Sáng 30-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ, trực tuyến với điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là hội nghị đầu tiên, cách làm mới của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong triển khai thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội.
Trách nhiệm của người đứng đầu mang tính quyết định
Phát biểu kết luận, nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược, là chủ trương lớn của Đảng; đầu tư cho thể chế là đầu tư cho phát triển.
Theo ông, thể chế phải đi sớm, đi trước mở đường cho đột phá phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo, đáp ứng tốt nhu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Thủ tướng khái quát "5 tạo lập" của thể chế đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Theo đó, tạo lập cơ sở pháp lý để kiến tạo, phát triển năng lực các chủ thể, phát huy đúng vai trò của từng chủ thể; tạo lập cơ chế, chính sách huy động và phân bổ mọi nguồn lực; điều tiết hài hòa lợi ích phát triển giữa các chủ thể.
Cạnh đó, tạo lập "sân chơi" lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, phù hợp, hiệu quả đối với các chủ thể trong từng lĩnh vực; tạo lập khung khổ pháp lý phù hợp để hội nhập quốc tế có hiệu quả cao, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc và tạo lập cơ chế vận hành, kiểm soát có hiệu quả, khắc phục, phòng ngừa các rủi ro, tiêu cực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác này, như quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn qua nhiều tầng nấc, làm chậm tiến độ ban hành và tổ chức thực hiện.
Trong khi đó, công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu; tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật chưa được tăng cường để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; cơ chế phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật chưa đồng bộ, có lúc còn phân tán, có nơi còn cục bộ…
Phân tích các nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh bài học kinh nghiệm quan trọng nhất là sự vào cuộc, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn lực với tâm huyết, trách nhiệm của người đứng đầu mang tính quyết định.
Cùng với đó là bám sát thực tiễn, nhu cầu, mong muốn của Nhân dân, vướng mắc cần tháo gỡ, thách thức cần vượt qua; chỉ bàn làm, không bàn lùi, đã làm là có sản phẩm, hiệu quả cụ thể để xây dựng hệ thống pháp luật phù hợp, khả thi, hiệu quả.
Kịp thời ban hành 121 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết
Về các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần tiếp tục quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm.
Đáng chú ý, cần phân công "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả" trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật.
Thủ tướng chỉ rõ phương châm hành động "5 đẩy mạnh", trong đó lưu ý đẩy mạnh tiến độ, chất lượng xây dựng luật theo đúng tiến độ đề ra; đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn; đẩy mạnh cơ chế phân công, phân cấp, phân quyền phù hợp, khả thi, hiệu quả các cơ quan trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật…
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, qua Hội nghị này, Chính phủ thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc tiếp tục rà soát các vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và nghiên cứu, đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để ban hành một luật sửa nhiều luật…
Tại hội nghị, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu khẩn trương xây dựng, ban hành, trình ban hành 121 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 để kịp thời có hiệu lực cùng với luật, nghị quyết.
Đồng thời, chuẩn bị kỹ để thực hiện các chính sách, quy định mới có hiệu lực sớm hơn so với hiệu lực chung của luật; quy định chi tiết, hướng dẫn triển khai đối với các nội dung chuyển tiếp nhằm tạo cơ sở cho việc thực hiện thông suốt, thống nhất, tránh tạo khoảng trống pháp lý.
Ông cũng yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy tính chủ động của đội ngũ công chức, gắn với tăng cường giám sát, kiểm tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong thi hành pháp luật. Đặc biệt, cần khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu chủ động rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập phát sinh, nhất là các bất cập liên quan đến thủ tục hành chính, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ việc rà soát, kiến nghị xử lý các vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật với việc rà soát, kiến nghị xử lý các thủ tục hành chính không phù hợp, gây phiền hà, làm tăng chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các tỉnh, thành phố chủ động xử lý theo quy định của pháp luật đối với những vấn đề phát sinh tại địa phương trong quá trình thi hành luật, nghị quyết.
Cạnh đó, kịp thời báo cáo, đề xuất phương án đối với những vấn đề có vướng mắc để cơ quan có thẩm quyền tổng hợp, xem xét, xử lý và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định trong trường hợp cần thiết…
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, các bộ đã trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến 35 đề nghị, dự án luật, dự thảo nghị quyết; Chính phủ ban hành 75 nghị định; Thủ tướng ban hành 8 quyết định quy phạm pháp luật.
Đồng thời, Chính phủ đã ban hành 131 nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ ban hành 645 quyết định cá biệt, 19 chỉ thị, 64 công điện và gần 8.400 văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan.