ giúp chuyến thăm thành công và đưa quan hệ song phương lên một cấp độ mới, bước vào một kỷ nguyên mới".
Đáp lại, bà Suu Kyi gọi Trung Quốc là "một đất nước tuyệt vời, đóng một vai trò quan trọng trong các vấn đề quốc tế và kinh tế thế giới" nhưng bà cũng kêu gọi các dự án đầu tư nên tránh tổn hại đến môi trường và có lợi cho người dân địa phương.