Việc thanh lọc và lành mạnh hóa trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sẽ tạo cơ hội để nâng cao chất lượng của thị trường, tạo ra một kênh đầu tư tiềm năng trong dài hạn.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM,TS Bùi Duy Tùng, Trường ĐH RMIT Việt Nam, nhấn mạnh như trên. Ông cũng cho rằng Nghị định 65/2022 vừa được Chính phủ ban hành kịp thời sẽ kiện toàn hơn nữa hoạt động thị trường TPDN.
| |
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn là thị trường tiềm năng khi nhu cầu vốn của các DN trong thời gian tới rất lớn. Do đó, quan điểm của Chính phủ là tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động an toàn, lành mạnh và minh bạch. Ảnh: NGUYỆT NHI |
Tiềm năng rất lớn của thị trường TPDN
. Phóng viên: Dù chỉ mới phát triển trong giai đoạn ngắn nhưng thị trường TPDN đã có mức tăng trưởng rất mạnh. Ông đánh giá vấn đề này ra sao?
+ TS Bùi Duy Tùng (ảnh): Việc phát triển TPDN ở Việt Nam tuy mới ở giai đoạn đầu nhưng đã cho thấy tiềm năng rất lớn. Quy mô thị trường tuy còn nhỏ so với các thị trường trong khu vực nhưng đã phát triển nhanh chóng với tổng giá trị trái phiếu phát hành tăng đều qua từng năm.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng trưởng nhanh chóng này là chính sách của Chính phủ Việt Nam khuyến khích các DN phát hành trái phiếu để huy động vốn, thay thế cho các khoản vay ngân hàng. Chính sách này đã góp phần tạo môi trường thuận lợi hơn cho sự phát triển của thị trường TPDN, giúp gia tăng niềm tin vào thị trường cũng như thu hút nhiều người tham gia hơn.
Nhìn chung, tôi tin rằng thị trường TPDN tại Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức cần giải quyết để duy trì tốc độ tăng trưởng này. Ví dụ, cần phát triển thị trường thứ cấp có tính thanh khoản cao hơn để các nhà đầu tư có thể mua và bán trái phiếu dễ dàng hơn.
Ngoài ra, cần có thêm nhiều tổ chức phát hành tham gia thị trường để tạo ra sự cạnh tranh hơn và cung cấp nhiều sự lựa chọn hơn cho các nhà đầu tư.
Chính phủ nên có cơ chế khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hơn vào thị trường TPDN.
. Ông kỳ vọng ra sao trước những chấn chỉnh của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm lành mạnh hóa thị trường TPDN?
+ Thị trường TPDN đang trải qua giai đoạn khá trầm lắng gần đây. Theo số liệu công bố từ Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng khối lượng phát hành trái phiếu trong quý III-2022 chỉ đạt 61.374 tỉ đồng, giảm mạnh 50,5% so với quý trước, giảm khoảng 68% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhóm xây dựng và bất động sản có giá trị phát hành sụt giảm nhiều nhất, mất lần lượt 98,7% và 93,4%. Ngoài ra, khối lượng phát hành của các nhóm khác cũng suy yếu rất đáng kể như nhóm chứng khoán giảm 82%, nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng giảm 45%.
Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước và Chính phủ đã hành động kịp thời khi ban hành Nghị định 65/2022 với nhiều quy định mới nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động phát hành và giao dịch TPDN, qua đó giúp thị trường trở nên bền vững hơn. Theo quan điểm của cá nhân tôi, việc thanh lọc và lành mạnh hóa thị trường TPDN sẽ tạo cơ hội để nâng cao chất lượng của thị trường. Do đó, thị trường này sẽ là một kênh đầu tư tiềm năng trong dài hạn.
Sự sàng lọc cần thiết
Theo số liệu từ FiinRatings, áp lực đáo hạn TPDN trong năm nay khoảng 35.560 tỉ đồng và sẽ tăng lên mức 61.370 tỉ đồng vào năm 2023. Thông qua hoạt động mua lại, giá trị trái phiếu đáo hạn đã giảm xuống phần lớn nhưng áp lực đảo nợ vẫn tồn tại.
Nghị định 65/2022 cho phép các DN phát hành TPDN để đảo nợ cho chính mình. Tuy nhiên sẽ không có nhiều DN đáp ứng được điều kiện này. Phần lớn các DN sẽ phải tìm kiếm phương thức đảo nợ khác.
Tuy nhiên, đây là một cuộc sàng lọc cần thiết, qua đó làm trong sạch và lành mạnh hóa thị trường TPDN. Với quy định chỉ cho phép DN phát hành trái phiếu để đảo nợ cho chính mình, Chính phủ đã phát đi thông điệp rằng chúng ta không ủng hộ các DN trước đây lợi dụng kẽ hở của quy định để phát hành trái phiếu một cách thiếu kiểm soát.
TS BÙI DUY TÙNG
Để thị trường TPDN hấp dẫn hơn
. Thị trường TPDN của Việt Nam so với nhiều nền kinh tế khác vẫn còn ở mức khá khiêm tốn, ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?
+ Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, quy mô thị trường TPDN của Việt Nam năm 2021 rơi vào khoảng 14,75% GDP sau điều chỉnh. Trong đó, dư nợ TPDN chiếm khoảng 12% tổng dư nợ của cả nền kinh tế, tăng khoảng 11,2% so với thời điểm cuối năm 2020.
Với số liệu trên thì quy mô thị trường TPDN của Việt Nam còn khiêm tốn khi so sánh với các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP), Thái Lan (25% GDP).
Trong dài hạn, Chính phủ đặt mục tiêu nâng quy mô dư nợ TPDN lên mức 20% GDP vào năm 2025 và 25% GDP vào năm 2030. Như vậy, xét về tầm nhìn dài hạn thì thị trường TPDN là một thị trường tiềm năng và là trọng điểm trong chiến lược tài chính của Chính phủ.
. Ông có đề xuất ra sao để thị trường TPDN phát triển bền vững, ổn định, thành kênh huy động vốn hiệu quả, giảm tải được gánh nặng cho ngân hàng?
+ Có một số việc cần làm để thị trường TPDN ổn định hơn, thu hút vốn hiệu quả hơn. Ví dụ Chính phủ nên xem xét đưa ra nhiều ưu đãi hơn cho các công ty phát hành trái phiếu. Hiện tại có rất ít công ty phát hành, như vậy sẽ làm hạn chế số vốn có thể huy động được.
Thứ hai, Chính phủ nên phát triển một cơ sở hạ tầng tốt hơn cho thị trường TPDN bằng cách thiết lập một trung tâm thanh toán bù trừ và cơ sở dữ liệu tập trung của tất cả trái phiếu đã phát hành.
Thứ ba, Chính phủ nên có cơ chế khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hơn vào thị trường TPDN. Chủ thể này sẽ giúp mang lại nhiều vốn hơn cũng như làm tăng mức độ thanh khoản. Và cuối cùng, những nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, cần được hỗ trợ và đào tạo tốt hơn về nghiệp vụ thị trường trái phiếu.
Đây chỉ là một số biện pháp có thể được thực hiện để cải thiện thị trường TPDN của Việt Nam, góp phần giúp thị trường ổn định, hiệu quả và hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.
. Xin cám ơn ông.•
Bộ Tài chính: Không nên nghe tin đồn thất thiệt
Bộ Tài chính vừa phát hành thông báo khẳng định thời gian qua thị trường TPDN đã từng bước phát triển để trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho các DN và nền kinh tế, qua đó hỗ trợ giảm áp lực lên kênh tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, trên thị trường xảy ra hiện tượng DN tăng mua lại trái phiếu, các nhà đầu tư cá nhân bán lại trái phiếu trước hạn do quan ngại DN không trả được nợ.
Trước tình hình này, Bộ Tài chính lưu ý DN phát hành phải có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu và thực hiện các cam kết với nhà đầu tư. Trường hợp có khó khăn về tình hình tài chính thì phải chủ động xây dựng phương án trả nợ cụ thể và làm việc thống nhất với các nhà đầu tư để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, đảm bảo uy tín của DN như cơ cấu lại nợ, đàm phán hoán đổi trái phiếu, xử lý tài sản đảm bảo, thỏa thuận thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác của DN; trường hợp không thỏa thuận được sẽ xử lý theo quyết định của tòa án.
Đáng chú ý, cơ quan này nhấn mạnh các nhà đầu tư cần cẩn trọng để phân tích và phân loại các trái phiếu đang sở hữu để có quyết định phù hợp, không nghe tin đồn thất thiệt. Nhà đầu tư cần đọc, hiểu và nắm rõ các quy định này tại văn kiện trái phiếu và các bản công bố thông tin của DN.
“Nhà đầu tư cũng cần hết sức lưu ý về trách nhiệm và cam kết của các tổ chức cung cấp dịch vụ. Việc các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu DN không có nghĩa là các tổ chức này bảo lãnh, bảo đảm cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là tổ chức cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ DN phát hành...” - Bộ Tài chính lưu ý.