TP.HCM: Đối tượng nào được hỗ trợ theo nghị quyết thì phải chi trả

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 23-9, Đoàn đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) TP.HCM đã có buổi giám sát việc thực hiện các nghị quyết 42, 154, 68 của Chính phủ và Nghị quyết 09 của HĐND TP.HCM về chính sách hỗ trợ các đối tượng khó khăn do tác động từ dịch COVID-19.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết
cho biết đoàn sẽ kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ về phòng chống dịch,
hỗ trợ người dân và phục hồi kinh tế. Ảnh: LÊ THOA

Để không còn việc “đi khảo sát mà cho dân ký nhận”

Tại buổi giám sát, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM, đề nghị các cơ quan, đơn vị nên rút kinh nghiệm về việc chi trả tiền hỗ trợ đợt 1 bởi khi đi vào thực tế thì chi phát sinh khá lớn. Chưa kể, cần phải thống nhất biểu mẫu, thống kê, ký nhận.

“Do không có hướng dẫn chi tiết nên một vài địa phương làm chưa đúng quy định, dẫn đến dư luận không tốt” - ông Bình nói và cho biết có trường hợp đi khảo sát mà cho dân ký nhận, có trường hợp cho dân nhận nhu yếu phẩm nhưng lại ký nhận tiền.

Ông Bình cũng đề nghị Sở Tài chính có tham mưu, đảm bảo kinh phí cho các quận, huyện tiếp tục thực hiện công tác phòng chống dịch vì các địa phương đang rất khó khăn.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết Thường trực HĐND TP vừa ban hành Nghị quyết 97 về chính sách hỗ trợ đợt 3 cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trên địa bàn TP với năm nhóm đối tượng cụ thể.

Theo bà Lệ, đối với các đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 09 trước đó, nếu chưa chi hết thì Sở LĐ-TB&XH phải tham mưu, rà soát để chi trả. “Mình chưa chi cho người dân thì phải chi” - bà Lệ khẳng định và cho biết HĐND TP sẽ tiếp tục giám sát việc thực hiện Nghị quyết 09 và cả Nghị quyết 68 của Chính phủ. Vì các đối tượng được quy định bởi các nghị quyết thì phải thực hiện.

Đối với gói hỗ trợ đợt 2 phát sinh với 10 đối tượng và được chi theo hộ thì sở cũng tiếp tục nghiên cứu để tham mưu nếu còn đối tượng chưa chi.

Bà Lệ cũng nhấn mạnh việc hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu, trong đó phải rà soát kỹ chính sách hỗ trợ cho lực lượng y tế ở phường, xã, thị trấn vì là người trực diện với F0 hằng ngày nhưng bảo hộ y tế, trang thiết bị, bồi dưỡng không bằng.

Chủ tịch HĐND TP cũng đề nghị Sở KH&ĐT TP đánh giá, dự báo về tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM trong thời gian tới để có kế hoạch, chiến lược phục hồi phù hợp. Cụ thể, khi người dân đã không còn tiền, sức mua giảm thì cần mở cửa những lĩnh vực nào; hay dự báo tình hình phá sản của các doanh nghiệp để tham mưu phục hồi, kêu gọi đầu tư; việc đầu tư công…

“Nhiều doanh nghiệp lo là dịch có thể bùng phát lại bất cứ lúc nào, vậy thì kịch bản ra sao?” - bà Lệ đặt vấn đề.

Bà Lệ cũng đề nghị Sở Tài chính cần xác định rõ nguồn chi đối với các gói hỗ trợ, tránh như đợt 1 là dự kiến có 300.000 người dân khó khăn với tổng số tiền chi là 886 tỉ đồng nhưng sau đó vượt hơn 1.000 tỉ đồng.

Đoàn ĐBQH TP.HCM sẽ có kiến nghị trung ương

ĐB Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng Đoàn ĐBQH TP nên có văn bản, đại diện cho tiếng nói của cử tri TP, phản ánh kịp thời bức xúc, khó khăn của TP đến QH, Chính phủ.

Theo ĐB Ngân, vừa qua lãnh đạo TP có nhiều kiến nghị với trung ương nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.

Trong kỳ họp sắp tới của QH, TP sẽ tập trung chất vấn những vấn đề nhạy cảm về y tế, tài chính với Chính phủ. “Một địa phương đóng góp rất nhiều cho ngân sách quốc gia nhưng khi cần có sự hỗ trợ tài chính thì TP kiến nghị đợt đầu 28.000 tỉ đồng nhưng xem xét tới lui thì đâu được 2.000 tỉ đồng nhưng hình như mới để trên bàn thôi” - ĐB Ngân nói và cho biết vấn đề tài chính là khó khăn lớn của TP trong thời điểm này.

ĐBQH Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, cũng chia sẻ khó khăn trong việc tiếp nhận các viện trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài. Cụ thể, dù Chính phủ đã có văn bản đồng ý cho nhập thiết bị y tế qua đã sử dụng về Việt Nam nhưng Bộ Y tế không có hướng dẫn, trả lời nên dẫn đến kết quả đau lòng là hàng về tới Việt Nam rồi phải tái xuất trở lại.

Kết luận tại buổi giám sát, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM, khẳng định Đoàn ĐBQH TP sẽ có văn bản kiến nghị với QH, Chính phủ về các vấn đề liên quan đến phòng chống dịch, hỗ trợ người dân và phục hồi kinh tế.

Đồng thời, Đoàn ĐBQH TP cũng sẽ có báo cáo riêng về việc triển khai các nghị quyết trong việc hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch COVID-19 gửi các cơ quan trung ương.

ĐB Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết liên quan hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch, cần sự hướng dẫn kịp thời của các sở, ngành. Không những vậy, việc triển khai còn phải nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định. Công tác phòng chống dịch, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, mở cửa trở lại đều phải thực hiện một cách thông suốt từ cấp TP tới quận, huyện, TP Thủ Đức và các xã, phường, thị trấn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm