Cụ thể, trong tờ trình Chính phủ về nghiên cứu tiền khả thi, Bộ GTVT đưa ra ba kịch bản: Thứ nhất, chỉ đầu tư nâng cấp tối ưu hóa năng lực đường sắt hiện hữu lên 50 chuyến tàu/ngày đêm, tốc độ khai thác 80-90 km/giờ với tàu khách và 50-60 km/giờ với tàu hàng. Thứ hai, nâng cấp đường đơn hiện tại, khổ 1.000 mm lên đường đôi, khổ 1.435 mm, khai thác chung tàu khách và tàu hàng, với năng lực 170 tàu/ngày đêm, tốc độ tối đa 200 km/giờ. Thứ ba, nâng cấp tối ưu hóa năng lực đường đơn hiện tại đạt vận tốc 70 km/giờ cho cả tàu khách, tàu hàng, đồng thời xây dựng riêng tuyến mới để khai thác riêng tàu khách với định hướng tốc độ thiết kế 350 km/giờ và tốc độ khai thác tối đa 320 km/giờ.
Dự án đường sắt tốc độ cao đang ở giai đoạn lấy ý kiến các bộ, ngành về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Bộ GTVT. Trong đó, quan điểm mà Bộ KH&ĐT đưa ra trong văn bản ngày 5-6 mà báo chí trích dẫn nghiêng về phương án 200 km/giờ, khác với quan điểm của Bộ GTVT là nghiêng về phương án 3.
Vì lựa chọn mục tiêu thấp nên vốn đầu tư theo tính toán của Bộ KH&ĐT chỉ khoảng 26 tỉ USD so với 58,7 tỉ USD của phương án mà Bộ GTVT đưa ra.
Tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết các ý kiến của Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT cũng như các bộ, ngành khác mới chỉ là thông tin ban đầu cho quá trình xây dựng các báo cáo dự án đường sắt tốc độ cao.
Đây là dự án quốc gia, dù theo kịch bản nào cũng cần số vốn đầu tư rất lớn, thời gian triển khai dài, trong nhiều nhiệm kỳ. Vì vậy, để đảm bảo tính khách quan, Thủ tướng đã giao Bộ KH&ĐT thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để tổ chức thẩm định độc lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Hiện Bộ KH&ĐT đề nghị hội đồng được thuê liên danh tư vấn trong nước và tư vấn nước ngoài bảo đảm độc lập, khách quan với tư vấn lập dự án.
Các công việc tiếp theo đang chờ chỉ đạo của Thủ tướng. Còn theo quy trình chung, Chính phủ sẽ phải lắng nghe tất cả các bên liên quan để dự kiến chuyển sang Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra, trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 tới.
Như truyền thông đưa tin, Bộ KH&ĐT vừa báo cáo Thủ tướng về phương án thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam. Bộ này dựa vào phân tích của các chuyên gia Đức và Hà Lan cho rằng với chiều dài hàng ngàn kilomet thì tốc độ chạy tàu trên trục Bắc-Nam khoảng 200 km/giờ là hiệu quả; tổng mức đầu tư dự án khoảng 26 tỉ USD, giảm hơn 32 tỉ USD so với đề xuất của Bộ GTVT. Chuyên gia Hà Lan và Đức tính toán với tốc độ khai thác 200 km/giờ, thời gian di chuyển giữa Hà Nội - TP.HCM sẽ vào khoảng 8 tiếng, như vậy là khá hợp lý.