Bộ Quốc phòng Anh mới đây xác nhận Exception PCB, một công ty có trụ sở chính tại Gloucestershire (Anh) và thuộc sở hữu của một tập đoàn lớn của Trung Quốc có tên Shenzhen Fastprint, trong thời gian qua đã chịu trách nhiệm sản xuất bảng mạch có chức năng kiểm soát hoạt động của động cơ, đèn, nhiên liệu và hệ thống định hướng của máy bay tiêm kích tàng hình F-35 của Tập đoàn Lockheed Martin, loại khí tài quân sự đắt đỏ nhất trong lịch sử của Mỹ, theo hãng tin RT ngày 15-6.
Được biết, Shenzhen Fastprint mua lại Exception PCB vào năm 2013.
Chiếc F-35A Lightning II của Mỹ trong lúc tiếp dầu trên không. Ảnh: SPUTNIK
Ngoài ra, hãng tin Sputnik cho biết bản Kế hoạch Hành động cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) công bố hồi tháng 3 tiết lộ Exception PCB là một phần của chuỗi cung ứng F-35, trong đó sản xuất bảng mạch "giúp điều khiển nhiều khả năng cốt lõi của F-35, bao gồm cả động cơ, hệ thống chiếu sáng, nhiên liệu và hệ thống định vị".
Cũng theo Sputnik, ngoài F-35, Exception PCB còn sản xuất các bộ phận máy bay Eurofighter Typhoon, F-16 của Lockheed Martin và trực thăng tấn công Apache.
Ông Mike Devine, giám đốc Exception PCB thừa nhận công ty này chịu trách nhiệm sản xuất bảng mạch trần ở Anh cho tất cả công ty hàng không vũ trụ và quốc phòng, đồng thời hợp tác với Công ty GE Aviation (Mỹ) trong nhiều thập niên. Tuy nhiên, ông Devine nhấn mạnh Exception PCB đã làm mọi thứ có thể để đảm bảo không có công dân Trung Quốc nào có thể truy cập trái phép vào dữ liệu của F-35.
"Tất cả dữ liệu được bảo mật trên một máy chủ nội bộ riêng biệt và quyền truy cập vào dữ liệu được bảo vệ bằng mật khẩu, chỉ cho một số người được lựa chọn truy cập" - ông Devine nói.
Bộ Quốc phòng Anh cũng phủ nhận bất kỳ rủi ro nào liên quan đến sản phẩm của Exception PCB trong chuỗi cung ứng máy bay F-35.
Dẫu Bộ Quốc phòng Anh khẳng định Exception PCB là một nhà cung ứng có uy tín trong ngành công nghiệp quốc phòng và “không nguy hiểm”, song truyền thông và các chính trị gia Anh ngay lập tức gọi đây là một “phát hiện gây sốc”.
“Chúng ta đã quá ngây thơ và không hiểu hết được vai trò của Trung Quốc và chỉ đến thời điểm này người ta mới bắt đầu tỉnh ngộ”, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gerald Howarth trả lời tờ The Telegraph (Anh), đồng thời bày tỏ quan ngại trước sự tham gia của Trung Quốc trong chương trình quốc phòng tuyệt mật này.
“Tôi cảm thấy rất lo sợ. Câu hỏi mà chúng ta cần đặt ra không còn là “điều đó có tệ không” nữa, mà là “nó đã tệ đến mức nào rồi?”, nghị sĩ đảng Bảo thủ Anh Bob Seely trả lời hãng tin SkyNews.
Thực tế, kể từ khi được công ty Shenzhen Fastprint mua lại vào năm 2013, Exception PCB không hề giấu việc họ thuộc sở hữu của một doanh nghiệp Trung Quốc.
Một giám đốc của Exception PCB PCB khẳng định giữa họ và công ty mẹ đang có “bức tường lửa rõ ràng” và rằng họ chỉ sản xuất bảng mạch đơn thuần. Hãng sản xuất F-35 là Lockheed Martin cho biết giống như “mọi linh kiện khác của F-35”, bảng mạch này “được thẩm tra nhiều lần ở mỗi giai đoạn sản xuất”.
“Exception PCB không có bất kỳ quyền tiếp cận nào đối với các thông tin nhạy cảm của dự án và hiện không có mối đe dọa nào khi họ chỉ có vai trò rất nhỏ”, hãng Lockheed cho biết, đồng thời khẳng định họ có nguồn cung thay thế “nếu Exception PCB được xác định là một nguồn không đáng tin cậy trong tương lai”.
Mỹ lo ngại các thiết bị của Huawei có thể được sử dụng để làm gián điệp. Ảnh: REUTERS
Đây không phải lần đầu tiên quân đội Mỹ che giấu sự hiện diện của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng phục vụ cho việc chế tạo F-35. Vào năm 2014, Lầu Năm Góc từng tìm kiếm nhiều đơn khước từ việc cấm sử dụng những bộ phận do Trung Quốc sản xuất nhằm đảm bảo chương trình chế tạo F-35 được thực hiện đúng tiến độ.
Các hãng quốc phòng của Mỹ như Northrop Grumman và Honeywell đều được phép sử dụng nam châm do Trung Quốc sản xuất trong hệ thống radar và hệ thống tiếp đất cho máy bay do Lầu Năm Góc lo ngại những chậm trễ của dự án sẽ ảnh hưởng đến số đơn đặt hàng từ nước ngoài.
Những phát hiện của truyền thông Anh về Exception PCB được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc căng thẳng, trong đó Washington cáo buộc gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc đặt ra đe dọa an ninh bởi mối quan hệ của công ty này với chính quyền Bắc Kinh.
Mỹ cáo buộc Huawei khai thác cơ sở hạ tầng không gian mạng thay mặt cho chính quyền Bắc Kinh nhưng Huawei phủ nhận.
Mỹ cấm Huawei hợp tác làm ăn với các công ty viễn thông của Mỹ và kêu gọi các nước châu Âu liệt Huawei vào danh sách đen với lý do hãng này tiến hành nghe trộm theo yêu cầu của chính phủ Trung Quốc.