Thổ Nhĩ Kỳ ra mắt máy bay thế hệ 5 nội địa thay thế F-35

 Nguồn: TWITTER

Không lâu sau khi Thổ Nhĩ Kỳ mất quyền tiếp cận tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35 do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ sản xuất, Công ty Công nghiệp Hàng không Thổ Nhĩ Kỳ (TAI) ra mắt một nguyên mẫu máy bay chiến đấu thế hệ 5 do chính nước này sản xuất tại Triển lãm hàng không Paris hôm 17-6. Mẫu máy bay này lấy tên là TF-X.

Nguyên mẫu máy bay chiến đấu thế hệ 5 nội địa TF-X của Thổ Nhĩ Kỳ được trình làng tại Triển lãm hàng không Paris hôm 17-6. Ảnh: Military.com

TF-X được coi là máy bay nội địa đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu quyền tiếp cận F-35 của Thổ Nhĩ Kỳ bị hạn chế vĩnh viễn, TF-X có thể là hy vọng tốt nhất của nước này trong phát triển nền tàng công nghiệp hàng không vũ trụ của đất nước, dù  rằng một số nhà quan sát đặt câu hỏi về khả năng sản xuất máy bay thế hệ 5 thực sự của Thổ Nhĩ Kỳ.

Xuất hiện trên đường băng của sân bay Paris – Le Bourget là một mô hình kích thước thật của máy bay chiến đấu có tên là TF-X hai động cơ, đuôi thẳng đứng trông giống như F-35, nhưng thân máy bay có phần hẹp hơn và sải cánh dài hơn so với tiêm kích hiện đại của Mỹ, trang tin Military.com đưa tin.

Hình dáng của TF-X ít nhiều gây ra sự bất ngờ.

Lý giải về sự giống nhau của hai máy bay chiến đấu, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của TAI – ông Temel Kotil cho hay công ty của ông “là đơn vị đã tham gia chế tạo thân máy bay” của F-35. TAI là nhà cung cấp thứ cấp của nhà thầu Northrop Grumman có trụ sở ở Mỹ, một trong những công ty tham gia chế tạo F-35 và đóng vai trò lắp ráp phần lớn các bộ phận thân máy bay chiến đấu này.

“Nói như vậy có nghĩa là về mặt sản xuất, TAI có đủ năng lực để chế tạo máy bay chiến đấu TF-X. Mặc dù những gì chúng ta được thấy ở đây là một mô hình, song vào năm 2023 chúng tôi sẽ cho ra mắt máy bay thực sự và đến năm 2025 nó sẽ có chuyến bay đầu tiên, sau đó sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2028”, ông Kotil nhấn mạnh.

Theo trang tin Defense News, TF-X sẽ có vận tốc tối đa Mach 2, tầm hoạt động trên 960 km và có tải trọng là khoảng 27 tấn khi cất cánh. Máy bay có hai động cơ, mỗi chiếc sẽ có thể tạo được lực đẩy lên đến hơn 9.000 kg, gần như tương đương với khả năng của động cơ máy bay F-35.

Hãng BAE Systems, công ty hợp tác với TAI phát triển TF-X, khẳng định máy bay này sẽ là “tiêm kích tốt nhất châu Âu” và có thể được trang bị tên lửa tầm xa, không đối không Meteor do hãng MBDA của châu Âu chế tạo.

Lầu Năm Góc hiện chưa đưa ra bình luận về loại máy bay mới mà Thổ Nhĩ Kỳ vừa trình làng. Một quan chức giấu tên của Lầu Năm Góc bày tỏ hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chấp thuận cách nghĩ của Mỹ và chịu từ bỏ thỏa thuận mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.

Ankara cũng bày tỏ quan tâm tới các máy bay thế hệ thứ 5 khác, trong đó có Su-57 của Nga và FC-31 của Trung Quốc, hãng tin Sputnik cho hay.

Tiêm kích F-35 của Mỹ. Ảnh: SPUTNIK

Đầu tháng 6, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan gửi một lá thư tới Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó vạch ra những bước đi đầu tiên loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình phát triển F-35. Thư yêu cầu các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới chương trình gồm phi công, nhân viên bảo dưỡng và nhân viên tại Văn phòng chương trình F-35 phải rời khỏi Mỹ trước ngày 31-7.

Kể từ đó, Tư lệnh của Căn cứ không quân Luke, bang Arizona (Mỹ), đảm nhiệm huấn luyện phi công lái F-35, đã lệnh ngừng huấn luyện các phi công Thổ Nhĩ Kỳ.

Bà Ellen Lord, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm, công nghệ và hậu cần ngày 17-6 cho hay “không có tiến bộ đáng kể” với Thổ Nhĩ Kỳ từ sau lá thư của ông Shanahan, song nhấn mạnh Bộ Quốc phòng Mỹ vấn hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ đảo ngược quyết định mua S-400.

Bà Lord từ chối trả lời câu hỏi liệu bà có nhìn nhận việc Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ mẫu máy bay TF-X là phát đi tín hiệu nước này đang rút khỏi chương trình F-35 hay không. Bà Lord cũng ám chỉ có thể có những hậu quả thêm nữa đối với ngành hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ nếu quyết mua S-400.

Trong khi đó, các quan chức Tập đoàn Lockheed Martin ngày 17-6 thì cho hay họ vẫn tiếp tục chương trình theo kế hoạch cho tới khi nhận được chỉ đạo khác từ chính phủ Mỹ.

“Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một đối tác của chương trình. Chúng tôi vẫn đang sản xuất máy bay cho Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi vẫn đang mua nguyên liệu từ Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Greg Ulmer, phó Chủ tịch của Lockheed Martin khẳng định.

Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất 937 linh kiện khác nhau cho tiêm kích F-35, trong đó có linh kiện cho khung thân, càng đáp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm