Các chuyên gia cho rằng việc cân bằng các lợi ích trong khu vực là một thách thức lớn đối với TQ nếu nước này tiếp tục tăng cường đầu tư vào các nước đang phát triển ở dãy Himalaya.
Chính phủ Nepal hồi tuần trước thông báo nước này sẽ hủy bỏ hợp đồng xây dựng đập thủy điện trị giá 2,5 tỉ USD với Tập đoàn nhà nước TQ Gezhouba Group. Trong tuần này, Pakistan cũng quyết định hủy bỏ dự án hợp tác xây dựng đập thủy điện Diamer-Bhasha trị giá 14 tỉ USD với lý do không thể chấp nhận được các điều kiện nghiêm ngặt mà phía Bắc Kinh đề ra.
Việc liên tiếp các thỏa thuận xây dựng nhà máy thủy điện ở Nepal và Pakistan bị hủy bỏ được cho là đang gây tác động không nhỏ đến dự án “Vành đai và Con đường” của ông Tập Cận Bình, trong bối cảnh Bắc Kinh đang nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng tại khu vực Himalaya với các khoản đầu tư khổng lồ vào cơ sở hạ tầng. “Có thể nói “Vành đai và Con đường” là dự án mà TQ muốn thúc đẩy bằng mọi giá. Nhưng trên thực tế, tất cả dự án đều mang tính thương mại, do đó chúng phải được hợp lý về mặt kinh tế, cũng như tiến hành theo sự nhất trí từ cả hai phía” - ông Zhao Gancheng, một chuyên gia về nghiên cứu Nam Á tại Học viện Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, nhận định.
Theo tờ South China Morning Post (SCMP), quyết định hủy bỏ dự án với tập đoàn TQ đã thể hiện sự chia rẽ của chính phủ Nepal trong chính sách của quốc gia này giữa TQ và Ấn Độ. Trên thực tế, tình hình bất ổn chính trị tại Nepal, với việc đã có bốn thủ tướng nắm quyền kể từ khi nước này thông qua một hiến pháp mới vào năm 2015, đã khiến quốc gia Nam Á rơi vào thế khó khi cả hai người khổng lồ láng giềng Ấn Độ và TQ đều muốn tăng cường sức ảnh hưởng của mình tại dãy Himalaya.
Việc dự án đập thủy điện Diamer-Bhasha trong khuôn khổ Hành lang Kinh tế TQ-Pakistan (CPEC) bị hủy bỏ cũng được cho là rơi vào trường hợp tương tự. Dự án Diamer-Bhasha nằm trên sông Indus ở khu vực Gilgit-Baltistan, thuộc khu vực giáp biên giới với vùng Kashmir đang tranh chấp giữa Pakistan và Ấn Độ. “Ấn Độ phản đối mạnh mẽ CPEC vì nó bao gồm các dự án xây dựng trong khu vực tranh chấp. Vì vậy có nhiều yếu tố mà TQ nên cân nhắc” - ông Sun Shihai, một chuyên gia về quan hệ của TQ với Nam Á tại Học viện Khoa học xã hội TQ, cảnh báo.
Mặc dù các nước Nam Á như Pakistan và Nepal vẫn cần và hoan nghênh các khoản đầu tư của TQ để cải thiện cơ sở hạ tầng nhưng giới chuyên gia cảnh báo rằng những vụ hủy thỏa thuận gần đây là lời cảnh báo với TQ về việc nước này nên cẩn trọng hơn khi thực hiện các dự án nhạy cảm như thủy điện ở nước ngoài.