Thành lập vùng tự trị Bangsamoro ở Philippines

Dự luật nằm trong khuôn khổ thỏa thuận hòa bình chính phủ đã ký với phiến quân Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro hôm 27-3 nhằm chấm dứt 40 năm xung đột.

Nội dung dự luật như sau:

- Vùng tự trị Hồi giáo Mindanao thành lập năm 1989 từ thỏa thuận năm 1976 giữa chính phủ với Mặt trận Giải phóng Quốc gia Moro (tiền thân của Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro) sẽ được thay bằng vùng tự trị Bangsamoro. Vùng này lớn hơn gồm năm tỉnh Hồi giáo ở miền Nam với bốn triệu dân.

- Vùng tự trị Bangsamoro có cờ, nghị viện với tối thiểu 60 nghị sĩ (vùng tự trị Hồi giáo Mindanao không có), bộ máy tư pháp, cảnh sát.

- Vùng tự trị Bangsamoro tự quyết về nông nghiệp, thương mại, du lịch, giáo dục nhưng chịu sự kiểm soát của chính phủ về tiền tệ, đối ngoại và quốc phòng; về tài chính được giữ lại 75% các khoản thu (hiện nay là 70%). Chính phủ cam kết sẽ đầu tư 400 triệu USD trong năm năm.

- Vùng tự trị Bangsamoro có thể áp dụng luật Hồi giáo Sharia nhưng người không theo Hồi giáo phải tuân thủ luật pháp quốc gia.

Dự luật không nêu ra vấn đề giải quyết vũ khí của Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro. Tuy nhiên, tổ chức này đã tuyên bố sẽ giải giáp. Ba nhóm phiến quân Hồi giáo nhỏ ở miền Nam đã phản đối dự luật và tuyên bố sẽ tiếp tục chiến đấu để thành lập một đất nước Hồi giáo riêng. Trong khi đó ngày 10-9, các tín đồ Hồi giáo đã tuần hành ở Manila (ảnh) và ký tên ủng hộ dự luật .

Dự kiến dự luật sẽ được Quốc hội thông qua vào đầu năm 2015, kế đến sẽ được trưng cầu dân ý tại vùng Mindanao từ tháng 2 đến tháng 3-2015. Sau đó vùng tự trị Bangsamoro sẽ được thành lập và Cơ quan Chuyển tiếp Bangsamoro phụ trách điều hành (các thành viên do tổng thống bổ nhiệm). Năm 2016, vùng tự trị Bangsamoro sẽ tổ chức tổng tuyển cử. Đến tháng 6-2016, vùng tự trị Bangsamoro sẽ chính thức hoạt động cùng thời điểm Tổng thống Benigno Aquino III ra đi.

ĐĂNG KHOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm