Ông Vũ Xuân Bách, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, khẳng định: Để tạo điều kiện hỗ trợ cho các DN trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã đề xuất Thủ tướng ban hành nghị quyết của Chính phủ cho phép tạm thời chưa thực hiện mức 75% tạm nộp thuế thu nhập DN ba quý năm 2021. Song song đó, Bộ Tài chính sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi quy định trên tại Nghị định 126/2020.
Điều này thực sự khiến các DN thở phào. Bởi ngay từ khi Nghị định 126 ban hành đã vấp phải sự phản ứng mạnh của cộng đồng DN, đến nỗi Tổng cục Thuế lúc đó hứa sẽ đề xuất Bộ Tài chính ra thông tư hướng dẫn cụ thể về quy định này nhằm tránh làm khó DN.
Dĩ nhiên, áp lực thu ngân sách, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 còn có thể ảnh hưởng tiêu cực lâu dài thì việc bảo đảm thu đủ, thu vượt chỉ tiêu là nhiệm vụ nặng nề của ngành thuế. Nhưng về bản chất, như nhiều chuyên gia nhận định, quy định DN không nộp đủ 75% thuế thu nhập DN tạm nộp ba quý bị phạt là rất vô lý, không phù hợp với thực tế.
Rõ ràng, về bản chất, thuế thu nhập DN chỉ phải nộp khi DN phát sinh doanh thu. Thế thì việc ấn định một tỉ lệ tạm nộp thuế như vậy rõ là không đúng cả về bản chất thuế lẫn thực tế vận hành chính sách. Dù nói thế nào đi nữa, một quy định như vậy thể hiện sự bất bình đẳng giữa Nhà nước và DN.
Bản thân Bộ Tài chính cũng đã thấy rõ điều này khi thừa nhận: Trong quý II-2021 có 23 tỉnh, TP phải thực hiện giãn cách xã hội. Một số tỉnh, TP là địa bàn kinh tế lớn, tập trung phần lớn DN nhưng nhiều DN phải tạm ngừng sản xuất, kinh doanh, không phát sinh doanh thu, thu nhập dẫn đến không phát sinh số thuế thu nhập DN phải tạm nộp… Vì vậy, bộ này đề xuất sửa đổi một số điều của Nghị định 126, trong đó có điều khoản tạm nộp ba quý đầu năm.
Hiện chưa biết nội dung đề xuất sửa đổi sẽ như thế nào nhưng ít nhất DN cũng có thể an tâm phần nào. Bởi một khi cơ quan chức năng đã trịnh trọng hứa với DN thì chắc hẳn từ chủ trương đến nhận thức cũng có phần thay đổi.
Dĩ nhiên, để sửa hoặc bỏ hoàn toàn quy định này thì phải sửa nhiều quy định khác. Nhưng nếu quyết tâm đồng hành cùng DN trong lúc khó khăn như hiện nay thì hoàn toàn có thể làm được. Hơn nữa, trong bối cảnh đặc biệt như hiện nay, hoàn toàn có thể sửa đổi, bổ sung Nghị định 126 theo hình thức rút gọn.
Vấn đề là các cơ quan hữu trách cần bắt tay vào làm ngay, không chần chừ. Nếu thấy bất hợp lý, cam kết sửa mà không gấp rút thực hiện rốt ráo sẽ ngày càng làm khó DN.