Đến nơi đầu sóng, ngọn gió - Bài 2:

Thành đồng nơi biển, đảo Trường Sa

(PLO)-  Cuộc sống của quân và dân ở các điểm đảo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang dần được cải thiện qua từng năm tháng, giúp tăng cường ý chí bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tàu KN290 chở Đoàn công tác số 9 - TP.HCM lần lượt thăm chín điểm đảo tại quần đảo Trường Sa, đồng thời cũng đến thăm Nhà giàn DK1 (ở khu vực các bãi đá ngầm trên thềm lục địa phía Đông Nam, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Đến những nơi đầu sóng, ngọn gió, chúng tôi cảm nhận rõ sự vững vàng, lớn mạnh của biển, đảo quê hương.

Tâm thế bảo vệ chủ quyền

Trường Sa hay Hoàng Sa là “điểm nóng” của quốc tế trong nhiều năm gần đây, bởi yêu sách đầy tham vọng và phi pháp “đường chín đoạn” (đường lưỡi bò) của Trung Quốc (TQ). Không thiếu những vụ gây hấn, đe dọa, lạm dụng bạo lực trên biển mà các lực lượng TQ nhắm vào quân, dân của chúng ta. Nhiều ngư dân kể thường bị mấy tàu cá hiện đại (thực tế là tàu vũ trang ngụy trang tàu cá của TQ) ngăn cản, làm khó, gây sự.

Một chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa.

Một chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa.

Được biết phía TQ nhiều lúc phát loa cảnh báo, đe dọa ngay trên vùng biển của Việt Nam. Đó là chưa kể đến các mối đe dọa về an ninh, an toàn thông tin; đe dọa từ các lực lượng thăm dò, tình báo của phía TQ với từng chiếc tàu, từng điểm đảo của ta. Đối diện với các mối đe dọa từ phía tàu TQ, tàu Việt Nam vẫn đi đúng theo hải trình, không tránh né hay sợ hãi. Chỉ cần có chút chùn chân thì phía họ sẽ lấn tới. Ngư dân cũng được hỗ trợ để bám biển, đánh bắt cá như lâu nay chúng ta vẫn làm. Ở Trường Sa hay bất kỳ vùng biển thiêng liêng nào của Tổ quốc, bỏ biển sẽ làm mất biển.

Nói vậy để thấy mỗi cán bộ, chiến sĩ hay người dân ở Trường Sa không chỉ đối diện với những khó khăn, thách thức như mưa bão, hay các điều kiện về năng lượng, nước ngọt, thực phẩm, y tế… mà còn đối diện với những hiểm nguy từ những thế lực luôn lăm le xâm phạm chủ quyền. Những lần TQ dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa, Gạc Ma và nhiều thực thể khác tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhiều năm trước đều cho thấy họ sẽ luôn “tận dụng thời cơ”. Mối đe dọa với chủ quyền biển, đảo luôn thường trực và những người làm nhiệm vụ nơi đầu sóng, ngọn gió phải luôn tỉnh táo, tập trung, tâm thế sẵn sàng.

Các chiến sĩ làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa cho biết “lính Trường Sa không thiếu những niềm vui”.

Các chiến sĩ làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa cho biết “lính Trường Sa
không thiếu những niềm vui”.

Đảm bảo điều kiện sống và chiến đấu

Nói như thế để thấy bảo vệ chủ quyền biển, đảo không phải dễ dàng và cũng không phải là “bài toán” của riêng ai. Mừng thay, Trường Sa ngày qua ngày dần thay da đổi thịt. Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, chia sẻ cũng cả chục năm rồi mới được trở lại Trường Sa, chứng kiến được sự phát triển của nơi này. Chúng ta có hệ thống bể chứa nước ngọt, có nơi có các giếng nước ngọt, khu trú ngụ cho tàu của ngư dân tránh bão, hải đăng, năng lượng gió, pin mặt trời, sóng điện thoại

Chúng tôi đến đảo Trường Sa đúng vào dịp kỷ niệm năm năm hoạt động của Trung tâm Y tế Trường Sa. Nghe kể lại, vào năm 2011, lần đầu tiên các y bác sĩ ở đây đã mổ sinh thành công cháu Nguyễn Ngọc Trường Xuân. Cái tên Trường Xuân có ý nghĩa là Trường Sa luôn có mùa xuân, luôn có sức sống. Đến năm 2017, cháu Thái Bình Hải Thủy cũng chào đời với niềm hy vọng biển, đảo Trường Sa luôn an lành, bình yên.

Từ một tổ quân y chỉ có ba người do BV Quân y 175 phụ trách từ đầu những năm 1990, đến nay tổng số người luân phiên phục vụ tại Trường Sa đã lên đến 142 người, gồm cả bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng… Trung tâm Y tế Trường Sa có thể giải quyết căn bản các ca cấp cứu nội và ngoại khoa, chẩn đoán và điều trị cấp độ phẫu thuật đại phẫu của các chuyên khoa. Ngoài ra, từ khoảng 15 năm trước, trung tâm đã áp dụng hệ thống Telemedicine (hệ thống khám chữa bệnh từ xa), giúp các y bác sĩ từ đất liền có thể trực tiếp chỉ đạo công tác đảm bảo y tế cho đảo Trường Sa và các đảo lân cận khi cần thiết.

BS Hà Hiếu Trung, BV Ung bướu TP.HCM, vui mừng kể: “Đi dạo một vòng Trung tâm Y tế Trường Sa thấy thật phấn khởi. Điều kiện ở đây tốt hơn tôi nghĩ, các y bác sĩ có thể làm phẫu thuật, cấp cứu được nhiều người. Thế này thì quân, dân mới an tâm giữ biển”.

Cần phải nhấn mạnh lại rằng hoạt động xây dựng, tổ chức đời sống cho quân, dân trên các điểm đảo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam phù hợp với quyền lợi hợp pháp của quốc gia có chủ quyền xét theo luật pháp quốc tế. Điều này hoàn toàn trái ngược với hành vi dùng vũ lực xâm chiếm, sau đó tiến hành bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa quy mô lớn mà TQ đang thực hiện ở Hoàng Sa và một số thực thể ở Trường Sa như Gạc Ma, Tư Nghĩa, Vành Khăn, Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven hay Xu Bi.

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, thăm hỏi và động viên các chiến sĩ tại đảo Trường Sa. Ảnh: ĐỖ THIỆN

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, thăm hỏi và động viên các chiến sĩ tại đảo Trường Sa. Ảnh: ĐỖ THIỆN

Để khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc thì từng điểm đảo (trên quần đảo Trường Sa) cần được ổn định về cơ sở vật chất, để từ đó các chiến sĩ an tâm công tác, luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền để nhân dân TP.HCM tiếp tục hăng hái học tập, lao động, tăng cường các hoạt động sản xuất để góp phần với cả nước phát triển, đảm bảo cuộc sống của người dân, chiến sĩ ở các điểm đảo, nơi tuyến đầu của Tổ quốc.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM TÔ THỊ BÍCH CHÂU

Giữ vững tinh thần lạc quan

Lần đầu đến nhiều điểm đảo ở Trường Sa, dễ có cảm giác con người, cảnh vật nơi này bị biển, trời bao la “nuốt chửng” bởi diện tích đất đai, cây cỏ chỉ nhỏ như “hạt bụi” so với bốn bề non nước. Đó là chưa kể đến những mối đe dọa tiềm ẩn từ thế lực bên ngoài, vẫn ngày đêm lăm le xâm phạm chủ quyền, bờ cõi.

Ngồi dưới tán cây xanh mát ở đảo Song Tử Tây, tôi hỏi một chiến sĩ: “Em hỏi thật, các anh ngoài này có thấy buồn, thấy sợ nguy hiểm không?”. Anh cười: “Thật tình nói sợ thì chúng tôi chưa bao giờ sợ. Đất của mình, biển của mình, nhà của mình mà mình sợ thì biển, trời này mất hết vào tay nước khác. Họ chỉ cần mình sợ là họ chiếm biển, đảo liền”.

“Có điều ra đây thì đúng là rất nhớ gia đình. Nhưng nhiệm vụ của mình, không thể bắt ai làm thay mình được. Mới đến đây thì tưởng buồn, vậy nhưng lính Trường Sa thật ra cũng không thiếu niềm vui. Nhờ đồng đội, nhờ bà con ngoài này nên ai cũng có thể sớm hòa nhập. Anh em ngoài này có nhiều cách để tạo niềm vui cho nhau” - anh nói.

Rồi các chiến sĩ khoe với chúng tôi khu trồng đủ loại rau xanh tươi và thật mừng khi được anh em từ đất liền ra tặng cho rất nhiều hạt giống mới. Họ cũng nuôi thú cưng, là bầy chó thích xuống biển nghịch nước và bắt cá, có khi bầu bạn với các anh em. Các anh cũng thường xuyên sáng tạo ra các vật dụng để cùng nhau tập thể dục, chơi thể thao dù chẳng có phòng gym, sân vận động. Hay đơn giản, chỉ cần vài phút ngắn ngủi gọi điện thoại về đất liền để nghe tiếng cha mẹ, vợ con hay người thương thì cũng đủ để các anh mỉm cười, an tâm giữ chắc tay súng, giữ chắc chủ quyền biển, đảo quê hương.

Đảm bảo chuyện học hành cho trẻ em

Thầy Nguyễn Hữu Phú, giảng dạy tại một trường học ở đảo Song Tử Tây, cho biết việc dạy - học ở vùng biển, đảo đúng là có những thách thức riêng. Gần biển mặn, dụng cụ giảng dạy, học tập cũng dễ hao mòn, hư hỏng. Sống xa đất liền, hạn chế thông tin liên lạc thì việc cập nhật kiến thức sẽ khó khăn. Thế nhưng thầy và trò ở đây vẫn được tạo điều kiện tối ưu về hạ tầng, trang thiết bị để đảm bảo chương trình dạy - học như đất liền. Thi thoảng các thầy được vào đất liền để học tập nâng cao nghiệp vụ rồi lại về nơi đầu sóng, ngọn gió. Không chỉ đảo Song Tử Tây, ở các đảo Sinh Tồn, Trường Sa… cũng có những người thầy, người cô gác mọi chuyện ở đất liền, ra biển, đảo quê hương phục vụ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm