Sáng 18-6, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã họp triển khai công tác phòng, chống dịch.
Chưa thể công bố hết dịch
Tại cuộc họp, ban chỉ đạo đánh giá tình hình dịch bệnh trong nước cơ bản đã khống chế được nhưng diễn biến dịch bệnh trên thế giới hết sức phức tạp. Trong khi tâm lý người dân và các cơ quan phòng, chống dịch trong thời gian gần đây ít nhiều có dấu hiệu chững lại.
GS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết chính trong giai đoạn này mới rất đáng lo lắng, quan ngại.
Đất nước chuyển sang trạng thái bình thường mới, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa khôi phục phát triển kinh tế - xã hội nhưng nguy cơ bùng phát dịch trở lại rất cao bởi nguồn bệnh từ bên ngoài có thể tấn công vào trong nước bất cứ lúc nào.
“Thực tế cho thấy làn sóng thứ hai của dịch COVID-19 đã bùng phát ở nhiều nước” - ông Long nói.
Nhấn mạnh quan điểm thực hiện mục tiêu kép nhưng phải bảo đảm an toàn, ban chỉ đạo đề nghị tất cả thành viên rà soát toàn bộ công việc, nhiệm vụ được giao; yêu cầu các lực lượng phòng, chống dịch không được chủ quan, lơi lỏng, sẵn sàng ứng phó với tình huống mới có thể xảy ra.
Theo ban chỉ đạo, để bảo vệ những thành quả đã đạt được trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong nước, chúng ta phải tiếp tục siết chặt quản lý các tuyến biên giới, quản lý người nhập cảnh, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Về vấn đề công bố hết dịch, ban chỉ đạo cho rằng hiện chúng ta vẫn còn bệnh nhân nhiễm COVID-19 đang được điều trị, đồng thời chúng ta cũng tiếp tục đưa công dân Việt Nam về nước, đưa chuyên gia, người lao động kỹ thuật cao nước ngoài vào Việt Nam làm việc nên cần hết sức cân nhắc vấn đề công bố hết dịch.
Đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã đưa hơn 8.000 công dân về nước; thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện công tác bảo hộ công dân theo quy định và tình hình thực tiễn.
Việt Nam đang tiếp tục đưa công dân về nước, đưa chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam làm việc nên cần hết sức cân nhắc vấn đề công bố hết dịch. Ảnh: PV
TP.HCM phát hiện 14 người nhập cảnh trái phép từ Campuchia
Sáng cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết nơi đây ghi nhận 14 người nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào TP.HCM tính từ đầu tháng 5 đến nay.
Trong đó, sáu người được phát hiện tại khu dân cư, tám người được phát hiện khi đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện (BV) trên địa bàn TP.HCM. Điều đáng nói là cả tám người này đều có người nhà, thậm chí có cả phiên dịch được thuê từ Campuchia hoặc tại Việt Nam đi cùng.
Những người nhập cảnh trái phép từ Campuchia đều đi qua các đường mòn, lối mở ở biên giới. Sau đó đi xe công cộng hoặc thuê xe riêng đến các BV ở TP.HCM.
Trước tình trạng trên, ngày 27-5, Sở Y tế TP.HCM có công văn gửi đến tất cả cơ sở y tế, phòng y tế trên địa bàn TP về việc khám chữa bệnh cho người nước ngoài, người nhập cảnh trong giai đoạn hiện nay.
Theo đó, nếu người bệnh là người nhập cảnh đã hoàn tất thời gian cách ly thì mới được khám chữa bệnh theo quy định. Trường hợp người bệnh là người nhập cảnh chưa được cách ly đúng quy định thì người này và người đi cùng sẽ được đưa vào khu cách ly tạm của cơ sở khám chữa bệnh. Sau đó tiến hành quy trình cách ly theo quy định, đồng thời vẫn tiến hành điều trị cho bệnh nhân. Song song đó, cơ sở y tế báo ngay Thanh tra Sở Y tế TP.HCM và công an địa phương để xử lý vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh.
BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết toàn bộ hệ thống ngành y tế TP.HCM luôn cảnh giác trước nguy cơ dịch bệnh xâm nhập. Do vậy, tất cả người nhập cảnh trái phép vào TP.HCM để khám chữa bệnh đều được phát hiện và xử trí theo quy định.
Theo BS Dũng, tất cả người nhập cảnh trái phép vào TP.HCM để khám chữa bệnh trong thời gian qua (gồm bệnh nhân, người thân và phiên dịch) đều âm tính với COVID-19. Tuy nhiên, đây là một trong những mối nguy cơ nên mọi người cần nâng cao cảnh giác.
“HCDC khuyến cáo tất cả cơ sở y tế và người dân TP.HCM tiếp tục cảnh giác để phát hiện sớm những người nhập cảnh trái phép. Nếu phát hiện, thông báo ngay cho công an, chính quyền địa phương” - BS Dũng nói.
Thêm 7 ca mắc COVID-19 mới Chiều 18-6, Bộ Y tế ghi nhận thêm bảy ca COVID-19 mới, đều là người về trên chuyến bay từ Kuwait, được cách ly ngay. Các bệnh nhân được ghi nhận từ số 336 đến 342, đều là nam, độ tuổi từ 25 đến 41. Ngày 16-6, họ từ Kuwait (quá cảnh Qatar) về sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM trên chuyến bay QH9092, cách ly ngay tại khu cách ly thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngày 17-6, họ được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với nCoV. Hiện bảy bệnh nhân điều trị tại BV Bà Rịa. Như vậy, tính đến chiều 18-6, Việt Nam ghi nhận 342 ca COVID-19, trong đó 325 người đã khỏi. 63 ngày liên tiếp Việt Nam không có ca nhiễm trong cộng đồng. Hiện có 17 bệnh nhân đang điều trị tại bảy cơ sở y tế, tình trạng sức khỏe cơ bản ổn định. Tăng cường ngăn chặn nhập cảnh trái phép Trường hợp những người có thân nhân sống ở Campuchia muốn về Việt Nam khám chữa bệnh, cần tuân thủ các quy định về xuất nhập cảnh và những biện pháp phòng hộ, cách ly nhằm tránh lây nhiễm COVID-19 (nếu có). Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh có đường biên giới với Campuchia tăng cường công tác truyền thông và phối hợp lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh để có biện pháp ngăn chặn việc nhập cảnh trái phép từ nước này. BS NGUYỄN TRÍ DŨNG, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát |