Đó là đúc kết từ những chia sẻ của các startup trẻ tuổi và nổi tiếng như TS Vũ Duy Thức, TS Lưu Thế Lợi, ThS Văn Đinh Hồng Vũ, ThS Ngô Chí Giang tại buổi Talkshow AI - Blockchain và câu chuyện khởi nghiệpdo Trường ĐH Văn Lang tổ chức chiều 1-11.
Tại đây, chia sẻ về những thất bại của mình trước hàng trăm sinh viên tham dự, ThS Văn Đinh Hồng Vũ (tốt nghiệp Cao học hai chuyên ngành giáo dục và quản trị kinh doanh tại ĐH Stanford. Chị là nhà sáng lập và CEO dự án ứng dụng Elsa Speak - ứng dụng duy nhất luyện phát âm chuẩn giọng bản ngữ hoạt động theo cơ chế của trí thông minh nhân tạo. Chị cho hay suốt quá trình đi học, điểm số của chị luôn rất cao nhưng đến khi chị nộp hồ cho nhiều công ty để thực tập cho học kỳ hè lúc học cao học thì chị bất ngờ vì không những chị không được nhận mà còn không có công ty nào gọi chị phỏng vấn.
“Việc này như một cái tát vào mặt tôi lúc đó. Nhưng rồi khi một người thầy hỏi cả lớp tôi rằng hãy kể về thất bại đầu tiên của mình, cả lớp 64 người đều im lặng. Thầy kết luận rằng cả lớp đều thất bại vì đơn giản là chưa có gì để thất bại, bởi chúng tôi chọn cách học chỉ để được điểm cao chỉ là cách học an toàn” - chị Vũ nói.
Chị Vũ nói thêm, từ thực tế chị học giỏi ngoại ngữ, ngữ pháp hơn cả người bản địa nhưng nói không ai nghe khiến chị mất tự tin khi học cao học. Từ đó, chị ấp ủ khởi nghiệp từ chính bài học của bản thân mình về vấn đề ngoại ngữ để góp phần giải quyết vấn đề cho xã hội.
“Khi khởi nghiệp, tôi nghĩ rằng không nên bắt đầu từ giải pháp mà hãy xuất phát từ nhu cầu người dùng để đưa ra giải pháp phù hợp" - chị Vũ đúc kết.
Trước câu hỏi của một khán giả về việc phụ nữ khởi nghiệp khó khăn gì hơn đàn ông? Chị Hồng Vũ cho rằng khởi nghiệp khó đều cho mọi người vì đó là chặng đường dài. Nam hay nữ không quyết định thành công hay không mà còn rất nhiều yếu tố.
“Các bạn nữ đừng khởi nghiệp cùng lúc với việc lập gia đình và có con vì trách nhiệm rất nhiều. Khởi nghiệp đòi hỏi sự toàn tâm, toàn trí và hỗ trợ từ nhiều người. Mỗi người sẽ có thế mạnh riêng và nên tìm người hỗ trợ về lĩnh vực mình cần. Nếu ước mơ đủ lớn sẽ thuyết phục được nhà đầu tư” - chị Vũ khuyên.
Các diễn giả là những startup trẻ thành công chia sẻ tại Talkshow. Ảnh: P.ANH
Rất đông sinh viên lắng nghe những câu chuyện khởi nghiệp từ các diễn giả. Ảnh: P.ANH
Sinh viên đặt câu hỏi cho các diễn giả. Ảnh:P. ANH
Tương tự, TS Vũ Duy Thức (nhà sáng lập, CEO Kambria & OhmniLabs) cũng kể về sự thất bại đầu tiên của mình khi đưa ra một ứng dụng kết nối bạn bè cho mạng Facebook với đầu tư khá lớn nhưng không có ai dùng sau sáu tháng. Nguyên do vì ứng dụng này không xuất phát từ nhu cầu thực tế.
Từ đó, TS Thức đúc kết rằng, khi khởi nghiệp, không nên làm một sản phẩm quá hoàn chỉnh mà chưa có sự đánh giá từ người tiêu dùng.
Đó cũng là kinh nghiệm từ ThS Ngô Chí Giang (nhà sáng lập Everest Education) khi khởi nghiệp. Anh Giang cho rằng bất kỳ ý tưởng khởi nghiệp nào cũng cần khảo sát nhu cầu người dùng của thị trường về sản phẩm mình sẽ làm, nên làm nhỏ thăm dò trước khi đầu tư lớn.
Phải tạo điều kiện cho giới trẻ sáng tạo Công nghệ hiện nay đang thay đổi hằng ngày, hằng giờ. Nếu chúng ta không thay đổi kịp thời sẽ trở thành đất nước chưa giàu mà đã già. Đất nước của chúng ta cần thay đổi đột phá từ việc khai thác trí tuệ và đưa nó vào ứng dụng mới thành công. Do đó, chúng ta cần tạo cơ hội để đội ngũ tri thức trẻ phát huy năng lực, tạo giá trị cho sự phát triển. TS Vũ Viết Ngoạn, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ |