Thu giữ nhiều nguyên liệu trà sữa không đảm bảo
Thông tin từ Tổng cục Quản lí thị trường (QLTT) cho biết, chiều 24-6, đội QLTT số 17 (Hà Nội) phối hợp cùng tổ công tác 368 kiểm tra một cơ sở kinh doanh và 3 kho cất giấu hàng hoá thuộc Công ty TNHH Mr. Drink Việt Nam.
Tại thời điểm kiểm tra, hàng hóa được đóng trong các thùng carton và bao tải dứa màu xanh. Nhiều thùng hàng đã bị bật tung, ẩm mốc, vương vãi dưới nền nhà. Đáng chú ý, dưới nền các kho hàng là ngổn ngang rác và các tệp giấy in nhãn phụ.
Đội QLTT số 17 thu giữ nhiều sản phẩm làm trà sữa ẩm mốc, không đảm bảo. Ảnh: Tổng cục QLTT
Hàng hoá tại cơ sở chủ yếu là nguyên liệu chế biến đồ uống, đặc biệt là nguyên liệu chế biến trà sữa như chân trâu, siro hương vị đường đen và đường nâu, bột pha trà sữa mang thương hiệu Royal tea, Gongcha... cùng hàng trăm ngàn nhãn phụ hàng hoá. Đây đều là những sản phẩm được giới trẻ ưu chuộng.
Thông tin ban đầu, Đoàn kiểm tra cho biết hàng hoá tại đây có dấu hiệu kinh doanh hàng hoá nhập lậu và gian lận thương mại. Theo ông Nguyễn Ngọc Hà, Đội trưởng Đội QLTT số 17, hàng hoá tại cơ sở này chủ yếu được tiêu thụ thông qua nền tảng thương mại điện tử, giao hàng tận nơi. Chủ cơ sở này rất nhiều lần né tránh kiểm tra của lực lượng chức năng.
"Chủ cơ sở này rất tinh vi trong sai phạm, để lẫn hàng hoá có giấy tờ và không giấy tờ với nhau, gây khó khăn trong công tác kiểm đếm, kiểm soát"- ông Hà thông tin.
Hiện, đội QLTT số 17 đang tiếp tục phân loại sản phẩm, kiểm đếm hàng hóa, đối chiếu với các hóa đơn chứng từ xuất trình để làm rõ các vi phạm. Ước tính, số lượng hàng hóa vi phạm lên đến hàng tấn sản phẩm.
Uống trà sữa không rõ nguồn gốc: Nguy hiểm
Chia sẻ với PLO, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết trà sữa vốn dĩ không mang lại lợi ích về sức khỏe cho người dùng, và càng nguy hại hơn nếu không được chế biến từ nguyên liệu đảm bảo.
"Vấn đề quan trọng nhất để quyết định chất lượng của trà sữa là ở chỗ nguồn gốc nguyên liệu có đảm bảo hay không, có xuất xứ rõ ràng hay không, cách pha chế trà sữa có đúng cách hay chưa"-PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định.
Với trường hợp trên, theo ông Thịnh việc sử dụng các nguyên liệu có dấu hiệu ẩm mốc, hư hỏng hoặc không rõ nguồn gốc, rất gây ra nguy cơ ngộ độc thực phẩm cho người dùng.
"Bất cứ thực phẩm nào cũng cần được kiểm soát về hương liệu, chất phụ gia. Các chất này nếu có trong danh mục các chất được sử dụng, thì cũng cần đảm bảo về hàm lượng trong ngưỡng cho phép cũng như khuyến cáo về liều lượng sử dụng. Nếu sử dụng hương liệu và phẩm màu thực phẩm không được phép dùng trong thực phẩm hay vượt quá ngưỡng cho phép có thể gây ngộ độc thự phẩm"-PGS Thịnh bày tỏ.
Cũng theo vị chuyên gia này, hiện nay rất nhiều bạn trẻ đang tiêu thụ một lượng lớn trà sữa mỗi ngày. Trong khi đó, lượng đường trong trà sữa lại khá cao, nếu lấy một mức quy chuẩn của một ly trà sữa là 250 ml thì ước chừng cũng có 30 g đường/ly, cao hơn so với lượng đường được khuyến nghị.
"Nhưng phải nhớ rằng đường trong trà sữa không chỉ là nước đường, mà còn ở các thành phần như sữa béo, trà hay trân châu, các loai gia vị thêm vào. Do đó uống càng nhiều trà sữa thì lượng đương nạp vào cơ thể càng tăng, dễ gây ra tình trạng thừa cân, thừa canxi có thể dẫn đến sỏi thận…"-ông Thịnh nói.