Thành lập TP Thủ Đức, phải sớm sắp xếp cán bộ dôi dư

Ngày 31-10, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã dẫn đầu đoàn công tác Trung ương làm việc với TP.HCM về khảo sát và góp ý Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2019-2021.

Cán bộ Trung ương đã đi thực tế để khảo sát

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, cho biết trước khi diễn ra hội nghị, đoàn công tác Trung ương và lãnh đạo TP.HCM đã đi thực tế, khảo sát điều kiện tự nhiên, hiện trạng kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, tổ chức, bộ máy của các khu vực thực hiện sắp xếp theo Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP giai đoạn 2019-2021.

bo-noi-vu

Đoàn công tác Trung ương đã đi khảo sát thực tế tại TP.HCM. Ảnh: TRỌNG NHÂN

Ông Nguyễn Thành Phong cho rằng đây là buổi khảo sát quan trọng, là cơ hội để TP tiếp nhận những ý kiến đánh giá, hoàn thiện các nội dung trong đề án, nhất là những vấn đề còn thiếu và chưa sát với điều kiện hiện nay. Trên cơ sở đó, TP.HCM sẽ có tiếp thu hoàn chỉnh, báo cáo, phục vụ cho quá trình thẩm định sắp tới.

Ông Phong cũng thông tin trong suốt thời gian qua, TP luôn nhận được sự đồng thuận của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo Bộ Nội vụ, thành viên của đoàn khảo sát về đề án này.

Theo Chủ tịch UBND TP, điểm trọng tâm của đề án là thành lập TP Thủ Đức. Đây là nội dung mà TP.HCM đã ấp ủ từ nhiều năm, là mô hình TP trong TP, nhằm giúp nơi đây trở thành một hạt nhân, cực tăng trưởng mới thúc đẩy phát triển TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Việc thành lập TP Thủ Đức cũng là tái lập lại huyện Thủ Đức ngày xưa. Đồng thời, dựa trên không gian là khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP với ba trụ cột chính là Trung tâm tài chính Thủ Thiêm - quận 2, Khu Công nghệ cao – quận 9, Đại học Quốc gia TP.HCM – quận Thủ Đức.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng cho biết TP đã tổ chức thi tuyển, lựa chọn ý tưởng thiết kế và hiện đã triển khai, biến ý tưởng thiết kế đó thành dự án quy hoạch cụ thể tại khu vực phía Đông TP này. Qua đó, có thể thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp hội nhập quốc tế.

Nhiều thành viên ủng hộ đề án TP.HCM

Góp ý cho Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2019-2021, nhiều thành viên của đoàn công tác Trung ương đã bày tỏ sự ủng hộ, đồng thuận với chủ trương của đề án.

sap-xep-can-bo

Cán bộ công chức TP.HCM đang giải quyết hồ sơ cho dân. Ảnh: LÊ THOA

Đại tá Nguyễn Chí Cường, Cục Tác chiến, Bộ Quốc phòng cho biết ông đồng thuận với việc thành lập TP Thủ Đức để tạo động lực phát triển cho TP.HCM và cả nước. Đại tá Cường cho rằng TP Thủ Đức có vị trí rất quan trọng, bởi giữ được TP Thủ Đức chính là giữ được TP.HCM. Vì vậy, ông đề nghị phải tăng cường củng cố về quốc phòng an ninh, xây dựng Ban Chỉ huy quân sự tại TP Thủ Đức.

Ông Phan Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ nhìn nhận sự cần thiết phải thông qua đề án này, không nên để chậm thêm một nhiệm kỳ nữa. Ông Hùng đề nghị TP.HCM bổ sung giải pháp đào tạo nguồn nhân lực sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính.

Ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ thì góp ý TP.HCM cần làm rõ hơn về thẩm quyền, trách nhiệm của TP Thủ Đức, làm sao phải cao hơn các quận khác. TP cũng phải cơ chế chính sách để thực hiện ý tưởng xây dựng TP Thủ Đức thành TP sáng tạo, TP vệ tinh của TP.HCM.

Sắp xếp cán bộ dôi dư trong năm 2021

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, đề nghị TP.HCM tiếp thu và hoàn thiện một số nội dung của đề án.

Trong đó, ông đề nghị TP có luận giải thêm về quy trình thủ tục, cơ sở lịch sử đối với việc lấy tên TP Thủ Đức. Đồng thời, nêu rõ tác động về phát triển kinh tế - xã hội khi thành lập TP Thủ Đức để tăng tính thuyết phục cho đề án.

Theo ông Trần Anh Tuấn, TP phải chú ý phương án cụ thể để sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức khi thực hiện Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP giai đoạn 2019-2021. Bởi đây là cái khó đầu tiên khi thực hiện đề án này.

“Phương án bố trí, sắp xếp cán bộ dôi dư phải đảm bảo bộ máy hành chính có thể làm việc ngay say khi sắp xếp, đảm bảo tính liên tục của các đơn vị hành chính, đảm bảo sự yên tâm của cán bộ công chức, kể cả những người được bố trí lẫn những người thuộc diện dôi dư” – ông Tuấn nói.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, theo quan điểm đoàn công tác Trung ương nên hoàn thành việc sắp xếp đội ngũ cán bộ dôi dư trong năm 2021 để phù hợp với hiệu quả kinh tế, cơ hội tìm kiếm việc làm mới.

“Giải quyết cho cán bộ dôi dư tìm việc làm mới trong các chính sách hiện hành về giải quyết thôi việc, tinh giản biên chế, tạo điều kiện đi học tập… Việc này sẽ tạo điều kiện cho những cán bộ công chức dôi dư sớm tìm được vị trí việc làm mới, không ở trong cơ quan nhà nước thì cũng có thể trong khu vực tư nhân, để sớm ổn định cuộc sống. Đó là trách nhiệm của chúng ta” – Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị TP làm rõ việc này trong đề án.

Ông Trần Anh Tuấn cũng lưu ý đến việc tổ chức bộ máy của Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội tại TP Thủ Đức phải dựa trên căn cứ của Nghị định 107 và 108, bám sát mô hình chính quyền đô thị. Từ đó, để bộ máy cơ quan nhà nước của TP Thủ Đức tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu quả.

Ông cũng đề nghị TP bổ sung thêm vấn đề xử lý tài sản công, các trụ sở trên các địa bàn được sắp xếp. Đồng thời, về sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập ở các quận, phường thuộc diện sắp xếp thì trước mắt nên giữ nguyên. Sau khi ổn định bộ máy chính quyền thì mới tính đến nhằm giúp người dân thuận lợi hơn trong thực hiện các dịch vụ công, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

 

TP.HCM lấy ý kiến cử tri nghiêm túc, dân chủ

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân đã trình bày báo cáo tóm tắt đề án. Theo đó, xuất phát từ yêu cầu thực tế, TP.HCM chủ động đề xuất sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã như sau:

Ở cấp huyện, TP.HCM sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để hình thành một đơn vị hành chính mới, với tên gọi là TP Thủ Đức có diện tích tự nhiên là 211,56km2 và dân số hơn 1 triệu người.

Ở cấp xã, TP.HCM sắp xếp 19 phường thuộc các quận: 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận.

Sau sắp xếp, TP.HCM không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số. TP sẽ có 22 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 16 quận, một TP, năm huyện (giảm ba quận, tăng một TP trực thuộc TP); có 312 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc gồm 249 phường, năm thị trấn, 58 xã (giảm 10 phường).

Vừa qua, TP.HCM đã tổ chức lấy ý kiến tại các quận, phường được sắp xếp.  Qúa trình lấy ý kiến cử tri được triển khai nghiêm túc, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, dân chủ, đúng tiến độ, đúng quy định. Kết quả được đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử của TP.

HĐND TP.HCM cũng đã họp và ban hành Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã thuộc TP.HCM giai đoạn 2019-2020.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm