Gần 21 giờ 30 ngày 26-10, tàu cứu nạn SAR 412 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 - Đà Nẵng (Danang MRCC) mới cập cảng Đà Nẵng, đưa 13 ngư dân trên tàu BĐ 95393 TS vào bờ. Trên khuôn mặt hốc hác của những ngư dân vừa trở về từ “cửa tử” vẫn còn nét bàng hoàng, hoảng loạn. Hơn nửa ngày trôi dạt, lênh đênh trên biển trong điều kiện thời tiết xấu, sóng lớn kèm theo những đợt mưa giông khiến mọi người đều rệu rã.
Đang ngủ thì tàu bị đâm
Kể lại giây phút “tử thần” chực chờ giữa đại dương ngư dân Nguyễn Thành Được (Hoài Nhơn, Bình Định) chia sẻ, gần 30 năm đi biển nhưng chưa bao giờ gặp tai nạn kinh hoàng như thế. Cả con tàu cùng hàng chục tấn cá, ngư lưới cụ bị nhấn chìm xuống đáy biển chỉ trong tích tắc. “Sau một đêm giăng lưới, tàu thả neo để anh em chợp mắt, lấy sức cho đợt lưới đêm tiếp theo. Vừa thiu thiu ngủ thì tôi nghe một tiếng ầm như trời giáng. Cả con tàu chao đảo, đẩy bắn mấy anh em dồn về một góc. Tôi chỉ kịp la lên: “Tàu bị đâm rồi!”, sau đó bỏ chạy về phía đuôi, tìm cách thả thuyền thúng”. Anh Được kể tiếp, nhìn ra bên ngoài cabin thấy con tàu sắt to như quả núi di chuyển cắt mũi. Cú đâm mạnh vào mạn trái khiến tàu cá bị nứt toác thành hai phần, nghiêng hẳn về một phía.
Nghe tiếng tri hô, anh Dương Minh Hơn (thuyền viên) chưa kịp phản ứng thì đã bị đẩy văng ra sát mũi tàu. Một đợt sóng lớn bắn nước tràn vào cabin. “Nhiều anh em vẫn còn đang ngủ, chưa biết chuyện gì xảy ra nên tôi chạy khắp tàu thông báo. Lúc đó ai cũng hoảng hốt, chỉ kịp vùng dậy tháo chạy về phía chiếc thuyền thúng của anh Được”. Khi chiếc thuyền thúng vừa hạ xuống, mọi người khẩn trương vớt nhau lên. Còn con tàu chìm xuống rất nhanh khi nước tràn vào tất cả khoang. Đồ đạc trên tàu nổi lềnh bềnh.
Ngư dân Nguyễn Thành Châu kể lại: “Do nằm ở cabin (gần phía mũi) nên tôi là người đầu tiên phát hiện tàu cá của mình đang bị tàu hàng kéo lê đi mấy mét. Biết tàu sẽ chìm nên tôi tìm người đi chặt đứt sợi dây neo để thoát ra khỏi sức kéo của tàu hàng. Nếu không kịp thời chặt neo thì con tàu sẽ bị kéo chìm, không ai có thể thoát ra ngoài được”. Anh Châu cho hay tàu hàng đó có radar, hệ thống chống va đập… vì thế hoàn toàn có thể phát hiện được tàu cá của mình đang neo. “Nhưng không hiểu tại sao nó lại đâm thẳng luôn” - anh Châu kể với giọng bức xúc.
Bức xúc hơn, anh Hơn nói: “Chúng tôi liên tục ra hiệu và kêu cứu nhưng tàu hàng vẫn không dừng lại. Tài công (lái tàu) có chạy ra boong xem tình hình nhưng lại quay trở vào, không cứu nạn mà tăng tốc chạy luôn”.
Thuyền trưởng Lẩy và bọc nylon đựng giấy tờ con tàu còn sót lại sau vụ tai nạn. Ảnh: Tấn Tài
13 người trên một chiếc thuyền thúng
Sóng biển càng lúc càng lớn dần. Nước nhanh chóng ào vào mọi ngóc ngách của con tàu. Trong lúc nguy cấp, thuyền trưởng Võ Văn Lẩy chỉ còn biết chụp vội chiếc icom để đánh tín hiệu cầu cứu. Tín hiệu vừa phát đi thì nước cũng đã ngập vào tận cabin. Bỏ chiếc icom, anh Lẩy nhoài người bơi ra phía 12 ngư dân đang ngồi chen chúc trên chiếc thúng chai. Khi lên được thúng, mọi người mới điểm danh xem còn sót ai không. Tất cả đau xót nhìn con tàu bị sóng biển nhấn chìm trong đêm tối. Trong thời khắc sinh tử, chiếc thúng là cái neo duy nhất níu giữ sinh mệnh hơn chục con người.
Tuy nhiên, chiếc thúng quá nhỏ so với 13 con người trên ấy nên mọi người không dám cựa quậy, nhúc nhích vì sợ bị lật. “Lúc đó trời đổ mưa, sóng bắt đầu lớn dần lên cấp 5, cấp 6. Sau mỗi đợt sóng, nước biển tràn vào, mọi người lại thay nhau dùng ca tát nước ra. Lúc đó chỉ mong giữ được mạng sống để trở về chứ cũng không còn nghĩ đến cứu vớt tài sản nữa” - anh Lẩy cho biết.
Không có đồ ăn, chỉ kịp mang theo mấy chai nước cầm hơi, ai cũng nghĩ sẽ phải bỏ mạng giữa biển khơi nhưng không dám nói ra sợ anh em hoang mang. Anh Châu nói: “Tôi cùng một người nữa được phân công cầm chèo, cố gắng bơi đi tìm tàu để xin giúp đỡ. Chèo suốt từ trưa đến chiều tối mà vẫn không gặp được tàu nào. Mọi người gần như tuyệt vọng thì chúng tôi gặp tàu BĐ 96969 của ông Nguyễn Hiển Phức, người cùng quê. Lên được tàu ông Phức rồi tôi mới dám tin mình còn sống”.
Tàu SAR 412 đưa các ngư dân về trong đêm. Ảnh: Tấn Tài
Hơn 5 tỉ đồng chìm theo biển
Tàu vừa cập bờ, anh Lẩy vội lục lại đồ đạc để xem còn sót lại những gì. Trong một gói nylon nhỏ cỡ hơn gang tay chỉ có mấy loại giấy tờ phôtô liên quan đến con tàu. Tất cả khối tài sản cả đời tích góp trị giá hơn 5 tỉ đồng đã chìm xuống biển. Cứ nói tới con tàu cùng toàn bộ tài sản cả đời tích góp, dành dụm được bị đâm chìm xuống đáy biển sâu, khuôn mặt người thuyền trưởng càng trở nên khắc khổ, đau như đứt từng khúc ruột.
Đi biển từ năm 18 tuổi, từng ngang dọc chinh phục khắp vùng sóng nước Hoàng Sa - Trường Sa, anh Lẩy mới tự đóng cho mình một con tàu lớn để vươn khơi. Đầu năm 2014, anh chạy vay khắp nơi hơn 1 tỉ đồng để sửa sang, nâng công suất tàu lên 420 CV. Sau mấy bận trúng mùa cá, giữa tháng 10, anh đưa thuyền vào bán cá ở cảng Thọ Quang được hơn 350 triệu đồng. Dự định làm thêm một chuyến biển nữa rồi mới quay tàu về Hoài Nhơn (Bình Định) nhưng không ngờ lại gặp nạn. “Bao nhiêu tài sản giờ đã mất hết, tiền công cho thuyền viên cũng không còn. Sau chuyến này không biết tôi có còn đủ sức để ra khơi nữa hay không” - anh Lẩy đau xót nói.
Tức tốc lên đường cứu ngư dân Chiều 26-10, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (Danang MRCC) nhận được tin báo tàu cá mang số hiệu BĐ 95393 TS cùng 13 ngư dân trên tàu bị một tàu nước ngoài đâm tại tọa độ: 17o00 N - 108o40 E (cách vùng biển Đà Nẵng khoảng 60 hải lý về hướng đông bắc). Thấy điều kiện thời tiết tại vùng tàu bị nạn có giông và gió giật mạnh nên Danang MRCC đã điều động tàu SAR 412 khẩn trương ra khơi cứu nạn. Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, tàu SAR 412 tiếp cận tàu BĐ 95969 TS do ông Nguyễn Hiển Phức (cùng quê Bình Định) làm thuyền trưởng - con tàu đã cứu 13 ngư dân gặp nạn trên biển. Sau khi di chuyển các thuyền viên sang tàu cứu nạn SAR 412 đã khẩn trương tăng tốc về đất liền. Các thuyền viên trên tàu cá BĐ 95393 TS được chăm sóc đặc biệt để sớm hồi phục sức khỏe. Ngày 27-10, các thuyền viên đã làm việc với cơ quan chức năng (Bộ đội biên phòng Đà Nẵng) để lấy lời khai ban đầu nhằm làm rõ thủ phạm gây ra vụ đâm chìm tàu cá. Ông Phan Xuân Sơn, thuyền trưởng tàu cứu nạn SAR 412, cho biết khi tàu này đến nơi thì gặp một tàu hàng treo cờ Liberia đang quanh quẩn trong vùng. Qua điện đàm, tàu 412 phát tín hiệu để xác nhận xem có phải tàu hàng này là thủ phạm gây ra vụ tai nạn nhưng không nhận được tín hiệu trả lời. Hiện cơ quan chức năng đang truy tìm tung tích tàu hàng gây ra vụ tai nạn, đâm chìm tàu cá BĐ 95393 TS. Còn người thì còn làm lại được Khi nhận được tin tàu của chồng gặp nạn trên biển, chị Nguyễn Thị Thành, vợ thuyền trưởng Lẩy, lòng như lửa đốt. Nghe tin chồng cùng anh em thuyền viên đã được cứu sống đưa vào bờ, sáng 27-10, chị cùng cha chồng là Võ Thường (một ngư dân đã nhiều năm bám biển) vội bắt xe tốc hành ra Đà Nẵng để gặp anh. “Khi nghe tin dữ của chồng, ai cũng bàng hoàng lo lắng. Hơn 10 năm nên nghĩa vợ chồng nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng chồng mình sẽ lâm vào tình cảnh hiểm nghèo như thế! Vợ con của mấy bạn thuyền tìm đến nhà tôi hỏi tin tức khiến lòng dạ tôi càng thêm rối bời” - chị Thành tâm sự. Phút gặp nhau trên bến cảng vừa mừng vừa tủi. Chị chạy đến ôm chầm lấy chồng, hai người vỡ òa trong hạnh phúc. Cầm điện thoại gọi cho tất cả vợ con các thuyền viên trên tàu, chị Thành cười nói: “Tuy mất hết tài sản nhưng anh ấy cùng bạn thuyền trở về an toàn là tôi mừng rồi. Tàu thuyền, lưới chài… mất đi rồi cũng sẽ sắm lại được, gia đình tôi lại giong thuyền ra khơi”. |