Thu phí không dừng: Chỉ xử phạt những hành vi cố tình vi phạm

(PLO)- Sau ngày 1-8, các phương tiện chưa dán thẻ vẫn cố tình lưu thông qua cao tốc có thể sẽ bị xử lý theo quy định.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 29-7, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức toạ đàm “Thu phí không dừng- Quyền lợi và trách nhiệm”. Buổi toạ đàm diễn ra ngay trước thời điểm dịch vụ thu phí tự động không dừng chính thức triển khai rộng rãi trên toàn quốc từ 1-8.

Hỗ trợ dán thẻ 24/24h vào tất cả các ngày trong tuần

Tại tọa đàm, các khách mời nhận được câu hỏi: Hiệntrên cao tốc không còn làn thu phí thủ công, nếu lái xe chưa dán thẻ đi vào cao tốc thì có được hỗ trợ dán thẻ, nạp tiền tiếp tục lưu thông hay buộc phải quay xe đi sang quốc lộ?

Ông Phạm Hồng Quang, Tổng Giám đốc Tổng Cty đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), cho biết VEC vẫn đang phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ đang tổ chức cung cấp dịch vụ dán thẻ tích hợp tài khoản tại tất cả các lối dẫn vào đường cao tốc.

Như vậy, các phương tiện tham gia giao thông, trước khi vào đường cao tốc đều được hỗ trợ ngay trong giai đoạn này cũng như giai đoạn khai thác sau ngày 1-8. Lực lượng này được duy trì 24/24h và 7/7 ngày.

Tuy nhiên, sau ngày 1-8, các phương tiện chưa dán thẻ vẫn cố tình lưu thông qua cao tốc có thể sẽ bị xử lý theo quy định.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức. Ảnh: NHẬT BẮC

Thiếu tướng Lê Xuân Đức. Ảnh: NHẬT BẮC

Trả lời thêm sau đó, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an), cho biết lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng CAND nói chung, trong đó có lực lượng CSGT là lấy người dân làm trung tâm.

“Đối với việc xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm ở trạm thu phí, chúng tôi đặt công tác tuyên truyền lên trên hết”- ông Đức khẳng định lực lượng CSGT “chỉ xử phạt những hành vi cố tình vi phạm”.

Theo quy định tại Nghị định 100/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 123, có 3 loại hành vi.

Hành vi thứ nhất, không dán thẻ đầu cuối khi đi vào trạm thu phí không dừng. Thứ hai, số tiền trên tài khoản người dân không đủ để thanh toán. Thứ ba, điều khiển phương tiện đi vào trạm thu phí không dừng.

“Chúng tôi cũng phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ để làm sao thuận lợi nhất cho người dân”- ông Đức nói thêm.

Theo đó, lực lượng CSGT tập trung xử phạt vi phạm hành chính qua thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ là hình ảnh, qua đó trích xuất để xử phạt qua thông báo vi phạm để nâng cao ý thức chấp hành của người dân.

Vì sao không tích hợp tài khoản giao thông vào tài khoản ngân hàng

Ngoài ra, các khách mời nhận được câu hỏi của một số lái xe: Vì sao không tích hợp tài khoản giao thông vào tài khoản ngân hàng thay vì việc phải nạp tiền ra một tài khoản giao thông riêng biệt như hiện nay.

Ông Bùi Trình (bên trái) và ông Hồ Trọng Vinh (bên phải). Ảnh: NHẬT BẮC

Ông Bùi Trình (bên trái) và ông Hồ Trọng Vinh (bên phải). Ảnh: NHẬT BẮC

Trả lời, ông Bùi Trình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) cho hay có hai lý do không thể tích hợp thẻ giao thông vào thẻ ngân hàng.

Thứ nhất, tốc độ xe qua trạm phải đạt được tối thiểu 3 km/h và khi xe qua trạm như vậy thì nhận diện của trạm sẽ gửi lên trên hệ thống tính cước. Nếu hệ thống e-banking của các ngân hàng không đủ tốc độ xử lý sẽ dẫn đến việc là barrie đóng mở không đúng thời điểm gây ra sự cố cho các phương tiện.

Thứ hai, bản chất tài khoản giao thông chỉ là tài khoản giao thông, không phải là ví điện tử. Do vậy, chủ phương tiện phải nạp tiền vào thẻ.

“Đối với Viettel, chúng tôi đã có ví điện tử Viettel Pay, Viettel Money. Chủ phương tiện hoàn toàn có thể kết nối, liên kết trực tiếp sang Viettel Money để lưu thông qua trạm. Khi không đi đường, số tiền dư trong tài khoản có thể dùng vào các việc khác”- ông Trình nói.

Trong khi đó, ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty thu phí tự động VETC thông tin ngay từ năm 2015, nhiều đơn vị, khách hàng đã hỏi sao ngân hàng không cho họ trừ vào tài khoản ngân hàng.

“Trên thế giới cũng chưa có đơn vị nào trừ trực tiếp trên tài khoản ngân hàng”- ông Vinh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Vinh, tài khoản ngân hàng là tài khoản mật của cá nhân/chủ phương tiện, không một đơn vị ngân hàng nào cho phép đơn vị thứ ba truy cập vào hệ thống ngân hàng để lấy tiền của khách hàng. “Đây là vấn đề bảo mật của ngân hàng”- Vinh nói.

Ngoài ra, VEC và VETC cho phép thanh toán trực tiếp từ ví điện tử, hay kết nối liên thông đến ngân hàng. Nói cách khác, từ tài khoản của khách hàng có thể đặt định mức bao nhiêu ở tài khoản giao thông thì tài khoản ngân hàng của khách hàng lại chuyển sang tài khoản giao thông, khách hàng không cần phải quan tâm đến việc nạp tiền nữa.

“Đây như hai cái bình thông nhau, cứ tài khoản giao thông hết thì tự động tài khoản ngân hàng đổ sang, bảo đảm sự thuận tiện cho khách hàng”- ông Vinh nói.

Ông Phạm Hồng Quang cho hay có sự phân bố không đồng đều của việc dán thẻ thu phí tự động không dừng giữa các vùng miền trên cả nước.

Trên số liệu, lượng phương tiện được dán đạt 75%. Tuy nhiên, đối với phía bắc, dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình ghi nhận tỉ lệ sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng đến thời điểm hiện nay là khoảng 77%.

Trong khi tại dự án TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, trong hai ngày đầu, số lượng phương tiện sử dụng thu phí không dừng chỉ rơi vào 31-37%.

Ông Quang khẳng định vấn đề này sẽ dần dần được khắc phục. Đến 18h ngày 28-7, tỉ lệ sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng tại TPHCM đã tăng lên đến 59% và đang tiếp tục tăng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm