Sáng 31-8, tại Đà Nẵng, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị chuyên đề Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Hội nghị được kết nối trực tuyến đến các bộ ngành Trung ương và 63 tỉnh/TP.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính lý giải việc chọn Đà Nẵng là nơi tổ chức hội nghị quan trọng này vì đây là địa phương có hiệu quả nổi trội trong cung cấp, sử dụng DVCTT. Chọn Đà Nẵng để vừa hoan nghênh, vừa động viên, vừa học tập Đà Nẵng.
Theo Thủ tướng, xu thế chuyển đổi số (CĐS) là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu cho phát triển kinh tế số của nước ta.
CĐS không những là kinh tế - xã hội mà còn đi vào các ngành nghề quan trọng khác như an ninh quốc phòng, đối ngoại, hòa bình, chiến tranh, căng thẳng, xung đột… tức là CĐS đi vào cả những vấn đề quan trọng này của quốc gia.
Cách tiếp cận CĐS của nước ta hiện nay là phải tiếp cận toàn cầu, toàn diện, toàn dân. Nói như vậy không có nghĩa là không có trọng tâm trọng điểm. Trong quá trình chuyển đổi, cải cách phải lấy người dân làm trung tâm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, CĐS tập trung vào sử dụng hiệu quả DVCTT. Cả phía cung cấp DVCTT và phía sử dụng DVCTT đều phải vận dụng CĐS hiệu quả.
Thời gian qua, Chính phủ và các địa phương đã làm được nhiều việc. CĐS thúc đẩy phát triển mạnh mẽ cả về khu vực công và khu vực tư, từ Trung ương đến địa phương, thành thị đến nông thôn, từ các cháu nhỏ đến người già. Nói cách khác, CĐS là đến từng ngõ, gõ từng nhà, đếm từng đối tượng.
Tư duy, hành động, thói quen của các cơ quan hành chính các cấp và người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính chuyển từ giấy tờ truyền thống sang môi trường mạng giúp nâng cao hiệu quả, tăng năng suất hoạt động kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên theo Thủ tướng, bên cạnh những mặt làm được, hạn chế khuyết điểm vẫn còn nhiều.
“Ví dụ nhận thức chung của các cấp lãnh đạo, không phải ai cũng nhận thức được vấn đề này. Từ nhận thức mà không thay đổi được tư duy thì làm sao hành động, làm sao có kết quả được. Tư duy, nhận thức và hành động có nơi có lúc chưa đạt được như chúng ta mong muốn, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, hạ tầng số phát triển chưa được đồng bộ, có nơi có lúc còn khó khăn, nhất là vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo.
Hiệu quả triển khai DVCTT chưa đạt như kỳ vọng, trong khi phải đáp ứng yêu cầu ngày càng nhiều, đòi hỏi ngày càng cao của hệ thống hành chính các cấp và người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng cho rằng, nguồn lực Nhà nước có hạn nhưng phải lo rất nhiều thứ. Câu hỏi huy động nguồn lực ở đâu khi CĐS phải bắt nguồn từ tư duy và nhận thức, rà soát lại thể chế.
“Nhân dân rất thông minh, doanh nghiệp thì rất giỏi, vấn đề là xây dựng thể chế thế nào để phát huy được nguồn lực từ nhân dân và doanh nghiệp. Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và nhận thức, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới và sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp, làm sao kết hợp được ba cái này”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt vấn đề.
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, từ năm 2020 đến nay, số lượng thủ tục hành chính được đưa lên trực tuyến tăng đột biến. Hàng năm tăng trưởng số lượng bằng cả giai đoạn 10 năm trước đó.
Cụ thể, tỉ lệ thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng DVCTT đạt khoảng 81%. Trong đó, tỉ lệ thủ tục hành chính có phát sinh hồ sơ được cung cấp dưới dạng DVCTT toàn trình toàn quốc đạt 55,5%, khối bộ đạt 59,68%, khối địa phương đạt 55,38%.
Một số bộ, ngành đã triển khai rất tốt, với 100% DVCTT toàn trình như Bộ Công Thương, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ TT&TT, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Một số địa phương triển khai rất tốt DVCTT toàn trình như Đà Nẵng đạt 95,56%, Cà Mau đạt 91,99%, Tây Ninh 91,98%.
Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp khoảng gần 4.400 DVCTT, giúp người dân, doanh nghiệp thuận tiện truy cập DVCTT của các bộ ngành, địa phương thông qua “một cửa” duy nhất.