Sáng 25-4, tiếp tục phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
Đáng chú ý, thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ, Uỷ ban Tài chính Ngân sách nêu việc năm 2021, thông tin thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch, giá bất động sản tăng bất thường tại một số nơi. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh nhưng có dấu hiệu “nóng”, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, có doanh nghiệp “lách luật” phát hành trái phiếu sai quy định.
Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sáu tháng đầu năm 2021 là gần 177.000 tỉ đồng, tăng hơn 8% so với cùng kỳ 2020. Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng gần 15.400 tỉ đồng, tăng hơn 50% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, còn có tình trạng một số cá nhân, doanh nghiệp thao túng thị trường chứng khoán gây thiệt hại cho nhà đầu tư, thất thoát lãng phí nguồn lực trong nhân dân.
Hoạt động giao dịch, thương mại điện tử, kinh doanh tiền ảo có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những hình thức lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng Internet mà đến nay vẫn chưa có khung pháp luật rõ ràng, đầy đủ để quản lý vấn đề này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: quochoi.vn |
Liên quan đến thị trường vốn, thị trường trái phiếu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng 2021 là năm tăng trưởng rất nóng về thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Ông đề nghị xác minh thông tin báo chí nêu năm 2021, huy động trái phiếu doanh nghiệp đến hơn 700.000 tỉ đồng, trong đó 44% liên quan đến lĩnh vực bất động sản.
Trước đây khi trái phiếu đến hạn thanh toán, dòng tiền có thì doanh nghiệp lấy ra trả hoặc đi vay để trả. Tuy nhiên hiện việc vay để đảo nợ cũng bị siết do tác động của COVID-19 nên không có dòng tiền để trả.
“Không trả được thì nguy cơ vỡ nợ”- ông Huệ cảnh báo, đồng thời đề nghị các Ủy ban Tài chính, Kinh tế phải giám sát việc này.
“Đến hạn không trả được, có những doanh nghiệp rao bán dự án để trả nợ nhưng dự án đã đầy đủ cơ sở pháp lý đâu mà bán. Mặt khác, có đầy đủ pháp lý cũng có ai mua không khi mà (doanh nghiệp) đang vướng vào các sai phạm. Không trả được thì vỡ nợ thôi. Đây là điểm rất khác so với các năm trước”- ông Huệ nói thêm.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: quochoi.vn |
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Bộ này đang tham mưu Chính phủ sửa Nghị định 153/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Theo Bộ trưởng Tài Chính, khi Luật Chứng khoán và Nghị định 153 ra đời, chúng ta rất muốn tiếp cận với điều kiện thế giới. Tuy vậy sau khi ban hành, các văn bản này lại thể hiện "lỗ hổng", dẫn tới những vi phạm trong thực tế.
“Chúng tôi đã nhận diện được sự sơ hở này. Tôi quan sát thấy lỗ hổng và đã yêu cầu cảnh báo trên phương tiện thông tin đại chúng”- ông Phớc nói và cho biết Bộ Tài chính đã có thông cáo báo chí, tổ chức cuộc trao đổi trên VTV1 và các diễn đàn về những rủi ro trong phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp.
Riêng Bộ Tài chính đã có ba văn bản yêu cầu thanh tra. “Đây là vấn đề cần xử lý để làm trong sạch thị trường, đưa thị trường đi vào nề nếp. Vừa rồi, chúng ta đã có động thái xử lý nghiêm. Cùng đó, cũng phải sửa quy định pháp luật”- ông Phớc nhấn mạnh.