Thủ tướng Phạm Minh Chính: 2024 sẽ là năm bứt phá

(PLO)- Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra 10 nhóm giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ đã đặt ra trong năm 2024.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 5-1, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương. Hội nghị đã nghe các báo cáo, ý kiến phát biểu đánh giá về bối cảnh tình hình năm 2023, kết quả đạt được. Từ việc phân tích các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp trọng tâm để thực hiện trong năm mới.

p3-bai-1h-viethoa-4145.jpg
Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VGP

Cắt giảm ít nhất 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính thống nhất đánh giá 2024 là năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi kế hoạch năm năm 2021-2025. Chủ đề của năm 2024 là: “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”.

Thủ tướng đưa ra nhiều quyết tâm cho năm mới, trong đó đáng chú ý là Chính phủ quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm người dân, doanh nghiệp được hưởng các chế độ, chính sách và thành quả mang lại.

Thủ tướng đã nêu ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện các nhiệm vụ đã đặt ra. Trong đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Quyết tâm tiết kiệm chi 5% và thu ngân sách nhà nước năm 2024 tăng ít nhất 5%.

Người đứng đầu Chính phủ phấn đấu trong năm 2024 cắt giảm ít nhất 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm, nhất là Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án cao tốc Bắc - Nam.

Một nhiệm vụ, giải pháp quan trọng khác là tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi. Triển khai quyết liệt cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và 4/12 dự án doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả còn lại…

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu phát triển mạnh các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Thủ tướng yêu cầu triển khai quyết liệt, hiệu quả đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội; phấn đấu năm 2024 hoàn thành ít nhất 130.000 căn.

Đặc biệt, trong năm 2024, Chính phủ thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực công từ ngày 1-7-2024; tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương với khu vực ngoài nhà nước…

Thủ tướng Phạm Minh Chính thống nhất đánh giá 2024 là năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi kế hoạch năm năm 2021-2025.

Sửa các luật để tăng cường phân cấp, phân quyền

Tại hội nghị, Thủ tướng chỉ đạo tập trung sửa các luật để thúc đẩy tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc. Cụ thể là các luật: Tổ chức Chính phủ, Tổ chức chính quyền địa phương, Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Thủ tướng cũng lưu ý việc củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Trong đó, tập trung trấn áp các loại tội phạm, phấn đấu giảm ít nhất 5% số vụ phạm tội về trật tự xã hội… Ông cũng yêu cầu thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Về nhiệm vụ của các địa phương, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh ngay từ đầu năm giải ngân vốn đầu tư công, ba chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung giải quyết vướng mắc về cơ chế, chính sách ưu đãi, thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng...

Ông đề nghị các địa phương tập trung giải quyết vướng mắc theo thẩm quyền, không đùn đẩy, không né tránh. Chú trọng nâng cao tính tự lực, tự cường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm và năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các cấp chính quyền cơ sở và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.•

TP.HCM xác định tăng trưởng năm 2024 7,5%-8%

Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, năm 2023 tăng trưởng kinh tế của TP từ 0,7% ở quý I lên 9,62% ở quý IV, cả năm đạt 5,81%. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần phục hồi tăng trưởng chung cho cả nước.

TP cũng tập trung tháo gỡ, khởi công lại, khởi công mới nhiều dự án quan trọng như đường vành đai 3, cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, rạch Xuyên Tâm, metro số 1, metro số 2… TP đã tích cực triển khai Nghị quyết 98 và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.

Nhờ đó, thu hút vốn đầu tư xã hội đạt 23% GRDP; thu ngân sách đạt 447.000 tỉ đồng, trong đó thu nội địa đạt 101%; vốn FDI 5,9 tỉ USD (tăng gần 50%); kiều hối về đạt gần 9 tỉ USD (tăng 38%). TP xác định tăng trưởng năm 2024 7,5%-8%.

Năm 2024 TP.HCM sẽ tập trung triển khai các giải pháp chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phấn đấu kinh tế số đạt 22% GRDP. Đồng thời triển khai khung chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030 và ban hành khung chính sách, quy chuẩn - tiêu chuẩn về thị trường xanh.

Để TP.HCM hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 và cùng cả nước đóng góp vào kết quả chung, tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ sớm ban hành ba nghị định hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội và nghị định thay thế Nghị định 93/2001 về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TP.HCM.

Ông Mãi cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết 98 và hỗ trợ TP tháo gỡ các vướng mắc. Đặc biệt là các vụ việc lớn, các vướng mắc pháp lý, vụ khó tồn đọng lâu năm, các vụ mới phức tạp phát sinh như SCB, Vạn Thịnh Phát…

TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo việc hoàn thiện các đề án Trung tâm Tài chính quốc tế, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP.HCM đến năm 2035. Cùng với đó là các dự án giao thông quan trọng như cao tốc: TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành; đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, Thủ Thiêm - Long Thành...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm