Thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải: Cần thiết!

(PLO)- Theo tính toán của Bộ Tài chính, khoản thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải mới nếu được thực hiện sẽ giúp tăng thu ngân sách 1.200 tỉ đồng/năm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với khí thải. Trong đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định xây dựng mức phí bao gồm hai phần gồm phí cố định thu đối với mọi cơ sở xả khí thải và phí biến đổi thu bổ sung đối với những cơ sở phải quan trắc khí thải.

Thu phí là hợp lý

GS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM), đánh giá việc thu phí BVMT đối với khí thải là hợp lý. Tuy nhiên, cần tính toán lại việc thu sao cho phù hợp và hiệu quả. Cụ thể, theo GS Hải, phí BVMT đối với khí thải phải nộp trong kỳ nộp phí được tính theo công thức F = f (phí cố định) + C (phí biến đổi).

Trong đó, phí cố định quy định là 3 triệu/năm, nếu thu phần này có thể sẽ gây phản ứng cho một số cơ sở nhỏ bởi lượng khí thải xả ra của cơ sở lớn và nhỏ khác nhau. Ngoài ra, Nghị định quy định phí biến đổi của cơ sở xả khí thải là tổng số phí được xác định tại thời điểm xả khí thải là đúng nhưng chưa đủ.

“Thực tế có rất nhiều chất gây ô nhiễm khác rất nguy hiểm như hơi kim loại nặng, hơi của dung môi, hơi của acid... (về diện) những loại này đều gây ra ô nhiễm nhưng lại không được tính toán. Do đó, điểm hạn chế của nghị định này là chỉ thu được phí phát thải khí thải cho một điểm mà không thu được cho phần phát thải về diện” - GS Hải phân tích.

Ngoài ra, GS Hải đánh giá nghị định này khi thực hiện sẽ thuận lợi cho việc quan trắc môi trường tự động. Tuy nhiên, những cơ sở thực hiện quan trắc tự động liên tục thực tế là còn rất ít. Với việc quan trắc môi trường định kỳ, nghị định này sẽ khó áp dụng do khí thải chỉ xả vào một thời điểm nhất định chứ không xả liên tục. Vì vậy, việc quan trắc sẽ không chính xác, gây khó khăn cho người thu, đồng thời sẽ có sự phản ứng vì việc xác định không chính xác.

Việc thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải mới nếu được thực hiện sẽ giúp tăng thu ngân sách 1.200 tỉ đồng/năm. Ảnh minh họa: TTXVN

Việc thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải mới nếu được thực hiện sẽ giúp tăng thu ngân sách 1.200 tỉ đồng/năm. Ảnh minh họa: TTXVN

Cần tính toán lại thời điểm thu phí

Ông Võ Đình Long, Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM), cũng cho rằng việc thu phí khí thải là cần thiết, điều này có thể giúp nâng cao hơn ý thức BVMT của tổ chức, cá nhân xả thải, đồng thời cũng giúp bổ sung thêm nguồn ngân sách để phục cho công tác BVMT.

Tuy nhiên, theo ông Long, nghị định cần nghiên cứu và điều chỉnh thêm một số vấn đề để hoàn thiện hơn. Cụ thể, liên quan đối tượng thu phí, cần bổ sung thêm đối tượng chịu phí BVMT là bụi, khí thải ra môi trường của các dự án, cơ sở khai thác đá (có nổ mìn). Đây là nguồn diện, không xác định được thiết bị nhưng là nguồn thải bụi lớn nên cần thiết phải đưa vào.

Liên quan đến tổ chức thu phí, ông Long cho rằng ngoài Sở TN&MT, Phòng TN&MT ra, có thể cân nhắc bổ sung thêm Ban quản lý các khu công nghiệp và ban quản lý các khu kinh tế vì đây là những đơn vị có quản lý nhà nước về BVMT.

“Một vấn đề mà trong nghị định cần quan tâm nữa là mức phí đối với các chất gây ô nhiễm môi trường có trong khí thải được quy định tại Điều 6 của dự thảo nghị định quá thấp so với mức độ tác hại của các khí thải này. Cần tham khảo thêm mức thu của các nước lân cận để có cơ sở tăng thêm cho phù hợp” - ông Long nói.

Với vai trò là doanh nghiệp, ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép Pomina, cho rằng dù có thu phí gì thì thời điểm này đều không hợp lý, vì kinh tế đang khó khăn, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) đang chật vật, chưa kịp hồi phục thì kinh tế toàn cầu đi xuống.

“Thời điểm áp dụng thu phí khí thải cần xem xét lại, nên thu khi kinh tế khởi sắc, DN phục hồi. Phí khí thải được Chính phủ đưa ra thì DN chấp hành, mức phí hợp lý thì DN đóng bình thường nhưng thêm khoản phí nào lúc này cũng gây áp lực đến chi phí sản xuất. Thậm chí các DN phải đầu tư thêm thiết bị để giảm phát khí thải và đây sẽ là chi phí rất lớn, tạo thêm gánh nặng ở thời điểm hiện nay sẽ khiến hàng hóa khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế” - ông Thái nói.

Theo ông Thái, hiện nay các nhà máy gang thép đều phải đạt các tiêu chuẩn về môi trường, khí thải. Thậm chí, DN phải tiếp nhiều đoàn thanh tra môi trường kiểm tra định kỳ. BVMT luôn là ưu tiên của DN nhưng các khoản thu thuế, phí BVMT cũng phải thông tin rõ ràng hơn, hiệu quả sử dụng các khoản thu trên góp phần vào BVMT ra sao, cần phải được công khai, minh bạch cho người dân và DN biết.•

Thu phí cố định 3 triệu đồng/tháng với cơ sở xả khí thải

Theo Bộ Tài chính, đây là khoản thu mới, đối tượng nộp phí là các cơ sở xả khí thải, trong đó có các DN sản xuất gang thép, luyện kim, sản xuất hóa chất vô cơ; thuốc bảo vệ thực vật hóa học; phân bón vô cơ; lọc, hóa dầu; nhiệt điện; sản xuất xi măng...

Nghị định quy định xây dựng mức phí gồm hai phần, bao gồm phí cố định sẽ thu đối với mọi cơ sở xả khí thải, để bảo đảm chi phí xử lý các chất nằm ngoài bốn chất (bụi tổng, NOx, SOx, CO) và phí biến đổi thu bổ sung đối với các cơ sở phải quan trắc khí thải đối với bốn chất (bụi tổng, NOx, SOx, CO).

Mức phí cố định sẽ là 3 triệu đồng/năm, được quy định theo năm hoặc cũng có thể nộp theo quý. Đối với phí biến đổi, trên cơ sở đề xuất của Bộ TN&MT, Bộ Tài chính đề xuất khoảng 500-800 đồng/tấn khí thải.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm