Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh: So sánh ASEAN với EU là khập khiễng

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh: So sánh ASEAN với EU là khập khiễng ảnh 1
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh
 

Đừng so sách khập khiễng ASEAN với EU

. Phóng viên: Thưa ông, kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 đang tiếp tục được báo chí quốc tế bình luận, phân tích. Tuy nhiên, trong các phân tích đó thấy có hai đánh giá rất khác nhau. Lúc thì đánh giá đây là hội nghị lịch sử, lúc thì lại bình luận là nội bộ ASEAN vẫn còn chia rẽ, chưa dám “chỉ mặt, nêu tên” vụ Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu vào thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của VN. Là người trong cuộc, ý kiến ông thế nào?

+ Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh: Cần hiểu sâu sắc về tập quán, phương cách hoạt động của ASEAN, tránh so sánh khập khiễng với EU - một tổ chức khu vực có tính chất khác hẳn ASEAN.

Tập quán của ASEAN là tránh đề cập trực tiếp đến quốc gia, vụ việc cụ thể. Tuy nhiên, không vì thế mà né tránh trách nhiệm của mình trước các vấn đề an ninh khu vực. Các tuyên bố, văn kiện trong khuôn khổ ASEAN-24 cho thấy rõ điều đó. Tất cả đều nói tới “các vụ việc đang diễn ra trên biển Đông”; coi là “đã gia tăng căng thẳng”; nhấn mạnh “các bên liên quan” không được đe dọa, sử dụng vũ lực...

Như thế đương nhiên được hiểu là các tuyên bố, văn kiện của ASEAN đề cập tới việc TQ đưa vào, hạ, đặt giàn khoan nước sâu trên vùng biển của ta. Không thể có cách diễn giải, cách hiểu nào khác được.

Đúng là có lúc, vấn đề biển Đông vốn rất nhạy cảm đã gây phân hóa, chia rẽ trong ASEAN. Sự cố tháng 7-2012 vẫn còn ám ảnh. Nhưng tới ASEAN-24 này mọi việc đã khác. ASEAN đã nhất trí cao về vấn đề đang xảy ra trên biển Đông.

Điều đó thể hiện rất rõ ở Tuyên bố riêng của các ngoại trưởng ASEAN, ngày 10-5. Đây là tuyên bố đặc biệt. Ở hình thức tuyên bố riêng, thì 20 năm qua, kể từ vụ cưỡng chiếm đá Vành Khăn, nay mới có một tuyên bố riêng như thế.

Về cách làm, hội nghị các ngoại trưởng ngay trước thềm hôi nghị cấp cao thông thường chỉ chuẩn bị các dự thảo, văn kiện, phục vụ cho cấp cao. Nhưng lần này, thống nhất được tính cấp thiết, mức độ vi phạm nghiêm trọng của vụ giàn khoan, các ngoại trưởng đã vượt qua thông lệ đó, ra ngay tuyên bố riêng. Tuyên bố được phát hành ngay trong ngày họp, và trước khi khai mạc ASEAN-24. Đây là việc làm chưa có tiền lệ.

Hội nghị ASEAN có ba cấp quan trọng là SOM – cấp thứ trưởng tham gia, cấp ngoại trưởng, và cấp cao là nguyên thủ/lãnh đạo các nước thành viên. Lần này, vấn đề biển Đông thực sự là mối quan ngại chung, bao trùm lên toàn hội nghị, được cả ba cấp ASEAN bàn tới, đề cập tới, nêu quan điểm. Tất cả cho thấy sự quan tâm đặc biệt đến sự việc. Đây là điểm khác biệt so với các Hội nghị Cấp cao ASEAN trước đây.

Khẳng định hậu quả nguy hiểm về an ninh khu vực

. Vậy mức độ quan tâm và phản ứng của ASEAN với tư cách là một tổ chức khu vực, trước vụ giàn khoan của TQ, là thế nào?

+ Quan điểm của ASEAN là thống nhất, và rất mạnh mẽ.

Tuyên bố cấp ngoại trưởng có đoạn “bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra trên Biển Ðông đã làm gia tăng tình hình căng thẳng ở khu vực”. Tôi nhấn mạnh chữ “sâu sắc” và “đã”. Ở đây, ASEAN khẳng định hậu quả nguy hiểm về an ninh khu vực của việc TQ đưa, hạ, đặt giàn khoan 981 vào biển Đông là đã xảy ra rồi.

Tuyên bố cấp ngoại trưởng cũng liệt kê tất cả các cơ sở pháp lý, từ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS), đến Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), Tuyên bố chung cấp cao nhân 10 năm DOC. Tất cả các văn bản đó, TQ đều ký kết, tham gia, chịu sự ràng buộc. Vì vậy, Tuyên bố yêu cầu “các bên liên quan” kiềm chế, tránh có hành động làm phương hại đến hòa bình và ổn định khu vực, không được sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực...

Cần lưu ý là không chỉ Tuyên bố cấp ngoại trưởng, mà cả Tuyên bố chung của ASEAN-24 và Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN-24 (tức của Myanmar, nước chủ tịch cũng là chủ nhà tổ chức hội nghị) cũng đề cập trực tiếp tới những gì đang diễn ra trên biển Đông.

Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN-24 bày tỏ sự quan ngại “sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra trên biển Đông”. Khác với các tuyên bố trước đây, thường chỉ ghi nhận chung về kết quả làm việc của cấp dưới, lần này nước chủ nhà đã khẳng định uy tín của mình bằng việc tuyên bố “ghi nhận tầm quan trọng” của Tuyên bố 10-5. Như vậy, các nội dung trong Tuyên bố cấp ngoại trưởng đã được nâng lên gần như ngang với cấp cao.

Ngoài ra, từ sự đồng thuận cao này, ASEAN-24 đã lần đầu tiên nhấn mạnh sự “cấp thiết” phải sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Chủ đề khó khăn, phức tạp như COC mà được nêu ra như thế là rất mạnh mẽ rồi.

Còn rất nhiều việc phải làm

. Nhưng đó vẫn chỉ là “tuyên bố” thôi. Liệu có sức ép nào để buộc TQ tuân thủ, thực hiện các yêu cầu đó?

+ Sau ASEAN-24 còn rất nhiều việc phải làm thì mới lan tỏa được kết quả của hội nghị, mới lan tỏa được sức mạnh đoàn kết, thống nhất của các nước thành viên. Trước hết, ASEAN với tư cách là một hiệp hội, cũng như từng thành viên ASEAN phải thực hiện đầy đủ, hiệu quả các tuyên bố này. Hiệp hội phải thông báo, chia sẻ kết quả hội nghị, bao gồm cả các văn kiện, tuyên bố tới các quốc gia ngoại khối, bao gồm cả TQ – “bên liên quan” trong vấn đề biển Đông.

ASEAN cũng cần tiếp tục theo dõi thật sát những diễn biến phức tạp đang diễn ra trên thực địa. Từ đó, thông qua kênh trao đổi ASEAN – TQ, hoặc kênh song phương giữa từng nước thành viên ASEAN với TQ, yêu cầu tôn trọng lập trường chung của ASEAN, của khu vực về các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế, UNCLOS cũng như cam kết chung của TQ với ASEAN.

ASEAN – TQ hiện đang có kênh đối thoại về vấn đề biển Đông, về thực hiện DOC và xây dựng COC. Như vậy, hơn bao giờ hết, đôi bên cần hợp tác với nhau. Xây dựng lòng tin, duy trì hòa bình ổn định và hợp tác trên cơ sở luật pháp quốc tế và các thỏa thuận đã có là thành tố cơ bản quyết định sự thành công của quá trình này.

Tuyên bố và các văn kiện ASEAN-24 không chỉ có giá trị trong khu vực. Có người bình luận “việc nhà mình, mình không kêu, không phản ứng, thì ai giúp”. Lần này, trên cơ sở các tuyên bố của ASEAN, các quốc gia bên ngoài, các tổ chức, cá nhân – như kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong Hội nghị Cấp cao ASEAN 24 – sẽ có căn cứ để lên tiếng phản đối hành động sai trái của TQ.

. Về phía ta thì sao? Từ ngày 7-5 tới nay, không thấy thông báo nào về giao thiệp ngoại giao giữa VN – TQ để giải quyết vụ việc. Có cách gì để tháo gỡ tình trạng bế tắc này không?

+ Phát biểu của Thủ tướng đã phát đi thông điệp rất rõ ràng, đầy đủ, nhất quán của VN. Lãnh thổ là thiêng liêng. Chúng ta kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với luật pháp quốc tế.

Nhưng chúng ta luôn trân trọng, luôn vun đắp cho quan hệ tốt đẹp Việt - Trung. Trong vụ việc này, như Thủ tướng đã nhấn mạnh, chúng ta đã hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí, đã, đang và tiếp tục sử dụng mọi kênh đối thoại đối thoại và ở các cấp.

Chúng ta tiếp tục làm rõ việc tôn trọng luật pháp quốc tế, làm rõ lợi ích của hòa bình, của quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Qua đó có cách thức phù hợp giải quyết ổn thỏa sự việc, trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

. Xin cảm ơn ông!

NGHĨA NHÂN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm