Chiều 21-8, Thủ tướng chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống COVID-19.
Xác định chống dịch là cuộc chiến trường kỳ
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ dịch vẫn còn phức tạp nhưng đang trong tầm kiểm soát, kể cả ở địa bàn phức tạp nhất như Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương và các TP lớn.
Qua đợt dịch này, chúng ta rút ra nhiều bài học, trong đó có tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa” trong chỉ đạo, thực hiện. Chúng ta thực hiện xét nghiệm nhanh, rộng, ứng dụng các phần mềm như Bluezone, truyền thông thông tin kịp thời, người dân ủng hộ, nhất là hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt. Trung ương và địa phương chỉ đạo quyết liệt nhưng linh hoạt, đảm bảo an toàn, kiểm soát nhưng vẫn thực hiện mục tiêu kép.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn lây lan mạnh trên toàn cầu, nước ta hội nhập sâu rộng, do đó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt ngành y tế không được chủ quan, không được coi thường trong quá trình chỉ đạo mà phải tập trung, làm hết sức mình để không có ổ dịch lây lan rộng trong cộng đồng. “Chúng ta xác địch chống dịch COVID-19 là một cuộc chiến trường kỳ, chừng nào chưa có thuốc đặc trị và vaccine phòng dịch thì chúng ta vẫn phải chung sống với dịch bệnh” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Các y, bác sĩ BV 199 (Đà Nẵng) đang thăm khám cho bệnh nhân COVID-19. Ảnh: TÚ ANH
Vừa chống dịch vừa duy trì hoạt động kinh tế - xã hội
Theo Thủ tướng, trong bối cảnh toàn cầu sụt giảm, tăng trưởng âm, chúng ta là nước mới thoát nghèo, chúng ta phải thực hiện mục tiêu kép, vừa đề phòng, khống chế bằng được COVID-19, phong tỏa kiên quyết, chặn đứng nguồn lây ở các ổ dịch thì vẫn phải duy trì hoạt động kinh tế - xã hội ở mức độ cần thiết. Các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, TP cần phải cương quyết, sát sao, tỉnh táo chỉ đạo hai nhiệm vụ này để làm sao đạt hiệu quả tối ưu. Không được để dịch bệnh lây lan bùng phát, đồng thời không để người dân quá lo lắng, bất ổn về cách ly xã hội.
Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh xuất hiện ca bệnh thì phải khoanh gấp, kịp thời, không để xảy ra ổ dịch lây lan diện rộng. Thủ tướng yêu cầu xác định trách nhiệm người đứng đầu trong bao quát công tác phòng, chống dịch. Người đứng đầu Chính phủ cho rằng cần có văn hóa ứng xử trong bối cảnh có dịch, đặc biệt là văn hóa đeo khẩu trang nơi công cộng. Thủ tướng nhất trí với ý kiến cho rằng cần có chế tài bắt buộc phải đeo khẩu trang ở những nơi cần thiết.
Phố đi bộ quanh Hồ Gươm tạm dừng hoạt động Chiều cùng ngày, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho biết quận đã quyết định tạm dừng hoạt động của phố đi bộ quanh khu vực Hồ Gươm từ tối 21-8 để phòng, chống dịch COVID-19 cho đến khi có chỉ đạo mới của TP. “Dù ba ngày không có ca mắc mới nhưng nguy cơ lây nhiễm vẫn tiềm ẩn, nhất là trong bệnh viện và tại nhà hàng, quán ăn. Vì vậy, cần tiếp tục chủ động, kiên quyết triển khai hiệu quả, mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống dịch” - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội Hoàng Đức Hạnh nói. |
TP.HCM sắp giám sát y tế nhiều nhóm đối tượng
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết từ ngày 25-7 đến nay, TP.HCM ghi nhận thêm 16 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có tám ca liên quan đến ổ dịch tại Đà Nẵng, tám trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay từ đầu (có một trường hợp nhập cảnh trái phép).
Liên quan đến việc giám sát các nhóm có nguy cơ nhiễm bệnh COVID-19, ông Dương Anh Đức cho hay TP đã phát hiện, giám sát người nhập cảnh trái phép, tập trung lấy mẫu xét nghiệm cho 126 người nhập cảnh trái phép, trong đó có một trường hợp dương tính. TP tiếp tục giám sát chặt chẽ trường hợp ca bệnh sau xuất viện và trường hợp sau cách ly tập trung từ các tỉnh về TP. TP tiếp tục cách ly, giám sát chặt chẽ các tổ bay, thuyền viên quốc tế, chuyên gia nước ngoài vào TP làm việc, đồng thời duy trì hoạt động kiểm soát đối với nhà ga quốc nội.
Ngành y tế TP đang tích cực phối hợp với lực lượng quân đội, UBND và đơn vị liên quan đảm bảo năng lực tổ chức tốt công tác cách ly y tế các nhóm người có nguy cơ lây bệnh và sẵn sàng các kịch bản ứng phó trong những tình huống khác nhau. Hiện nay, TP vẫn duy trì việc tạm thời ngưng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu, hạn chế tụ tập đông người để phòng, chống dịch.
Theo phó chủ tịch UBND TP, trong những ngày qua, TP cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, tuy nhiên TP vẫn đứng trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh vì TP là nơi giao thương, giao lưu của cả nước. Để kiểm soát, không để dịch bệnh bùng phát, ông Đức cho rằng thời gian tới TP sẽ giám sát y tế đối với những người từ các tỉnh, TP đang có trường hợp mắc COVID-19 và đang phải giãn cách xã hội theo nhiều nhóm đối tượng. Hoạt động giám sát này nhằm quán triệt sớm nguồn lây lan, kiểm soát nguồn lây lan trong cộng đồng.
TP thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nghiên cứu các kịch bản khôi phục kinh doanh và kích cầu du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt. TP cũng xây dựng nhóm hỗ trợ thứ hai cho các doanh nghiệp ảnh hưởng bởi COVID, nhất là các doanh nghiệp giao thông vận tải, du lịch, nhà hàng, khách sạn, các doanh nghiệp đang tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Thêm hai ca COVID-19 đều trú ở Đà Nẵng Chiều 21-8, Bộ Y tế thông báo cả nước ghi nhận thêm hai ca mắc mới (BN1008-1009), cả hai bệnh nhân đều trú Đà Nẵng. Trong đó, ca bệnh 1008 (BN1008) là một bệnh nhân nữ, 75 tuổi, có địa chỉ tại xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, là F1 (mẹ) của BN988. Ca bệnh 1009 (BN1009) là bệnh nhân nam, 47 tuổi, có địa chỉ tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, là F1 (con) BN797, (vợ) BN781, (mẹ) BN780. Hiện hai bệnh nhân này được cách ly, điều trị tại BV dã chiến Hòa Vang. Cũng trong ngày 21-8, theo báo cáo của Tiểu ban điều trị Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 có ba bệnh nhân ra viện tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương Cơ sở Đông Anh gồm BN459, BN676, BN989. HÀ PHƯỢNG |