Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu chậm triển khai luật

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu chậm triển khai luật ảnh 1
Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm rõ trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra chậm thi hành luật, pháp lệnh

Quy rõ trách nhiệm người đứng đầu

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Quyết định ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 75 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII đối với việc triển khai thi hành Hiến pháp; về công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và kiểm soát thủ tục hành chính.

Theo kế hoạch này, các Bộ, cơ quan liên quan phải tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp, trong đó tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Hiến pháp, pháp luật nhằm nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành Hiến pháp, pháp luật, góp phần đưa Hiến pháp, pháp luật vào cuộc sống.

Các Bộ, ngành phải tổ chức rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật, xác định các quy định trái Hiến pháp để đình chỉ thi hành, các quy định cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới để cụ thể hóa Hiến pháp. Theo dõi, đôn đốc việc chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua trong các năm 2014 và 2015, đảm bảo chất lượng, tiến độ theo Chương trình, Kế hoạch đã được phê duyệt.

Về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và kiểm soát thủ tục hành chính, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tổ chức rà soát tất cả các luật, nghị quyết được Quốc hội ban hành tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII và các pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xây dựng, ban hành đầy đủ, kịp thời văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành nhằm giảm số văn bản nợ đọng.

Thủ tướng yêu cầu trước 15/8/2014 phải xây dựng Báo cáo của Chính phủ, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 về tình hình triển khai Nghị quyết số 67 về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết số 20 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ khóa XIII.

Trong đó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh phải “kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tình trạng chậm triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết” và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, cơ quan thường xuyên nâng cao chất lượng công tác thẩm định và công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời nâng cao chất lượng công tác kiểm soát thủ tục hành chính. Theo đó, thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động thủ tục hành chính và thẩm định chặt chẽ các thủ tục hành chính này trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chỉ ban hành những thủ tục hành chính thật sự cần thiết, hợp lý và có chi phí tuân thủ thấp…

“Siết” kỷ luật, kỷ cương hành chính

Ngày 27/7/ Thủ tướng Chính phủ cũng ký Quyết định ban hành Quy chế theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Để bảo đảm hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được liên tục, thông suốt, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong hệ thống hành chính nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quy chế mới được ban hành yêu cầu tất cả các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải được tổ chức thực hiện kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thời hạn cập nhật và tính chính xác, đầy đủ của các thông tin về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo Quy chế trên, Văn phòng Chính phủ có nhiệm vụ tham mưu, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ra quyết định kiểm tra và thành lập đoàn kiểm tra để tiến hành kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất các Bộ, cơ quan, địa phương trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đồng thời báo cáo kết quả kiểm tra và kết luận nội dung kiểm tra lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Nội dung kết luận kiểm tra trong trường hợp chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đúng nhiệm vụ được giao phải xác định rõ tính chất, mức độ, nguyên nhân, trách nhiệm của bộ, cơ quan, địa phương trong việc thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nhiệm vụ. Quy chế cũng cho phép đăng tải công khai kết quả thực hiện vụ theo định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm hoặc đột xuất.

Ngoài ra, kết quả thực hiện Quy chế này là một trong các tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và bình xét các danh hiệu thi đua khen thưởng hàng năm của các Bộ, cơ quan, địa phương và của cá nhân thủ trưởng các cơ quan và cán bộ, công chức.

Theo Thành Nam/Infonet

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm