Trung Quốc nói đã có thể 'nhìn thấy' máy bay tàng hình F-35 Mỹ

Theo hãng tin Sputnik ngày 11-6, các nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc tuyên bố đã phát triển được một hệ thống radar mặt sóng tần số cao có thể phát hiện được máy bay tàng hình F-35 của Mỹ. Quan trọng hơn, hệ thống này chống được các loại tên lửa chống bức xạ - kẻ thù của mọi hệ thống phòng không có khả năng tự động tìm theo nguồn phát sóng vô tuyến của đối phương để tiêu diệt.

Tiêm kích F-22 Raptor (trên) và tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II của Mỹ. Ảnh: SPUTNIK

Trả lời phỏng vấn tạp chí Naval and Merchant Ships hồi tháng trước, nhà nghiên cứu Liu Yongtan, trưởng nhóm phát triển hệ thống radar mặt sóng tần số cao (HFSWR), cho hay hệ thống radar mới phát triển này có thể phát hiện các máy bay tàng hình từ ngoài đường chân trời và trong bất cứ điều kiện thời tiết nào.

Thực ra đây không phải loại radar mới nhưng đã không còn được quan tâm từ những năm 1950 do tỉ số tín hiệu trên nhiễu cao và tính di động thấp. Thay vào đó, các nền quân sự trên thế giới chú ý hơn tới hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm (AWACS).

Tuy nhiên, ông Liu cho biết họ đã khắc phục được các hạn chế đó.

Các máy bay tàng hình như F-35 và F-22 của Mỹ, J-20 và J-31 của Trung Quốc đều được thiết kế để tránh hệ thống radar vi sóng và hầu như không được bảo vệ trước các radar sử dụng bước sóng dài.

Theo ông Liu, thay vì phát vi sóng và dò theo sự dội lại từ các vật thể, hệ thống HFSWR sử dụng các bước sóng khổng bồ, dài khoảng 1 m. Bước sóng này không di chuyển theo đường thẳng mà có thể đi dọc theo bề mặt của mặt đất và dò tìm các vật thể khuất sau đường chân trời.

Hệ thống radar mặt sóng tần số cao (HFSWR). Ảnh: SPUTNIK

Tương tự, cơ chế sử dụng bước sóng dài cũng giúp hệ thống HFSWR của Trung Quốc tránh được các tên lửa chống bức xạ. Hiện tại, hệ thống này chỉ có thể lắp đặt trên mặt đất do cần không gian lớn cho hệ thống ăng-ten thu tín hiệu.

Tờ South China Morning Post dẫn lời ông Shi Lao, nhà bình luận quân sự ở Bắc Kinh, cho biết hệ thống radar mới có tầm dò sóng lên đến 400 km. Kết hợp với các loại radar khác, hệ thống radar mới này có thể trở thành công cụ răn đe vô cùng hiệu quả đối với đối phương trên biển và trên không.

“HFSWR có thể hoạt động trong 24 giờ trong mọi điều kiện thời tiết và chi phí vận hành rẻ hơn vận hành so với máy bay cảnh báo sớm. Chúng có thể được triển khai khá nhanh với tính di động cao nếu được gắn trên các phương tiện và có thể được bố trí trên tàu chiến trong tương lai”, ông Shi cho biết.

Trong khi đó, tờ Global Times ca ngợi đây sẽ là hệ thống phòng thủ đầu tiên của Trung Quốc.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV trước đó đưa tin Trung Quốc đã và đang xây dựng một trung tâm thử nghiệm radar mặt sóng tần số cao ở Uy Hải, bờ biển phía đông của Trung Quốc thuộc tỉnh Sơn Đông.

Trước đó hồi tháng 2-2019, Tư lệnh Không quân Mỹ David Goldfein đã nói về việc sử dụng F-35 để đối phó Trung Quốc và Nga. 

"Nếu Trung Quốc, Nga hay bất cứ đối thủ nào trên toàn cầu phải nhìn thấy một máy bay F-35 bên trong không phận của họ, tôi sẽ rất sẵn lòng gửi tới họ lời nhắn ngắn gọn: Chúng tôi có mặt rồi đây! Nếu họ phát hiện thấy một chiếc, mà khả năng này rất khó xảy ra, họ sẽ không chỉ nhìn thấy một máy bay F-35", ông Goldfein tuyên bố.

Các chuyên gia của Military Watch nhận định tiêm kích F-22 và F-35 của Mỹ có thiết kế khí động học tối ưu, tiết diện phản xạ radar cực thấp, các lớp sơn phủ có khả năng hấp thụ hoặc tán xạ sóng radar, hấp thụ sóng hồng ngoại; khiến chúng được coi là máy bay có khả năng tàng hình tốt nhất thế giới.

Bên cạnh động cơ cực mạnh cho khả năng bay siêu âm không cần tăng lực, các hệ thống thiết bị điện tử, radar, thông tin liên lạc…, trên máy bay Mỹ cũng được đánh giá là hiện đại nhất thế giới, cùng với đó là các vũ khí tấn công đa nhiệm cực kỳ chính xác.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm