TP.HCM phải bật lên thật mạnh bằng công nghệ số

Chiều 14-12, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị gặp gỡ người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp ý kiến cho sự phát triển bền vững của TP.HCM với chủ đề “TP.HCM trở lại bình thường mới hậu COVID-19: Vấn đề và kiến nghị”.

TP.HCM không đột phá thì cả nước không thể đột phá

Tại hội nghị, GS-TS Vũ Minh Khương (kiều bào Singapore, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2016-2021) khẳng định sau đại dịch COVID-19, TP.HCM cần có sự đột phá, góp phần giúp đưa đất nước làm nên những bước tiến vượt bậc về tăng trưởng và phát triển bền vững trong các năm tới. “TP.HCM không đột phá thì Việt Nam không thể đột phá” - GS Khương nói.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTBC

Thưởng lương, đưa đón người lao động về quê ăn tết

TP.HCM nên có giải pháp để giúp người dân an tâm, có một cái tết hạnh phúc và ấm no. Chẳng hạn tổ chức các chuyến xe buýt đưa người lao động ngoại tỉnh về quê ăn tết và đón họ trở lại TP làm việc sau tết; khuyến khích các doanh nghiệp thưởng cho tất cả nhân công lao động ít nhất một tháng lương thứ 13 để bù vào sự mất mát của họ trong đại dịch COVID-19 vừa qua.

GS HÀ TÔN VINH, kiều bào Mỹ 

Theo GS Khương, để đột phá, TP.HCM cần nâng tầm quản trị với chiến lược phát triển bền vững trong thời đại số; đồng thời hình thành và thúc đẩy khu kinh tế cộng hưởng HCMC+6 (tức TP.HCM cùng sáu tỉnh phụ cận), xúc tiến các thử nghiệm để xây dựng TP Thủ Đức thành đô thị Việt Nam vào năm 2045.

Theo hướng này, TP.HCM có thể xin phép trung ương để xúc tiến bàn với sáu tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang và Tây Ninh, từ đó hình thành nên một khu kinh tế cộng hưởng, tạm gọi là vùng HCMC+6. Vùng kinh tế này với khoảng 20 triệu dân và diện tích 23.000 km2, sẽ tạo ra trên 35% GDP của cả nước (100 tỉ USD năm 2019), tạo nên sức mạnh đặc biệt lớn cho sự phát triển của Việt Nam trong các năm tới.

Về con người, GS Khương nhìn nhận TP.HCM muốn đi xa thì không chỉ tập trung vào nguồn lực mà phải nhìn thấy đâu là thách thức cốt tử. GS Khương chia sẻ rất đau lòng khi có nhiều cán bộ giỏi nhưng phải ngồi tù. “Do đó, cần có cơ chế để xông lên hàng đầu, đây là sứ mệnh nặng nề mà TP.HCM phải làm được, chứ không phải vừa làm vừa nghĩ, vừa sợ” - GS Khương nói và đề nghị TP.HCM cần có cơ chế để cán bộ xông lên phía trước.

Bán rau nhưng vẫn thanh toán bằng thẻ

Ông Danny Võ Thành Đăng (kiều bào Singapore) nhìn nhận TP.HCM có các lợi thế để trở thành một siêu đô thị. Do đó, cần phát triển thương hiệu riêng của TP.HCM để thu thêm nhiều vốn đầu tư nước ngoài, từng bước nâng tầm vị thế TP.

Theo đó, để xây dựng thương hiệu thì TP.HCM cần chiến lược, hình ảnh và văn hóa. “TP cần chiến lược lâu dài, 10-20 năm, dù lãnh đạo nhiệm kỳ này hay nhiệm kỳ khác thì chiến lược đó được phát triển đồng nhất” - ông Đăng nói và cho rằng TP cần xây dựng “3T” để tạo thương hiệu TP. Đó là tử tế, tích cực và thân thiện.

Đại sứ Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ kiêm Nepal và Bhutan, lại cho rằng TP phải đi thật mạnh, quyết liệt với công nghệ số. Ông dẫn chứng bà bán rau, hoa quả trước nhà ở Ấn Độ cũng giống như Việt Nam, dù đi xe đạp, dùng cân thủ công bình thường nhưng khi thanh toán thì sẽ “quẹt bằng thẻ”. “Điều này TP.HCM hoàn toàn có thể làm được” - Đại sứ Châu nói.

Ông Châu cũng đề nghị TP.HCM nên thúc đẩy công nghệ sinh học tầm cỡ quốc gia, xây dựng trung tâm công nghệ bán dẫn... Đáng chú ý, ông kiến nghị TP nên tiếp cận các kiều bào Ấn Độ để kết nối với các tỉ phú tại Ấn Độ giúp TP.HCM phát triển.

TP.HCM quyết tâm biến đau thương thành hành động

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhìn nhận dịch bệnh đã gây thiệt hại nặng nề về mọi mặt kinh tế - xã hội của TP.HCM. Do đó, ngay sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, TP.HCM đã nhanh chóng xây dựng chiến lược phục hồi kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Theo ông Hoan, TP đặt quyết tâm biến nguy thành cơ, biến đau thương thành hành động và gắn chiến lược phát triển kinh tế với chiến lược y tế và an sinh xã hội. Trong đó, TP.HCM đã chia hai giai đoạn phục hồi kinh tế là trong năm 2022 và từ năm 2023 đến 2025.

“Chúng tôi cố gắng tối đa trong năm 2022 phải hồi phục kinh tế. Chúng ta phải tạo ra sự phát triển tương đương với giai đoạn trước khi có dịch” - ông Hoan khẳng định và cho biết giai đoạn 2023-2025, TP tiếp tục phát triển nhanh để bù lại những khoảng sụt giảm do dịch.

Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cũng cho hay lực lượng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh với 5,3 triệu người tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đáng chú ý, TP rất vui mừng khi lượng kiều hối chuyển về TP năm 2021 ước tính đạt 6,6 tỉ USD. Dù khó khăn nhưng vẫn tăng trưởng 9% so với năm trước. “TP xem đây là cơ hội và nguồn lực then chốt để giúp TP phục hồi nhanh và phát triển” - ông Hoan nói và mong muốn các kiều bào tiếp tục góp ý nhiều hơn nữa cho TP.HCM. TP cam kết tiếp tục đồng hành cùng bà con và doanh nghiệp Việt kiều trong quá trình phát triển. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm