“Các đồng chí phải lo tết cho người dân đủ hàng hóa ở mọi vùng, không được để tình trạng đẩy giá lên. Đừng để cái gọi là lạm phát kỳ vọng, lạm phát tâm lý xảy ra”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh như trên tại hội nghị tổng kết ngành công thương do Bộ Công Thương tổ chức ngày 27-12.
Cần ban hành nghị định về made in VN
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết Việt Nam (VN) vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng xuất nhập khẩu ở mức cao. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 ước đạt 516,96 tỉ USD, tăng 7,6% so với năm 2018.
Đây là con số ấn tượng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu giảm thấp do tác động của xung đột thương mại, cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc; xu hướng bảo hộ mậu dịch và việc các nước đang ngày càng gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại.
“Cán cân thương mại năm 2019 ghi nhận mức xuất siêu kỷ lục 9,94 tỉ USD, góp phần làm tích cực cán cân thanh toán và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế” - ông Tuấn Anh nói.
Đáng chú ý khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng xuất khẩu không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Cụ thể, trong khi xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản giảm 4,5% thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018.
“Nhật Bản, Mỹ, EU, ASEAN... vẫn là những thị trường xuất khẩu chủ lực của VN năm qua. VN đã xuất siêu vào thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng như Mỹ, EU…” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin.
Tuy nhiên, bộ trưởng thừa nhận xuất khẩu vẫn chưa theo chiều sâu và chưa đạt tỉ trọng phát triển theo chuỗi giá trị như mong muốn; tái cơ cấu trong lĩnh vực công nghiệp diễn ra chậm, chưa thực sự hình thành được các ngành công nghiệp mũi nhọn, có vai trò dẫn dắt công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Đặc biệt, ông lưu ý: “Chưa bao giờ số lượng điều tra về chống bán phá giá, cuộc tranh chấp thương mại khác với hàng hóa, sản phẩm của VN, doanh nghiệp (DN) VN trên thị trường quốc tế tăng nhanh như vậy”.
Tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), đánh giá Bộ Công Thương là bộ đi đầu trong cải cách hành chính, về đích sớm nhất trong việc cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% thủ tục hành chính. Ông Lộc cho rằng nguyên nhân cải cách thành công của bộ là do được tiến hành từ tư duy quản lý tự giác, tự thân và thường xuyên lắng nghe ý kiến DN.
Tuy vậy, chủ tịch VCCI cho rằng Bộ Công Thương cần tiếp tục là đầu mối trình Chính phủ ban hành ngay nghị định về xuất xứ hàng hóa made in VN cho hàng hóa sản xuất và tiêu thụ tại VN. “Chúng ta đang có khoảng trống pháp luật trong lĩnh vực này, làm cho các DN không yên tâm sản xuất, kinh doanh. Vấn đề Asanzo không chỉ của Asanzo mà của biết bao DN VN. Nếu xử lý không phù hợp thì sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt DN Việt” - ông Lộc nói.
Ông ví dụ muốn xử lý vụ Asanzo cũng rất khó vì Nhà nước chưa có quy định về sản xuất made in VN, tiêu thụ tại VN. Khi chưa có quy định của Nhà nước thì không thể buộc tội DN được.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành công thương sáng 27-12. Ảnh: AH
Tập trung xử lý những dự án thua lỗ kéo dài
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dành hơn 1 giờ đồng hồ để nói về những thành tựu đã đạt được và định hướng cho ngành công thương trong năm 2020. Nhắc lại câu nói của Lê Quý Đôn: “Phi công bất phú, phi thương bất hoạt”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận sự đóng góp quan trọng của ngành công thương.
Thủ tướng nhìn nhận ngành công thương đóng góp cho tổng cầu nền kinh tế không chỉ ở xuất khẩu mà còn phát triển thị trường bán lẻ trong nước với mức tăng gần 12% so với năm 2018. “Ra ngoài phố, người dân mua bán rất nhộn nhịp, thích quá trời” - Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương nhanh chóng tính toán, đưa ra giải pháp, đa dạng hóa hơn thị trường xuất khẩu. Ngược lại, ở thị trường nội địa 100 triệu dân, nhu cầu rất lớn, ngành công thương phải tổ chức tốt hơn thị trường, xây dựng thương hiệu mạnh, hàng VN thuyết phục người VN và đặc biệt là không được để mất thị trường bán lẻ. Bên cạnh đó phải giảm chi phí logistics, tránh tình trạng nhiều mặt hàng như xoài chi phí logistics chiếm tới một nửa.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phải tập trung xử lý những dự án thua lỗ kéo dài; bảo đảm cung ứng điện trong mọi tình huống, không để mất điện là mệnh lệnh. Trước ý kiến góp ý cần tiếp tục phát triển điện than để đáp ứng nhu cầu điện, Thủ tướng cho rằng không nên mà phải theo hướng phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
“Cần xem xét kỹ, rất hạn chế việc phát triển mới các dự án điện than và cần kiểm soát chặt chẽ để bảo vệ môi trường, một nhiệm vụ đối với Bộ Công Thương chứ không chỉ của Bộ TN&MT” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong dịp cuối năm, Thủ tướng cũng lưu ý phải lo tết cho dân đủ hàng, mọi vùng không được đẩy giá lên. Dẹp bỏ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Sáu mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD Thủ tướng nhấn mạnh năm 2019, tổng quy mô xuất nhập khẩu của VN đạt trên mức 500 tỉ USD. Đây là con số lớn chưa từng có, tốc độ tăng gấp bốn lần so với bình quân thế giới. Trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục gần 264 tỉ USD, xuất siêu đạt 9,94 tỉ USD. Có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, trong đó có tám mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỉ USD và sáu mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD. Điều ấn tượng nữa là chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của VN tăng 10 bậc, lên 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó nhiều trụ cột có đóng góp làm tăng thứ hạng VN liên quan đến ngành công thương. Thủ tướng nhấn mạnh năm tới là mốc quan trọng trong giai đoạn 2016-2020 và tiền đề cho giai đoạn sau, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chỉ tiêu tăng trưởng công nghiệp chế biến - chế tạo phải đạt 12%, chỉ tiêu xuất khẩu chạm mốc 300 tỉ USD ngay trong năm 2020 và tăng trưởng thị trường bán lẻ đạt con số tăng trưởng khoảng 12%. |