Thế cờ biển Đông sẽ thay đổi nếu Indonesia trở bộ

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu cao cấp P. K. Ghosh thuộc Quỹ Nghiên cứu cho các nhà quan sát (Ấn Độ) dự báo Indonesia sẽ phải công khai phản ứng với TQ. Động lực thúc đẩy là thái độ hiếu chiến trong khẳng định chủ quyền biển Đông của TQ, đặc biệt bản đồ đường chín đoạn của TQ bao trùm quần đảo Natuna của Indonesia.

Nhận định trên trang Eurasia Review (Mỹ) ngày 9-10, chuyên gia P. K. Ghosh ghi nhận gần đây Indonesia đã nhiều lần công khai thể hiện thái độ bất bình với TQ. Hồi tháng 3, Ngoại trưởng Marty Natalegawa đã tuyên bố yêu cầu TQ giải thích về bản đồ đường chín đoạn. Giữa năm 2010, Indonesia đã gửi công hàm đến Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon phản đối bản đồ đường chín đoạn nhân sự kiện tàu chiến Indonesia bị tàu TQ chĩa súng đe dọa gần quần đảo Natuna sau khi Indonesia bắt giữ ngư dân TQ đánh bắt trái phép tại đây.

Hiện thời, áp lực đòi chính phủ Indonesia công khai phản ứng với TQ đang ngày càng gia tăng vì nhiều ý kiến cho rằng nếu Indonesia cứ giữ thái độ bác bỏ có tranh chấp với TQ thì chẳng khác nào khẳng định tuyên bố chủ quyền của TQ là đúng.

Chuyên gia P. K. Ghosh nhận định sự kiện Indonesia nhập cuộc mạnh mẽ hơn trong vấn đề tranh chấp biển Đông sẽ dẫn đến hệ quả lớn về địa-chính trị trong khu vực. Một khi Indonesia trực tiếp đối đầu với TQ, các dự án hợp tác phát triển quốc phòng và nghiên cứu biển giữa hai bên sẽ ngưng lại. Trong đó có dự án hợp tác nghiên cứu và sản xuất tên lửa hàng hải và thành lập cơ quan nghiên cứu đại dương và thời tiết trên quần đảo Natuna.

Đây sẽ là điều bất lợi về chiến lược đối với TQ khi chính TQ đã biến Indonesia từ một nước làm tốt vai trò trung gian thương lượng và có ảnh hưởng lớn với các nước ASEAN tranh chấp lại trở thành đối thủ tranh chấp trực tiếp.

Ngoài ra, tính pháp lý của bản đồ đường chín đoạn và các tuyên bố chủ quyền dựa vào lịch sử của TQ sẽ suy yếu vì vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển. Song song theo đó, vai trò gắn kết giữa các nước ASEAN cùng tranh chấp với TQ sẽ tăng lên. Như vậy áp lực sẽ trở nên lớn hơn với TQ, gia tăng cơ hội TQ phải chấp nhận giải quyết tranh chấp bằng con đường pháp lý.

Một khi TQ không ngừng có hành động hiếu chiến trên biển Đông, rủi ro tính toán sai lầm sẽ leo thang. Lúc đó, Indonesia và các nước ASEAN cùng tranh chấp với TQ sẽ nghiêng hơn nữa về Mỹ và càng ủng hộ Mỹ hiện diện trong khu vực nhằm kiềm chế TQ.

Dù vậy, như chuyên gia P. K. Ghosh nhận định, chính phủ mới của Indonesia sẽ phải cân nhắc nhiều về giải pháp nghiêng về Mỹ vì sẽ đối phó với rủi ro rơi vào chiến lược ngoại giao cưỡng bức mở rộng của TQ. Chiến lược này từng được TQ áp dụng với đối thủ nào gắn bó với nước lớn như Philippines và Nhật. Trong khi đó, trước tình hình phân tán như hiện nay, Mỹ khó có thể toàn tâm theo dõi tình hình biển Đông và hỗ trợ kịp thời các nước tranh chấp với TQ.

ĐĂNG KHOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm