Thủ tướng: Cầu Mỹ Thuận 2, cây cầu tự hào của Việt Nam

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cầu Mỹ Thuận 2 là cây cầu tự hào của Việt Nam vì cầu do chính người Việt thiết kế, thi công, giám sát và vốn trong nước, thi công nhanh hơn các cây cầu khác. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau 3 năm thi công, chiều 14-10, cầu Mỹ Thuận 2 chính thức được hợp long, nối đôi bờ sông Tiền. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự lễ.

Tại buổi lễ, Thủ tướng biểu dương các địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu thi công đã tích cực thực hiện dự án để hợp long vượt tiến độ một tháng, mặc dù có nhiều điều kiện khó khăn như dịch bệnh, giá nguyên liệu tăng, thời tiết...

Cầu Mỹ Thuận 2, cây cầu tự hào của Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại lễ hợp long cầu Mỹ Thuận 2
IMG_9294.jpeg
Thủ tướng thực hiện nghi thức hợp long

"Đây là cây cầu tự hào của Việt Nam chúng ta. Mỹ Thuận 2 là cây cầu do Việt Nam thiết kế, thi công và sử dụng vốn ngân sách, không vay nhưng chúng ta thực hiện tiến độ lại nhanh hơn, điều này rất đáng quý. Thay mặt Chính phủ tôi biểu dương nỗ lực của các nhà thầu, đơn vị thi công đã vượt qua khó khăn để hoàn thành cầu trước thời hạn", Thủ tướng nhấn mạnh

Theo Bộ GTVT, dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu là một trong 12 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 do Ban Quản lý dự án 7 làm Chủ đầu tư. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt, tổng mức đầu tư của dự án là hơn 5.000 tỉ đồng bằng nguồn vốn đầu tư Ngân sách nhà nước.

IMG_9282.jpeg
Thủ tướng biểu dương các đơn vị đã tích cực thi công dự án vượt tiến độ
IMG_9283.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà cho các công nhân
IMG_9293.jpeg
Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm

Dự án Cầu Mỹ Thuận 2 nằm trên trục đường cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh đi thành phố Cần Thơ, kết nối hai tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, nối liền hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang.

Đây là trục đường huyết mạch, có lưu lượng giao thông lớn bậc nhất trong các trục quốc lộ chính trong khu vực. Nhịp chính với kết cấu dây văng khẩu độ 350m, tĩnh không thông thuyền 37,5m, bề rộng mặt cầu 28m (gồm 06 làn xe) lần đầu tiên do đội ngũ các kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện hoàn toàn từ khâu lập dự án, thiết kế cho đến thi công.

Dự án được khởi công ngày 16-3-2020, sẽ đưa vào khai thác sử dụng vào cuối năm 2023. Dự án triển khai thi công trong thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19 năm 2020 và 2021, tác động kép do biến động chính trị trên thế giới khiến giá nhiên liệu tăng cao và tăng giá vật liệu (sắt, thép, đá, xi măng,…) đã làm ảnh hưởng đến công tác thi công, triển khai Dự án.

Mặt khác, các khó khăn khách quan về mặt kỹ thuật trong quá trình thi công các hạng mục phức tạp của cầu chính, điều kiện về thời tiết ảnh hưởng không nhỏ đến kỹ thuật thi công hệ dầm và dây văng, tất cả các yếu tố trên đã đặt ra nhiều thách thức đối với Ban QLDA 7 cùng đơn vị Tư vấn và nhà thầu thi công.

hop-long-my-thuan-1-7686-911.jpg
Cầu Mỹ Thuận 2 chính thức hợp long


Được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cũng như sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành trung ương và địa phương; đồng thời đã thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cũng như sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan tham mưu Bộ GTVT, Ban QLDA 7, các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công, cầu Mỹ Thuận 2 đã đủ các điều kiện để hợp long, đảm bảo các thông số hình học của nhịp chính dây văng, yêu cầu chất lượng công trình, an toàn lao động,…

Sau khi hợp long, Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo Ban QLDA 7 cùng các đơn vị tư vấn, các nhà thầu thi công phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, tập trung thi công hoàn thiện các hạng mục còn lại để thông xe dự án vào cuối năm 2023, đảm bảo chất lượng công trình và phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư.

Sau khi hoàn thành, cầu Mỹ Thuận 2 sẽ nối thông tuyến cao tốc từ thành phố Hồ Chí Minh về Cần Thơ, tạo nên sự gắn kết chặt chẽ thông thương giữa trung tâm kinh tế thương mại phía Nam và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Điều này góp phần hoàn thiện hệ thống vận tải, logistic trong khu vực, đồng thời giảm áp lực giao thông ngày càng lớn cho cầu Mỹ Thuận hiện hữu và quốc lộ 1A, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách ngày càng tăng cao, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội khu vực Tây Nam Bộ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm