Ngoại trưởng Nga, những nỗ lực của phương Tây khi loại trừ Nga ra khỏi việc định hình các vấn đề của châu Âu và toàn cầu đã dẫn đến vô số bi kịch lịch sử suốt nhiều thế kỷ. Theo ông, sự ổn định lâu dài chỉ có thể đạt được thông qua hợp tác.
Trong một bài viết đăng trên tạp chí “Nga với những vấn đề toàn cầu”, Ngoại trưởng Sergey Lavrov đã vạch ra những vấn đề quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nga suốt 1.000 năm qua và cho rằng những chính sách của Nga luôn dựa trên việc duy trì sự cân bằng mong manh của nền hòa bình và an ninh quan hệ quốc tế. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm cô lập Nga với tư cách là một cường quốc thế giới đều dẫn đến những thất bại lịch sử và vô vàn chết chóc.
“Trong ít nhất hai thế kỷ qua, bất kỳ nỗ lực thống nhất châu Âu nào mà không có Nga và chống lại Nga đều không tránh khỏi dẫn đến những bi kịch nghiệt ngã” - ông Lavrov viết.
Là quốc gia rộng lớn nhất trên Trái đất với một “ma trận văn hóa” độc nhất, Nga luôn luôn đi theo lợi ích quốc gia của mình, ông Lavrov nói. Tuy nhiên, Nga cũng đồng thời đóng vai trò như một cầu nối giữ phương Đông và phương Tây. Người Nga luôn chào đón và tôn trọng nhiều nền văn hóa và tôn giáo trên thế giới.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. (Ảnh: RT)
Mặc dù tiếp thu những tư tưởng của phương Tây và áp dụng chúng để hiện đại hóa nước Nga, Moscow chưa bao giờ cho phép mình bị văn hóa phương Tây xâm chiếm. Đồng thời, Moscow cũng luôn có chủ trương làm việc với phương Tây để đạt được những mục tiêu chung.
Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh vai trò xây dựng của Nga trong các vấn đề châu Âu, đặc biệt là trong cuộc Chiến tranh Napoleon, hay hai cuộc thế chiến. Sự ảnh hưởng của Liên Xô trong việc định hình các giá trị phương Tây hiện đại cũng không được xem thường, Ngoại trưởng lập luận. Ông đã nêu bật vai trò của Liên Xô trong giải phóng thuộc địa và hình thành hệ thống kinh tế - xã hội châu Âu.
Thế giới hậu Xô Viết, theo ông Lavrov, đã mang đến cho các nước châu Âu và Moscow cơ hội hợp tác và làm việc với nhau, hướng tới một cơ chế an ninh sâu rộng và vững chắc hơn ở châu Âu, một cơ chế cho phép duy trì nền hòa bình trên lục địa rộng lớn hơn.
“Một cách logic, chúng ta nên tạo ra một nền tảng mới cho an ninh châu Âu bằng cách tăng cường các bộ phận quân sự và chính trị của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE)” - Ngoại trưởng Lavrov viết.
Tuy nhiên, thay vì đoàn kết, một số nước châu Âu lại chọn liên minh với NATO và Washington, và một lần nữa lao vào ma trận hàng trăm năm là cố gắng cô lập Nga và mở rộng biên giới phía đông của liên minh quân sự, đồng thời theo đuổi một chương trình nghị sự toàn cầu về thay đổi chế độ và cuộc cách mạng “màu”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong một cuộc họp về vấn đề Syria và Ukraine tại điện Kremlin hồi tháng 12-2015. (Ảnh: Sputnik)
Thay vì đóng góp cho hòa bình, NATO và các quốc gia thành viên, Lavrov nói, tiếp tục tham gia vào các chính sách phá hoại, đe dọa ổn định quốc tế và dẫn đến sự sụp đổ của một số quốc gia, khởi đầu là vụ đánh bom Nam Tư, đến các cuộc xâm lược Iraq và Libya.
Với lập luận rằng hệ thống tự do toàn cầu hóa đã bị thất bại, Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh thế giới đang đứng giữa ngã ba đường, nơi sẽ có một hệ thống quan hệ quốc tế mới được hình thành. Tại mối nối lịch sử quan trọng đó, ông Lavrov cho rằng sẽ là sai lầm nếu buộc tội “chủ nghĩa xét lại” của Nga chỉ vì Moscow từ chối cúi đầu hoặc nhắm mắt làm lơ đối với những chính sách của NATO.
“Một giải pháp đáng tin cậy để giải quyết các vấn đề của thế giới hiện đại chỉ có thể đạt được thông qua sự hợp tác nghiêm túc và chân thành giữa các quốc gia hàng đầu và tổ chức của họ để giải quyết những thách thức chung” - ông Lavrov viết trên tạp chí.
Vấn đề cấp bách nhất trong thế giới hiện đại là mối đe dọa khủng bố. Những đe dọa này chỉ có thể bị đánh bài bởi một mặt trận thống nhất, ông nói thêm.
Ngoại trưởng cũng nhấn mạnh rằng Nga không có bất kì “đối đầu” nào với Mỹ hay EU. Ngược lại, Moscow luôn chào đón những cơ hội “hợp tác sâu rộng nhất với các đối tác phương Tây.”
Nga tiếp tục ủng hộ quan điểm rằng cách tốt nhất để đảm bảo lợi ích của người châu Âu là “tạo một không gian kinh tế và nhân đạo chung trải dài từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương, do đó Liên minh Kinh tế Á-Âu mới được thành lập có thể là một cầu nối nối châu Âu và châu Á Thái Bình Dương.”