Cho đến nay, phương thức thanh toán phi tiền mặt dường như vẫn chưa được người tiêu dùng Việt Nam (VN) quan tâm hoặc tin tưởng để lựa chọn.
hiểu về thanh toán không tiền mặt còn mông lung
Theo số liệu của Hiệp hội Thương mại điện tử VN, hiện có khoảng 90% người mua hàng qua mạng nhưng lại chọn thanh toán bằng… tiền mặt. Chị Nguyễn Thy Hiền (quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết dù mua sắm online đem lại nhiều tiện lợi nhưng chị vẫn giữ thói quen thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng bởi “tiền trao cháo múc” vẫn cảm thấy an toàn hơn.
“Mặc dù có thể thanh toán bằng hình thức thẻ ATM nhưng tôi lo họ lấy tiền của mình mà không giao hàng, hoặc giao sai hàng mà không cho đổi” - chị Hiền bày tỏ.
Việc thích thanh toán bằng tiền mặt như chị Hiền không phải là cá biệt. Đại diện sàn thương mại điện tử Lazada cho hay tỉ lệ thanh toán bằng tiền mặt đang chiếm tỉ trọng cao tại sàn và đây cũng là vấn đề chung của ngành thương mại điện tử. Lý giải nguyên nhân, đại diện sàn này cho rằng trở ngại chính là sử dụng tiền mặt đã trở thành một thói quen.
Vị này lấy ví dụ, tại một số siêu thị có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều người theo thói quen vẫn rút tiền từ máy ATM để thanh toán, trong khi máy thanh toán thẻ được đặt ngay trên quầy hàng siêu thị.
“Đối với thương mại điện tử, người tiêu dùng lo lắng việc thanh toán thẻ phức tạp, khó theo dõi, không dễ dàng và trực quan như thanh toán bằng tiền mặt. Thêm vào đó, việc thanh toán phi tiền mặt như dùng thẻ hoặc ví điện tử gây tâm lý lo lắng về vấn đề bảo mật, sợ lộ số thẻ thì có thể bị mất tiền” - Lazada nhận định.
Tại hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại VN” do nhnn cùng báo tuổi trẻ và nhiều đơn vị phối hợp tổ chức diễn ra tại TP.HCM ngày 11-6, nhiều ý kiến cũng nhìn nhận người tiêu dùng vẫn thích xài tiền mặt. Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết tỉ lệ khách hàng có thói quen thanh toán không tiền mặt hiện chỉ 5%. Nhiều khách hàng đánh giá thanh toán không tiền mặt chưa tiện lợi.
“Theo một khảo sát trước đây, 80% khách hàng không thể kể ra được hết các loại hình thanh toán không tiền mặt, nghĩa là sự am hiểu về thanh toán không tiền mặt trong họ còn rất mông lung” - ông Đức nói.
Hiện có khoảng 90% người mua hàng qua mạng nhưng lại chọn thanh toán bằng… tiền mặt. Ảnh: T. Linh
Để thanh toán không dùng tiền mặt lên ngôi
Giám đốc điều hành Shopee, ông Trần Tuấn Anh, thông tin trong số bảy nước mà Shopee đang hoạt động thì VN có tỉ lệ thanh toán bằng tiền mặt cao nhất.
“Chọn cách thanh toán bằng tiền mặt ở VN vẫn cao như vậy không chỉ đơn giản là thói quen của người tiêu dùng mà là sự trải nghiệm không dùng tiền mặt chưa thực sự thuận lợi bằng dùng tiền mặt. Về quy trình xây dựng ví điện tử vẫn có nhiều rào cản. Chẳng hạn, trên app của những đơn vị thanh toán ví điện tử, nếu tích hợp ví điện tử theo quy định thì phải trải qua tám bước. Đây là hạn chế thách thức sự kiên nhẫn của khách hàng” - ông Tuấn Anh nhận định.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng nêu những bất cập khiến cho việc thanh toán của bệnh nhân khi đến bệnh viện khám, chữa bệnh chưa thực sự thuận tiện. Theo đó, bên cạnh việc nhiều người dân còn chưa biết cách thức sử dụng máy ATM để đổi mã PIN, rút tiền ra sao… còn có những nguyên nhân như hiện nay người bệnh vẫn phải xếp hàng chờ, mất thời gian thủ tục mở thẻ. Mặt khác, phần lớn người dân không muốn sử dụng vì ngại tốn thêm một khoản chi phí mở thẻ, duy trì thẻ.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho rằng xã hội không tiền mặt cũng có những vấn đề quan ngại trước những rủi ro tiềm ẩn về tính bảo mật, an toàn dữ liệu, an ninh mạng… “Đây là điều mà các cơ quan quản lý của VN đang và sẽ rất lưu tâm trong quá trình hoạch định, triển khai các chính sách hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt” - ông Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh. |
Tương tự, đối với các bệnh viện cũng có không ít vướng mắc. Chẳng hạn, các ngân hàng (NH) khi phát hành thẻ đều yêu cầu bệnh viện phải đăng ký tài khoản tại NH của mình. Điều này dẫn đến trường hợp bệnh viện phải mở tài khoản ở nhiều NH, gây khó khăn cho bệnh viện trong việc theo dõi tài khoản.
Từ thực tế trên, Thứ trưởng Sơn kiến nghị: “NH cần lắp đặt các thiết bị có thể chấp nhận thanh toán được nhiều loại thẻ của nhiều NH khác nhau để giảm bớt thời gian cho người sử dụng. Bên cạnh đó, theo phản ánh của một số đơn vị y tế đã sử dụng qua thanh toán thẻ thì phần mềm của một số NH vẫn còn lỗi, dẫn đến mất hết dữ liệu vừa đăng nhập, hoặc việc thay đổi số PIN thẻ khám, chữa bệnh khá phức tạp. Do vậy NH cần đầu tư các công nghệ tốt hơn, hạn chế lỗi kết nối và thủ tục cần thực hiện đơn giản, dễ áp dụng”.
nhiều ý kiến cũng cho rằng chỉ khi nào việc thanh toán bằng thẻ, bằng ví điện tử… cũng tiện dụng như dùng tiền mặt thì người tiêu dùng sẽ giảm thanh toán bằng tiền mặt. Điều này cũng đồng nghĩa hình thức thanh toán phi tiền mặt sẽ lên ngôi.
Phải đi xa, xếp hàng chờ nộp học phí quá bất tiện tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh lợi ích của thanh toán không tiền mặt đã quá rõ ràng. Đó là giảm chi phí, đem lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. “Đến giờ mà người dân phải đi xa, xếp hàng chờ nộp học phí cho con thì rõ ràng là quá bất tiện” - ông Huệ nói. Phó Thủ tướng cũng cho rằng thanh toán không dùng tiền mặt còn thúc đẩy minh bạch, công khai, phòng chống tham nhũng, rửa tiền, chống tội phạm kinh tế. “Rõ ràng không tiền mặt lợi nhiều đằng, không tiền mặt mà có nhiều thứ. Doanh nghiệp, công sở, đơn vị công giảm vận chuyển, kho bãi, sắm xe chuyên dùng, hiệu quả hoạt động NH tăng lên” - ông Huệ khẳng định. Theo Phó Thủ tướng, thiết kế chính sách phù hợp, xây dựng và triển khai các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đồng bộ hướng tới xã hội không tiền mặt là vấn đề vừa có tính cấp bách, vừa có ý nghĩa lâu dài trong bối cảnh mới. “Tôi cũng hy vọng thanh toán không tiền mặt của VN sẽ có sự phát triển vượt bậc” - ông Huệ nói. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng thương mại điện tử cần phát triển song song với thanh toán điện tử. Bởi thực tế khách hàng chọn hình thức mua hàng online có gia tăng nhưng lại thanh toán tiền mặt khi shipper giao hàng tại nhà. Bên cạnh đó, ngành NH phải đẩy mạnh cung ứng hạ tầng, dịch vụ thanh toán điện tử hiện đại cho phép tích hợp và xử lý thanh toán cho các dịch vụ trong nền kinh tế. |