Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch Hội đồng. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Phó Chủ tịch Hội đồng.
Các ủy viên Hội đồng gồm lãnh đạo các Bộ, ngành: Giao thông vận tải, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao, Tư pháp, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; lãnh đạo Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh.
Việc lựa chọn vận tốc cho đường sắt tốc độ cao rất quan trọng, vì chọn vận tốc thấp sau này sẽ không nâng lên được, vì phụ thuộc vào công nghệ và độ an toàn của đường ray.
Trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng, các thành viên Hội đồng, cơ quan thường trực Hội đồng và Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành được thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 131/2015 của Chính phủ hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia.
Hội đồng được thuê liên danh tư vấn trong nước và tư vấn nước ngoài bảo đảm độc lập, khách quan với tư vấn lập dự án để thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo đúng quy định. Việc thuê tư vấn thẩm tra và chi phí thẩm định, thẩm tra dự án thực hiện theo quy định pháp luật.
Bộ GTVT, cho biết với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (sau đây gọi là dự án). Từ năm 2017, Bộ GTVT tổ chức rà soát các nghiên cứu trước đây về dự án và tổ chức nghiên cứu cập nhật, bổ sung.
Tiếp đó, Bộ GTVT tổ chức nhiều hội thảo, lấy ý kiến các bộ, ngành và 20/20 địa phương có đường sắt đi qua. Đến thời điểm 5-1-2019, Bộ GTVT nhận được ý kiến của 9/10 bộ, ngành và cơ bản thống nhất với đề xuất hồ sơ dự án.
Ngày 14-2-2019, Bộ GTVT trình Thủ tướng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, do tư vấn lập dự án đề xuất tổng mức đầu tư 58,7 tỉ USD là rất lớn nên báo cáo nghiên cứu này đã đề cập khả năng huy động nguồn lực nhằm giảm nợ công của nền kinh tế theo hai phương án phân kỳ đầu tư.
Qua phân tích về khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang, khả năng huy động các nguồn lực đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đề xuất:
Giai đoạn 1 (dự kiến hoàn thành vào 2030 - 2032), chuẩn bị đầu tư và tổ chức đầu tư xây dựng 2 đoạn (Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM).
Cùng với quá trình đầu tư xây dựng là công tác chuẩn bị nguồn nhân lực, xây dựng thể chế để khai thác vào năm 2032.
Giai đoạn 2 (dự kiến từ 2032 - 2050), tiếp tục đầu tư xây dựng đoạn Vinh - Nha Trang, trong đó ưu tiên đoạn Vinh - Đà Nẵng để có thể khai thác vào năm 2040 và tiếp tục hoàn thành đoạn Đà Nẵng - Nha Trang vào năm 2050.
Dự án sẽ được đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư (PPP). Trong đó vốn nhà nước chiếm 80% (huy động hằng năm từ 0,3% đến 0,55% GDP) và bằng khoảng 10% vốn đầu tư cơ sở hạ tầng; vốn tư nhân chiếm khoảng 20%.
Theo tư vấn, nếu đạt vận tốc 320 km/giờ (tốc độ thiết kế là 350 km/giờ) thì từ Hà Nội đến Vinh mất một giờ 20 phút; từ TP.HCM đến Nha Trang mất 35 phút; từ Hà Nội đến TP.HCM mất 5 giờ 17 phút.
Theo dự báo tăng trưởng GDP, trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2030, có thể thấy mỗi năm dành khoảng 0,7 GDP là có thể đầu tư cho giai đoạn 1 và 2 (Hà Nội-Vinh và TP.HCM-Nha Trang) của dự án.