Thay đổi cách phối hợp điều hành giá xăng dầu?

(PLO)- Bộ Công Thương đang lấy ý kiến cho dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số quy định trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong dự thảo này, Bộ Công Thương dự tính bãi bỏ điều 10, điều 11, điều 12 Thông tư liên tịch số 39/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính. Đây là ba điều quy định về việc thành lập tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ liên ngành và chế độ, nguyên tắc làm việc của tổ liên ngành.

Tổ liên ngành này được đặt tại Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương). Tổ trưởng tổ liên ngành là Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương). Tổ phó là Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương).

Tổ Liên ngành làm việc theo nguyên tắc tập thể. Nhiệm vụ của tổ liên ngành là tham mưu với lãnh đạo Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành giá xăng dầu theo quy định của pháp luật và phù hợp tình hình kinh tế - xã hội, giá xăng dầu thế giới trong từng thời kỳ; Tính toán, công bố trên trang Thông tin điện tử của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính về giá cơ sở, chênh lệch giá cơ sở kỳ công bố so với kỳ liền kề trước đó…

Cùng với việc bãi bỏ điều 10, điều 11, điều 12 Thông tư liên tịch số 39/2014, trong dự thảo này Bộ Công Thương cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung nguyên tắc điều hành giá xăng dầu trong điều 6a sau điều 6 trong thông tư 17/2021.

xăng
Người dân xếp hàng đổ xăng. Ảnh: PLO

Cụ thể, giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới và tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá bán xăng dầu, điều hành trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá.

Công tác điều hành giá xăng dầu, điều hành trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá trong từng kỳ điều hành phải có ý kiến tham gia của Bộ Tài chính bằng văn bản. Mức trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá tại thời điểm công bố giá cơ sở thực hiện trên cơ sở ý kiến tham gia của Bộ Tài chính, khi có ý kiến khác nhau, Bộ Công Thương quyết định và chịu trách nhiệm; trường hợp cần thiết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Công tác điều hành giá xăng dầu thực hiện theo Quy chế hoạt động Tổ điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành.

Về Tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu, trước đó trong Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu đã quy định rất rõ: Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính điều hành giá bán xăng dầu, điều hành trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu thông qua cơ chế hoạt động của Tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu. Khi có ý kiến khác nhau, Bộ Công Thương quyết định và chịu trách nhiệm; trường hợp cần thiết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, khi Nghị định 95/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014 được ban hành đã sửa đổi quy định này. Theo đó, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá bán xăng dầu, điều hành trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá.

Mức trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá tại thời điểm công bố giá cơ sở thực hiện sau khi thống nhất với Bộ Tài chính. Khi có ý kiến khác nhau, Bộ Công Thương quyết định và chịu trách nhiệm; trường hợp cần thiết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trong kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu giai đoạn từ 2017 đến tháng 6-2022 công bố hồi đầu năm, Thanh tra Chính phủ đánh giá tổ liên ngành Công Thương - Tài chính được thành lập để điều hành thị trường xăng dầu nhưng hoạt động không theo quy chế, thiếu hiệu quả, ảnh hưởng đến kết quả xây dựng giá cơ sở xăng dầu và việc vận hành thị trường xăng dầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm