19 tập đoàn tổng công ty nhà nước

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để xảy ra thiếu xăng, điện trong năm 2024

(PLO)- Một trong những nhiệm vụ trong năm 2024 mà Thủ tướng giao cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có liên quan là thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện phù hợp, không giật cục, không được để thiếu xăng, thiếu điện...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại Hội nghị làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước trực thuộc về triển khai sản xuất, kinh doanh năm 2024 và thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế - xã hội mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu không được để xảy ra tình trạng thiếu xăng, điện, đồng thời thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện phù hợp, không giật cục...

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để xảy ra thiếu xăng, điện trong năm 2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc. Ảnh: VGP

Hầu hết vượt kế hoạch kinh doanh đề ra

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá mặc dù 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong hơn 820 doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam nhưng đây là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước. 19 đơn vị này đang nắm giữ phần lớn tổng vốn chủ sở hữu cũng như tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước trong cả nước, đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ nhiệm vụ năm 2024 lớn hơn năm 2023, phải hoàn thành tốt hơn năm 2023. Chính phủ muốn hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn năm 2023 thì từng bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải làm tốt hơn.

Các báo cáo, ý kiến tại hội nghị đánh giá thời gian qua và năm 2023, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã nỗ lực cơ bản thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện vai trò cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương.

Năm 2023, 15/19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế (riêng Vietnam Airlines giảm lỗ so với kế hoạch); 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách Nhà nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lấy ví dụ, năm 2023, Chính phủ chỉ đạo tăng cường xuất khẩu gạo trong lúc giá tăng. Thời điểm đó cũng có những ý kiến ngần ngại khi bối cảnh tình hình thế giới phức tạp. Và kết quả là Việt Nam vừa xuất khẩu gạo đạt kỷ lục, vừa bảo đảm cân đối lương thực trong nước, vừa góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới.

Lãnh đạo Tổng Công ty Lương thực miền Bắc phấn khởi khi gần đây Việt Nam đạt thỏa thuận về thương mại gạo cấp Chính phủ với Indonesia và Philippines – cũng là hai nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.

Ngay sau đó, những ngày cuối tháng 1 vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã thắng áp đảo khi giành được khoảng 350.000 tấn trong gói thầu 500.000 tấn gạo của Indonesia. Lãnh đạo Tổng công ty đề nghị Thủ tướng tiếp tục đưa nội dung về thương mại gạo vào nội dung trao đổi với lãnh đạo cấp cao các nước thời gian tới.

thu-tuong-lam-viec-voi-19-tap-doan-doanh-nghiep-1.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc về triển khai sản xuất, kinh doanh năm 2024 và thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh: VGP

8 nội dung cốt lõi

Để phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động và nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ tám nội dung chủ yếu về các quan điểm quản lý, điều hành và các nhóm nhiệm vụ lớn với hoạt động của Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các kết luận, nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, nắm chắc tình hình thực tiễn, cụ thể hóa thành các chương trình, đề án, dự án, tổ chức thực hiện hiệu quả.

Nhiệm vụ tiếp theo là tập trung sửa đổi và đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các luật, nghị định, thông tư có liên quan để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về pháp lý, nhất là liên quan lĩnh vực giá, môi trường, tài nguyên, đất đai… như Nghị định 10/2019 về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu, Nghị định 95/2014 về đầu tư và cơ chế tài chính hoạt động khoa học và công nghệ...

"Tinh thần là phân cấp, phân quyền nhiều hơn đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát" - Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu cần tập trung thúc đẩy đầu tư phát triển, khắc phục bằng được hạn chế trong vấn đề này. Đồng thời, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho ba đột phá chiến lược của đất nước (thể chế, hạ tầng nhân lực). Cùng đó, làm mới ba động lực tăng trưởng cũ (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và bổ sung các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ)…

thu-tuong-giao-nhiem-vu-nam-2024-cho-19-tap-doan-tong-cong-ty-nha-nuocB.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Ảnh: VGP

Kế đến là tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty theo các kế hoạch đã được phê duyệt, trong đó tập trung ba nội dung: (i) tái cấu trúc về quản trị theo hướng hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng nhân lực, (2) tái cấu trúc về tài chính, (3) tái cấu trúc về ngành nghề, nguyên vật liệu đầu vào… cho phù hợp xu hướng phát triển.

Thủ tướng lưu ý Uỷ ban phải tập trung định hướng vấn đề tái cấu trúc cho các tập đoàn, tổng công ty và việc đánh giá hoạt động của doanh nghiệp cần căn cứ hiệu quả tổng thể.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, chủ động, tích cực hơn nữa, phát huy tinh thần tấn công mạnh mẽ, bản lĩnh, tự tin, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ thuộc thẩm quyền. Trong thực hiện công việc cụ thể cần linh hoạt nhưng phải tuân thủ các quy luật của kinh tế thị trường. Tích cực, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại.

Giao nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam không được để thiếu điện; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bảo đảm đủ dầu, khí theo kế hoạch; Tập đoàn Than – Khoáng sản bảo đảm đủ than trên cơ sở kế hoạch dài hạn.

Tổng Công ty Thép xử lý dứt điểm dự án mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (TISCO 2); Vietnam Airlines cắt lỗ, xử lý các vấn đề tồn đọng hay như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam không để thiếu xăng dầu…

Thủ tướng cũng lưu ý các cơ quan thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện phù hợp, không giật cục, không cầu toàn, không nóng vội; Bộ Công Thương cải tiến lại cơ chế quản lý đầu mối kinh doanh xăng dầu theo hướng đơn giản, dễ kiểm tra, giám sát…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm