Thầy trò tốc lực chuẩn bị kiểm tra trực tiếp

Theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT TP.HCM, thời gian kiểm tra học kỳ 1 năm học 2021-2022 được thực hiện trực tiếp tại trường từ ngày 10 đến 22-1. Do đây cũng là thời gian học sinh (HS) nhiều khối lớp mới tới trường học trực tiếp lại nên các trường tận dụng tối đa tuần đầu tiên để tổ chức ôn tập cho các em, nhất là các lớp cuối cấp.

Tăng cường ôn tập cho học sinh

Tại Trường THCS Minh Đức (quận 1), thời gian này trường cũng tăng cường ôn tập cho HS theo hướng tập trung, không dàn trải và phù hợp thực tế dạy online lẫn trực tiếp. Trường sẽ đăng tải các bài giảng, đề cương ôn tập cũng như đề cương tham khảo của từng môn lên trang tin của trường để HS tham khảo.

Theo kế hoạch, trường sẽ tổ chức kiểm tra chung trực tiếp học kỳ 1 từ ngày 11 đến 14-1 theo hình thức tập trung cho những môn như toán, ngữ văn, ngoại ngữ, vật lý… Còn từ ngày 3 đến 10-1, các lớp sẽ kiểm tra những môn không tập trung như âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục công dân…

Đặc biệt, trường sẽ tổ chức lịch kiểm tra riêng cho những em thuộc diện F0, cách ly, nằm viện… trong ngày 20 và 21-1.

Theo chia sẻ của Hiệu trưởng Trần Thúy An, do sĩ số mỗi lớp ở trường khoảng từ 40 HS nên công tác tổ chức kiểm tra tập trung trong điều kiện phòng dịch sẽ cực hơn nhưng đánh giá công bằng, thực chất với năng lực HS.

“Nếu trước đây mỗi phòng thi tối đa 24 em thì nay trường sẽ bố trí một phòng 20 em để đảm bảo giãn cách. Có thể sẽ xảy ra cảnh xáo trộn HS các lớp vì theo ABC chứ không theo lớp nhưng trường sẽ tăng cường công tác phòng dịch, tuân thủ 5K, HS kiểm tra xong sẽ ra về ngay… để đảm bảo an toàn” - bà An cho biết.

Còn với Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, theo Hiệu trưởng Nguyễn Minh, trong ngày đầu tiên, với khối 7, 8,10 và 11, thời gian chủ yếu dành cho các lớp sinh hoạt với giáo viên chủ nhiệm. Sau đó HS sẽ bắt đầu ôn tập các môn đã học trực tuyến để chuẩn bị cho kỳ kiểm tra từ ngày 10-1.

Trường sẽ tổ chức kiểm tra các môn không tập trung trước và từ ngày 17-1, HS sẽ bắt đầu thực hiện các bài kiểm tra tập trung. Riêng một số môn đặc thù như mỹ thuật, âm nhạc, thể dục…, HS có thể sẽ được kiểm tra theo hình thức bài tập dự án. Riêng HS lớp 6, lịch kiểm tra sẽ lùi đến sau tết Nguyên đán, khi HS được đi học trực tiếp trở lại.

Tại Trường THPT Lê Quý Đôn, HS sẽ bắt đầu kiểm tra học kỳ 1 từ ngày 10-1 tới. Do thời gian học trực tiếp hạn chế, chỉ trong một tuần nên ngoài các giờ học trực tiếp và trực tuyến, các khối lớp đều được tăng cường thêm tiết học trái buổi.

Như với khối 10, ngoài sáu buổi chiều học trong tuần, các em sẽ được bố trí tăng cường thêm một tiết toán vào buổi sáng để ôn tập, nâng cao kiến thức. Còn với khối 11, ngoài sáu buổi học chính trong tuần, HS sẽ được học trái buổi thêm hai tiết toán, một tiết ngữ văn và một tiết ngoại ngữ. Lớp 12 cũng tương tự nhưng được tăng cường thêm hai tiết ngữ văn.

Một tiết học của học sinh Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TP.HCM).
Ảnh: HOÀNG GIANG

“Học đến đâu sẽ kiểm tra đến đó”

Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT TP.HCM, đối với khối lớp 7 đến lớp 12, hiệu trưởng các trường trung học được giao trách nhiệm tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức cho HS và tổ chức kiểm tra định kỳ đúng quy định từ ngày 4 đến 22-1.

Đối với HS khối 6, do chưa đến trường trong khoảng thời gian này, HS sẽ được kiểm tra sau khi quay lại trường học trực tiếp để được bổ sung kiến thức, khắc phục các hạn chế do học tập trên Internet kéo dài. Nếu sau đó vì dịch bệnh COVID-19 còn kéo dài, HS chưa thể đến trường học tập trực tiếp, sở sẽ xin ý kiến Bộ GD&ĐT để có hướng dẫn thực hiện kiểm tra học kỳ 1 cho các em.

Về kế hoạch kiểm tra này, ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết thời gian tổ chức kiểm tra định kỳ học kỳ 1 sẽ từ ngày 10 đến 22-1. Các trường ở địa bàn có dịch cấp độ 1, 2, 3 và HS đã đi học trực tiếp thì tổ chức kiểm tra trực tiếp. Nếu trường ở địa bàn được xác định dịch cấp độ 4, HS không thể đến trường sẽ được tổ chức kiểm tra theo hình thức trực tuyến.

Nói về nội dung yêu cầu kiểm tra học kỳ 1, theo ông Hồ Tấn Minh, mục đích của đợt kiểm tra định kỳ nhằm kiểm tra quá trình học và tiếp thu kiến thức của HS. HS học đến đâu sẽ kiểm tra đến đó.

Hình thức, cấu trúc đề kiểm tra (tự luận, trắc nghiệm, trắc nghiệm kết hợp tự luận, tỉ lệ các mức độ câu hỏi…) do hiệu trưởng quyết định sau khi bàn bạc, thống nhất với tổ chuyên môn, đảm bảo được đánh giá, phân loại HS theo quy định.

Sở cũng yêu cầu các trường không tổ chức kiểm tra trước và theo hình thức ngoài kế hoạch của sở. Nội dung kiểm tra không vượt quá yêu cầu cần đạt hoặc mức độ cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông. Đồng thời không kiểm tra đối với các nội dung phải thực hiện tinh giản và các nội dung hướng dẫn HS tự học, tự làm, tự thực hiện...

Với những HS thuộc diện F0, cách ly, vấn đề sức khỏe… không thể tham gia kiểm tra cuối kỳ trong thời gian trên, sở đề nghị nhà trường xem xét cho thực hiện kiểm tra, đánh giá bổ sung sau khi đã thực hiện các biện pháp dạy học, phụ đạo, bồi dưỡng bổ sung kiến thức phù hợp, trao đổi với phụ huynh HS, thông báo cho HS. Việc kiểm tra bổ sung hoàn thành trước ngày 28-2.

Lớp 1 và 2 sẽ làm bài kiểm tra trực tiếp

Theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT, HS lớp 1 và 2 chỉ thực hiện kiểm tra định kỳ khi HS quay lại trường học, theo hình thức trực tiếp. Trong đó, với môn toán và tiếng Việt, các cơ sở giáo dục phải tổ chức hướng dẫn, ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức, định hướng nội dung “cốt lõi” cho HS trước khi tổ chức bài kiểm tra.

Thời gian kiểm tra sẽ do các cơ sở giáo dục lên kế hoạch, linh hoạt vào các thời điểm, phù hợp với từng đối tượng và tình hình diễn biến của dịch bệnh COVID-19 tại địa phương và phải phổ biến, tạo sự đồng thuận với phụ huynh.

Trong trường hợp bất khả kháng, tại thời điểm kiểm tra định kỳ, những HS không thể đến trường để làm bài kiểm tra trực tiếp, cơ sở giáo dục có trách nhiệm báo cáo phương án, điều kiện tổ chức cho HS làm bài kiểm tra theo hình thức trực tuyến về Phòng GD&ĐT để được kiểm tra các điều kiện trước khi thực hiện.

Đối với các lớp 3, 4 và 5, theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT, bài kiểm tra định kỳ (đối với các môn tiếng Việt, toán, khoa học, lịch sử và địa lý, ngoại ngữ, tin học) được tổ chức linh hoạt bằng các hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định, phù hợp với các điều kiện cụ thể và diễn biến tình hình dịch tại địa phương vào thời điểm tổ chức kiểm tra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm