Thổ Nhĩ Kỳ đang cân nhắc triển khai hệ thống phòng không S-400 mua từ Nga ở bờ biển phía Nam đất nước nhằm tăng cường năng lực quân sự ở Đông Địa Trung Hải trong bối cảnh căng thẳng dâng cao vì các nguồn khí đốt tự nhiên, theo hãng tin Bloomberg.
Bloomberg tuần trước dẫn bốn nguồn thạo tin giấu tên cho hay Thổ Nhĩ Kỳ đang cân nhắc bố trí hệ thống phòng không tầm xa S-400 sau khi tiếp nhận từ Nga gần nơi mà các tàu chiến nước này hộ tống các tàu thăm dò năng lượng ở Địa Trung Hải.
Tàu khoan dầu Fatih của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Daily Sabah
Trong khi Mỹ gia tăng sức ép lên Thổ Nhĩ Kỳ quanh vụ nước này quyết mua hệ thống S-400 của Nga thì Thổ Nhĩ Kỳ cũng vướng vào tranh chấp với Cộng hòa Síp và Hy Lạp liên quan tới các nỗ lực khoan thăm dò khí đốt ở Đông Địa Trung Hải.
Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin giấu tên cho biết các khẩu đội S-400, dự kiến sẽ chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7, có thể giúp tăng cường đáng kể năng lực quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Địa Trung Hải.
Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai các tàu hải quân hộ tống các tàu khoan dầu sau khi tìm thấy hydrocarbon ngoài khơi bờ biển phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Cộng hòa Síp cũng có kế hoạch tiến hành tám chiến dịch khoan tìm hydrocarbon ở Vùng Đặc quyền kinh tế nước này trong vòng 24 tháng tới.
Mỹ và Liên minh châu Âu bày tỏ quan ngại trước động thái của Thổ Nhĩ Kỳ, kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ đình chỉ hoạt động khoan thăm dò khí đốt tại khu vực mà Cộng hòa Síp tuyên bố là Vùng Đặc quyền Kinh tế của nước này.
Theo nguồn tin của Bloomberg, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang xem xét các địa điểm khác để triển khai hệ thống S-400. Tuy nhiên, nếu được phê chuẩn, việc triển khai S-400 ở phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ cho các đối thủ và đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực. Hiện chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ chưa đưa ra bình luận.
Ba nghị sĩ Mỹ tuần trước giới thiệu một dự luật lưỡng đảng mới ủng hộ quan hệ đối tác ngày càng tăng ở Đông Địa Trung Hải giữa Israel, Hy Lạp và Cộng hòa Síp, kêu gọi chấm dứt cấm vận vũ khí đối với Cộng hòa Síp.
Sau khi tiếp nhận từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ triển khai hệ thống S-400 ở Đông Địa Trung Hải? Ảnh: Bloomberg
Trước đó, một dự luật do Thượng nghị sĩ Marco Rubio và Robert Menendez giới thiệu hồi tháng 4 phát đi tín hiệu cho thấy sự thay đổi trong chính sách của Mỹ ở khu vực Đông Địa Trung Hải. Dự luật này bao gồm hỗ trợ quốc phòng cho các nước láng giềng của Thổ Nhĩ Kỳ và dừng bàn giao 100 chiếc tiêm kích tàng hình F-35 do Mỹ sản xuất cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara không rút lại thương vụ mua S-400 với Nga.
“Thổ Nhĩ Kỳ xem S-400 là công cụ răn đe để bảo vệ các lợi ích năng lượng của mình ở Đông Địa Trung Hải, nơi căng thẳng tiềm tàng có thể đưa mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ đến điểm phá vỡ”, Bloomberg dẫn lời chuyên gia Mehmet Seyfettin Erol, người đứng đầu viện nghiên cứu ANKASAM có trụ sở Ankara, cho biết.
Theo ông Erol, Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy mối đe dọa từ Mỹ và sự ủng hộ của Israel với Cộng hòa Síp ngày càng tăng.
Chuyên gia Igor Korotchenko, người đứng đầu Trung tâm phân tích thương mại vũ khí thế giới có trụ sở ở Moscow, cho rằng Nga không ra bất kỳ điều kiện nào về việc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ triển khai S-400 ở đâu.
Với việc Ankara cương quyết mua bằng được hệ thống do Nga chế tạo, việc triển khai S-400 ở Địa Trung Hải có thể báo động các quốc gia khác đang vận hành tiêm kích F-35 trong khu vực, trong đó có Anh và Israel, Bloomberg cho hay.
Các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thổ Nhĩ Kỳ cũng lo ngại rằng hệ thống của Nga sẽ ảnh hưởng tới tính tương tác của NATO và phơi bày những điểm yếu của F-35.
Theo hãng tin RT, người đứng đầu tập đoàn quốc phòng nhà nước Nga Rostec cho biết hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không tầm xa S-400 sẽ bắt đầu được chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng hai tháng tới.
“Chúng tôi sẽ bắt đầu chuyển giao hệ thống S-400 tới Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng hai tháng nữa”, Giám đốc điều hành Rostec Sergey Chemezov thông báo ngày 7-6 tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg.
Ông Chemezov nhấn mạnh thỏa thuận này đã đi vào giai đoạn cuối, và Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện tất cả các khoản thanh toán đúng hạn.
Ông Chemezov cũng cho hay Nga đã hoàn tất việc huấn luyện các chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ vận hành hệ thống S-400, một dấu hiệu cho thấy thỏa huận sắp hoàn tất, bất chấp phản đối gay gắt từ Mỹ.
Tiêm kích F-35B Lightning II cất cánh từ tàu tấn công đổ bộ USS Wasp. Ảnh: Business Insider
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã gửi một lá thư thông báo với Thổ Nhĩ Kỳ rằng trước ngày 31-7, Ankara phải chọn S-400 hoặc dự án phát triển tiêm kích F-35.
Cụ thể, Ông Shanahan cho rằng tất cả công tác huấn luyện cho phi công Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chấm dứt, và tất cả quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới chương trình F-35 phải rời khỏi Mỹ cuối tháng 7. Thư của ông Shanahan nói rõ sẽ không có chương trình đào tạo lái F-35 mới.
Trong thư, ông Shanahan cũng cảnh báo Ankara rằng thương vụ S-400 với Moscow có nguy cơ phá hủy quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với NATO, làm tổn thương nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ và tạo ra sự phụ thuộc nhiều hơn vào Nga.
Ngoài ra, Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách mua sắm, công nghệ và hậu cần của Mỹ Ellen Lord cho hay Thổ Nhĩ Kỳ phải hủy đơn đặt hàng hệ thống S-400 từ Nga, bằng không sẽ mất quyền mua 100 tiêm kích F-35 và quyền sản xuất thêm các linh kiện của F-35.