Các lồng bè này nằm trên đoạn sông Cái Vừng thuộc xã Phú Thuận A và xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự.
Theo thống kê, hồi đầu tháng 2, tổng cộng 37 hộ nuôi cá bị thiệt hại với 106 lồng bè (nuôi cá he, rô phi, điêu hồng, lăng nha, chép giòn… ). Ước tính số lượng cá chết là 394,95 tấn, gây thiệt hại khoảng 13,7 tỉ đồng.
Cá nuôi trong bè bị chết. Ảnh: THANH BÌNH
Cá chết hàng loạt. Ảnh: THANH BÌNH
Sau hơn hai tháng tiến hành lấy mẫu để kiểm tra, khảo sát thực tế, ngành chức năng của Đồng Tháp xác định tại thời điểm cá chết, chất lượng nước tại khu vực các lồng bè bị ô nhiễm cao, dẫn đến trong nước thiếu ôxy (chỉ thị là chỉ tiêu DO thấp) làm cá chết.
Ngoài ra, cá chết không được vớt và xử lý kịp thời dẫn đến chất hữu cơ tiếp tục phân hủy, làm nước càng bị ô nhiễm, dẫn đến tình trạng cá chết hàng loạt và lây lan ra khu vực xung quanh, từ bè này sang bè khác.
Theo đánh giá của Sở TN&MT tỉnh Đồng Tháp, hiện chưa có đầy đủ chứng cứ và chưa có cơ sở khoa học để xác định Công ty CP T.C và các cơ sở sản xuất phía bờ góp phần xả thải, gây ô nhiễm nguồn nước làm cá chết trên sông Cái Vừng thời gian qua.
Đoạn sông Cái Vừng tập trung hàng loạt lồng bè nuôi cá. Ảnh: THANH BÌNH
Phía Sở TN&MT cũng kiến nghị UBND tỉnh Đồng Tháp giao cho Sở NN&PTNT tổ chức đánh giá lại điều kiện đối với vùng nuôi này, tham mưu cho UBND tỉnh có duy trì hay không hoặc việc duy trì nuôi phải có điều kiện hoặc nuôi theo mùa vụ, đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường.
Đồng thời, Sở NN&PTNT rà soát hết các vùng nuôi tự phát trên địa bàn toàn tỉnh để khuyến cáo và xử lý kịp thời các biến cố tương tự. Ngoài ra, UBND tỉnh cần có chính sách hỗ trợ thiệt hại cho người nuôi để ổn định đời sống.