Ngày 9-2 (nhằm mùng 5 Tết), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự Lễ hội Gò Đống Đa kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2019) và trao bằng xếp hạng di dích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa.
Tại lễ hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu và đông đảo nhân dân Thủ đô, du khách thập phương về dâng hương, hoa tưởng nhớ công lao to lớn của vua Quang Trung cùng các tướng lĩnh, chiến sĩ nghĩa quân Tây Sơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa. Ảnh: T.P
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, mùa Xuân rực rỡ chiến công năm Kỷ Dậu (1789) đã đi vào lịch sử dân tộc và lòng người Việt Nam. Đó là một trong những mùa Xuân kỳ diệu nhất, tiêu biểu cho ý chí quật cường, cho sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết của dân tộc ta, tiêu biểu cho sức sống phi thường, ý chí kiên cường, lòng quả cảm và sự sáng tạo phong phú của dân tộc ta.
“Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) là một chiến công vĩ đại và hiển hách vào bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta… Chiến Thắng Ngọc Hồi - Đống Đa và tên tuổi sự nghiệp Quang Trung vĩ đại đã trở thành tấm gương ngời sáng tiêu biểu cho trí tuệ nghệ thuật quân sự Việt Nam, tiêu biểu cho truyền thống yêu nước, tinh thần quật cường chống ngoại xâm của dân tộc ta” – ông Chung phát biểu.
Quang cảnh lễ kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Ảnh: T.P
Cũng trong dịp lễ hội xuân Kỷ Hợi 2019, sáng 9-2 di tích Gò Đống Đa đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Hội gò Đống Đa đã có từ rất lâu đời, đến năm 1962, Nhà nước công nhận gò Đống Đa là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia, các hoạt động văn hóa có thêm điều kiện phát triển bài bản.
Gò Đống Đa có tổng diện tích 22.120,8m2, gồm khu tưởng niệm và khu vực gò Đống Đa. Khu tưởng niệm bao gồm hệ thống phù điêu, tượng đài, nhà trưng bày…
Nổi bật là tượng đài Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ cao 14,65m, làm bằng chất liệu bê tông cốt thép, nặng 200 tấn, ốp đá hoa cương và phun vẩy rồng. Phía sau tượng đài là hai bức phù điêu mô tả trận đánh của quân và dân ta dưới sự chỉ đạo tài tình của Hoàng đế Quang Trung tấn công thần tốc vào giải phóng kinh thành Thăng Long.