Trong thông điệp năm mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố từ năm 2020 nước này không còn bị ràng buộc với cam kết ngừng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và bom hạt nhân.
Ông Kim khẳng định Triều Tiên sẽ tiếp tục phát triển năng lực ngăn chặn hạt nhân và sẽ giới thiệu một “vũ khí chiến lược mới” trong tương lai gần. Theo lời ông Kim thì Triều Tiên sẽ không mạo hiểm với an ninh quốc gia chỉ để nhận một số lợi ích kinh tế mơ hồ.
Vài ngày trước đó ông Kim đã chỉ đạo Triều Tiên có “các biện pháp mang tính xây dựng và tấn công để bảo vệ toàn diện chủ quyền và an ninh” quốc gia.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tham dự Hội nghị lần thứ 5 của Đảng Lao động Triều Tiên (WPK) ngày 31-12-2019. Ảnh: REUTERS
Tháng trước, Triều Tiên đã cảnh báo Washington về một “món quà Giáng sinh”, sau khi ông Kim đưa ra thời hạn cho Mỹ đến cuối năm 2019 phải thể hiện sự nhượng bộ trong đàm phán hạt nhân.
Thấy gì từ thái độ của ông Kim?
Điều gì ẩn sau thái độ cứng rắn của ông Kim với Mỹ? Theo Bloomberg, thái độ này cho thấy dường như ông Kim đang từ bỏ hy vọng rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ sớm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt lên Triều Tiên. Ông Kim cũng cho thấy dấu hiệu mất dần động lực trong theo đuổi đàm phán ngoại giao với Mỹ.
Kế hoạch của ông Kim bây giờ là tìm cách tồn tại dưới các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ, theo Bloomberg. Đồng thời ông Kim cũng có thể sẽ có các hoạt động mạnh mẽ hơn liên quan đến hạt nhân để buộc Mỹ phải thỏa hiệp.
“Chúng ta không bao giờ bán đi nhân phẩm của mình, chúng ta sẽ bảo vệ nó như một thứ có giá trị với chính cuộc sống của chúng ta” - ông Kim nói khi họp với các lãnh đạo đảng Lao động Triều Tiên đầu tuần.
Ông Kim đổ lỗi cho căng thẳng giữa hai bên là do “sự phản bội của Mỹ”, cáo buộc chính phủ Trump cố tình kéo dài thời gian đàm phán nhằm phục vụ các mục đích chính trị của mình. Từ thái độ này có thể thấy ông Kim đã thừa nhận quyết định trước đây của ông phong tỏa chương trình hạt nhân Triều Tiên là một nỗ lực mong muốn giảm nhẹ các lệnh trừng phạt.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) tại Bàn Môn Điếm hồi tháng 6-2019, trong nỗ lực đàm phán hy vọng Mỹ giảm nhẹ trừng phạt. Ảnh: AL JAZEERA
Quan hệ thân thiết với Trung Quốc và Nga là chỗ dựa quan trọng với Triều Tiên trong hoàn cảnh này. Với sự giúp đỡ của hai nước này, Triều Tiên vẫn có đường tránh các lệnh trừng phạt nghiêm khắc của Mỹ, Liên Hiệp Quốc và các nước mà không cần Mỹ phải nhân nhượng. Chưa kể Nga và Trung Quốc đang tích cực vận động để Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc dỡ bỏ trừng phạt cho Triều Tiên.
“Đây là lý do cho việc ông Kim từ chối đề xuất của chính quyền ông Trump với lời thuyết phục đem lại một tương lai tươi sáng hơn cho nền kinh tế Triều Tiên” - theo ông Shin Bum-chul, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu chính sách Asan và là cựu nhà nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết:
"Thay vào đó, Triều Tiên quyết định chọn phấn đấu tăng trưởng kinh tế một cách độc lập, làm nền tảng để nước này hướng đến trở thành một quốc gia hạt nhân hợp pháp” - ông Shin nói thêm.
Mỹ vẫn vừa thuyết phục vừa đe dọa
Trước thái độ của ông Kim, phía Mỹ vẫn có phản ứng nước đôi. Ngày 2-1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nói Mỹ vẫn xem đàm phán giải trừ hạt nhân là con đường tốt nhất đối với Triều Tiên. Nhưng ông Esper vẫn kèm thêm câu "Mỹ vẫn sẵn sàng chiến đấu nếu cần thiết".
“Chúng tôi sẽ cố gắng làm thay đổi sự cố chấp của ông Kim Jong-un” - ông Esper nói trong một cuộc phỏng vấn trên Fox News.
Phát biểu với các phóng viên cùng ngày, ông Mark Milley - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ tuyên bố Mỹ có đủ nguồn lực để đối mặt với bất cứ điều gì xảy ra và khả năng phòng thủ quân sự của Mỹ vẫn đủ để bảo vệ đất nước.
Phần mình, một ngày sau khi ông Kim có thông điệp năm mới cứng rắn, ông Trump tuyên bố sẵn sàng đối phó với mọi bước đi của Triều Tiên.