Thủ tướng: Kích hoạt mọi nguồn lực cho ĐBSCL

Ngày 6-3, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị thúc đẩy phát triển nông nghiệp ĐBSCL chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Tham dự có lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo 13 tỉnh, TP vùng ĐBSCL, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

28 chữ “vàng” của Thủ tướng cho ĐBSCL

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao đóng góp của ĐBSCL thời gian qua như: Đóng góp 31,37% GDP nông nghiệp cả nước, đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% về trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước.

Tuy nhiên, những năm qua, đầu tư công dành cho ĐBSCL chiếm 17%-20% cả nước, thế nhưng vùng chỉ đóng góp khoảng 10% thu ngân sách của cả nước. Cạnh đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn hạn chế so với nhiều khu vực khác.

“ĐBSCL phát triển chưa tương xứng so với đầu tư và mong muốn. Tiềm năng, lợi thế lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp, hạ tầng chiến lược phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được đầu tư bài bản. Năng suất, chất lượng sản phẩm còn thấp, tính liên kết trong chuỗi sản xuất chưa cao, thị trường chưa ổn định, chịu tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu...” - Thủ tướng chỉ ra những vấn đề đang còn tồn tại ở ĐBSCL.

Từ những ý kiến phát biểu, đóng góp của lãnh đạo các tỉnh, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, Thủ tướng Phạm Minh Chính tóm tắt tư duy phương pháp luận và cách tiếp cận phát triển ĐBSCL trong thời gian tới gồm 28 chữ. Đó là: Tư duy đột phá, Tầm nhìn chiến lược, Thích ứng chủ động, Chuyển đổi linh hoạt, Giá trị nâng cao, Nguồn lực công - tư, Đời sống chất lượng.

Về quy hoạch, Thủ tướng nhấn mạnh các tỉnh vùng ĐBSCL cần thực hiện bốn tốt, là quy hoạch tốt từ đó sẽ có dự án tốt, dự án tốt sẽ có nhà đầu tư tốt, nhà đầu tư tốt sẽ có sản phẩm tốt.

“Phải phát huy tính tự lập, tự cường, phải phát huy, phải vươn lên từ bàn tay, khối óc, từ chân trời, cửa biển của mình; bỏ tư tưởng trông chờ. Xác định có trọng tâm, trọng điểm, đầu tư không dàn trải, đầu tư công thì ít thôi, kích hoạt mọi nguồn lực để kích hoạt đầu tư tư, lấy đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư” - Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng tóm tắt tư duy phương pháp luận và cách tiếp cận trong phát triển vùng ĐBSCL. Ảnh: VGP

Những thách thức đồng bằng đang đối mặt

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2021, giá trị gia tăng tổng sản phẩm ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL tăng 1,6%, chiếm 32,2% giá trị gia tăng tổng sản phẩm trên địa bàn toàn vùng và chiếm 31,3% giá trị gia tăng tổng sản phẩm toàn ngành nông nghiệp cả nước.

ĐBSCL đứng đầu cả nước về sản lượng gạo, tôm nước lợ, cá tra và trái cây, với 24,5 triệu tấn thóc (chiếm 55,4% cả nước), 0,78 triệu tấn tôm (chiếm 83,5% cả nước), 1,47 triệu tấn cá tra (chiếm 98% cả nước) và 4,3 triệu tấn trái cây (chiếm 60% cả nước). Bộ NN&PTNT cũng cho biết ĐBSCL đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như sụt lún, ngập, xâm nhập mặn, lũ và biến động dòng chảy sông Mekong, sạt lở...

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cho hay: Hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học của vùng ĐBSCL đang bị suy thoái kiệt quệ sau thời gian dài lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đặt ra thách thức lớn với định hướng tiến đến một nền nông nghiệp xanh. Mặt khác, tư duy theo mùa vụ của người nông dân, tầm nhìn theo thương vụ của doanh nghiệp vô tình gây trở ngại cho mục tiêu liên kết bền vững giữa sản xuất và tiêu thụ. Cạnh đó, vùng nguyên liệu cây ăn trái, thủy sản, lúa gạo phân tán khiến công tác quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại nông sản gặp nhiều khó khăn.

“Những vấn đề nội tại cho thấy dù hạ tầng được đầu tư như thế nào nhưng nếu không giải quyết thỏa đáng những nút thắt vừa nêu thì cũng khó và chậm cải thiện được tình hình mất cân đối cung cầu… Sự điều phối theo chuỗi ngành hàng, tính liên kết vùng, tiểu vùng giữa các địa phương cần phải được chú trọng ngay đầu mùa vụ, chứ không phải chỉ tập trung xử lý khi nông sản ùn ứ sau thu hoạch. Mỗi địa phương cần chủ động mở rộng không gian liên kết, phát triển” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng cho hay bộ sẽ khai trương Văn phòng điều phối nông nghiệp vùng ĐBSCL đặt tại TP Cần Thơ. Văn phòng sẽ hỗ trợ điều phối công tác quy hoạch sản xuất, chuẩn hóa vùng nguyên liệu; kết nối doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu; kết nối chuỗi ngành hàng, hỗ trợ nâng cao chất lượng hợp tác xã, hình thành mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm