Dựa trên bản báo cáo từ SIPRI, số lượng chuyển dịch hàng hóa ngành công nghiệp chế tạo vũ khí trên thị trường quốc tế là 14% trong năm 2011-2015.
Con số cho thấy nhu cầu buôn bán hoặc tặng gửi vũ khí ngày càng đi lên trong năm năm gần đây. Tần suất trao đổi vũ khí cũng vì thế nhiều hơn so với những năm trước.
Chuyển dịch không đồng bộ
Trong khi dòng chảy vũ khí đến châu Phi, châu Á, châu Đại Dương và Trung Đông đang có chiều hướng tăng trong các gian đoạn từ 2006-2010 và 2011-2015, châu Âu bắt đầu sụt giảm việc nhập khẩu vũ khí tương tự như châu Mỹ-Latinh.
Nguồn tiêu thụ vũ khí lớn nhất thế giới phải kể đến là Ấn Độ, Ả Rập Saudi, Trung Quốc và các quốc gia thuộc Tiểu Vương Quốc Ả Rập.
Trong khi đó, Mỹ và Nga trở thành hai quốc gia nắm quyền sản xuất và xuất khẩu các thiết bị quân sự sang những nước khác.
AFP dẫn đoạn báo cáo cho hay Mỹ tăng gia sản xuất chủ yếu để đáp ứng các đơn đặt hàng của rất nhiều khách hàng quốc tế.
“Khi căng thẳng và xung đột khu vực ngày càng tăng, Mỹ vẫn là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu hưởng lợi nhuận rất cao”, AFP dẫn lời giám đốc chương trình Chi phí Vũ khí và Quân sự từ SIPRI Aude Fleurant.
Cũng theo bà Fleurant, có đến 96 nước đang là bạn hàng thân thiết của nước này trong vòng 5 năm qua. Chủ yếu hàng năm ngành công nghiệp này tại Mỹ đều nhân được những đơn đặt hàng sản xuất những vũ khí hạng nặng quan trọng.
Hiện 41% các loại vũ khí quan trọng của Mỹ đều chuyển cho Ả Rập Saudi và nhiều quốc gia khác tại Trung Đông.
SIPRI cho biết Mỹ nhận rất nhiều đơn đặt hàng quan trọng, bao gồm cả 600 chiến đấu cơ tiêm kích F-35. Ảnh chụp chiếc F-35 ngày 22-9-2015 (ảnh: AFP)
“Mặc dù giá đầu đang ở mức thấp, những tập đoàn sản xuất vũ khí lớn vẫn giữ lộ trình xuất khẩu sang Trung Đông vì đây là một phần yêu cầu trong hợp đồng được ký kết trong năm năm qua”, nghiên cứu viên SIPRI Pieter Wezeman cho hay.
Theo kết quả thống kê của SIPRI, Nga được xem là nhà cung cấp vũ khí toàn cầu đứng thứ hai sau Mỹ, với thị phần tăng đến 25% trong những năm trước. Trong khoảng năm 2014-2015, xuất khẩu vũ khí của Nga không được phát đạt như trước do chính sách cấm vận kinh tế từ phương Tây vì vấn đề khủng hoảng Ukraine.
Chính vì vậy, để tìm nguồn tiêu thụ cho mình, ngoài bạn hàng vũ khí vùng đông Ukraine, Nga đã đẩy mạnh sản xuất vũ khí sang nhiều nước khác ngoài khu vực châu Âu. Trong đó, Ấn Độ là khách hàng thu mua vũ khí của Nga nhiều nhất.
Ngoài hai thế lực Mỹ và Nga, những nước như Trung Quốc, Pháp và Đức cũng thâu tóm thị trường tiêu thụ toàn cầu trong năm năm qua và cùng lúc cạnh tranh vị trí trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn thứ ba thế giới. Tuy nhiên, theo Reuters, Đức và Pháp đã giảm xuất khẩu trong những năm gần đây.
Xuất khẩu của Trung Quốc tăng 88%
Theo SIPRI, lượng xuất khẩu của Trung Quốc tăng 88% so với những năm trước đây. Các nước thu mua nhiều nhất vũ khí của Trung Quốc cũng tập trung ở châu Á, trong đó Pakistan được cho đối tác mua hàng lớn nhất, chiếm 35% quốc gia nhập khẩu vũ khí từ nước này. Kế đến là Bangladesh và Myanmar.
Trong khi đó, chính sách chỉ đạo vũ khí của Bắc Kinh không còn đánh mạnh vào việc nhập khẩu vũ khí như trước. Từ năm 2011-2015, nền nhập khẩu vũ khí của nước này giảm 25% so với cùng kỳ năm năm trước và tập trung tăng gia sản xuất cũng như phát triển kỹ thuật chế tạo còn non kém trong nước.
“Cách đây 10 năm về trước, Trung Quốc vẫn còn là quốc gia có nền kỹ thuật lạc hậu. Tuy nhiên mọi thứ đã thay đổi”, Reuters dẫn lời ông Siemon. “Giờ đây chuyên môn đã được nâng cao rất nhiều so với cách đây 10 năm và thu hút sự chú ý của nhiều thị trường lớn hơn”.
Lực lượng Quân đội Giải phóng Nhân dân PLA của Trung Quốc diễu hành “khoe” vũ khí trên quảng trường Thiên An Môn trong đợt kỉ niệm 70 kết thúc Chiến tranh Thế giới Thứ hai tại Bắc Kinh ngày 3-9-2015 (ảnh: Reuters)
Trong 5 năm vừa qua, quốc gia này chiếm khoảng 5,9% xuất khẩu vũ khí toàn cầu, tuy nhiên vẫn còn rất kém cạnh so với Mỹ và Nga.
Hiện Bắc Kinh rất chú trọng đầu tư hàng tỉ USD nhằm đẩy mạnh ngành công nghiệp vũ khí trong nước, phục vụ tham vọng hàng hải tại biển Đông và Ấn Độ Dương. Tổng ngân sách chi tiêu quân sự nước này trong năm 2015 là 886,9 tỉ Nhân dân tệ (tương đương 136,2 tỉ USD), tức tăng 10% so với một năm trước.
Trung Quốc cũng vẫn rất cần nguồn nhập khẩu máy móc chủ yếu từ Nga. Một số mặt hàng Trung Quốc cần nhập khẩu bao gồm các máy bay vận chuyển, trực thăng và động cơ lắp ráp, theo SIPRI.