Chiều 24-10, Quốc hội thảo luận tại tổ. Một trong những nội dung được thảo luận là dự thảo Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp.
Các đại biểu ở tổ thảo luận số 13 đa số nhất trí với dự thảo. Tuy vậy, các đại biểu cũng góp ý thêm để Nội quy kỳ họp thực sự bao quát được các vấn đề lớn nhằm nâng cao chất lượng của đại biểu cũng như kỳ họp.
Một số đại biểu đề nghị không đưa vào Nghị quyết quy định về việc tặng hoa cho những người được Quốc hội bầu hay phê chuẩn, vì đó là việc lễ tân rồi. Cũng có nhiều đại biểu cho rằng: quy định đại biểu vắng họp 2 ngày phải báo cáo, xin phép Tổng Thư ký Quốc hội… cũng cần cân nhắc vì sẽ khó cho đại biểu không chuyên trách. Ngay cả Luật Tổ chức Quốc hội cũng chỉ quy định đại biểu không chuyên trách dành ra 30% hoạt động cho Quốc hội thôi.
Một nội dung các đại biểu đề cập nhiều là chất vấn, tranh luận. ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Tiền Giang) đồng tình việc quy định rõ về tranh luận để tránh việc “chen luận”. ĐB Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) thì đề nghị quy định rõ hơn trách nhiệm nghiên cứu tài liệu, phát biểu ý kiến của đại biểu. ĐB Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) cũng đồng tình quan điểm này. Bà đề nghị cần có cơ chế giám sát, đánh giá chất lượng ý kiến của đại biểu.
ĐB Hùng cho rằng quy định thời gian chất vấn mỗi câu hỏi của đại biểu là 1 phút thì hơi ngắn.
“Thời gian ngắn nên các đại biểu nêu câu hỏi chung chung. Hỏi bộ trưởng hay thành viên Chính phủ khác mà chỉ một phút thì khó. Quan trọng là chất lượng câu hỏi có tốt không. Nên cho mỗi câu chất vấn 2 phút để còn đề dẫn và câu hỏi sâu sắc hơn”, ông Hùng đề nghị
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên thảo luận tại tổ chiều 24-10. Ảnh: PT |
Ngoài ra, một số đại biểu cũng đề nghị nên có thời gian cho các thành viên các ban soạn luật, các thành viên Chính phủ giải trình về những vấn đề được quan tâm.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ví dụ: “Chẳng hạn dự thảo luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, tôi nhớ không nhầm thì dự thảo Chính phủ trình không có quy định thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp tư nhân. Hay dự luật Thanh tra thì Chính phủ cũng không trình việc lập thanh tra cấp cục. Nhưng đến khi dự thảo trình ra thì lại có.
Vậy phải có thời gian để giải trình vì sao trình và vì sao không trình. Phải tổ chức thêm thời gian cho Chính phủ giải trình”, Bộ trưởng Long nói và đề nghị thêm trong dự thảo nội quy kỳ họp không nên quy định chi tiết việc phân công người trình bày, tiếp thu các dự án luật. Việc này nên để Chính phủ phân công, điều hành.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận cũng cho rằng: cần có sự trao đổi, cần có thời gian cho việc giải trình. Vì giải trình cũng là tăng cường trách nhiệm và nâng cao chất lượng giải trình của Chính phủ trước Quốc hội.
Thủ tướng cũng đề nghị: nên nhắc cơ quan trình các dự luật, dự thảo cố gắng kịp thời gian và nâng cao chất lượng. “Kịp thời gian mà chất lượng không cao thì không bảo đảm. Nên tính toán cho phù hợp, chất lượng”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng cho rằng: chất vấn mà chỉ hỏi một phút cũng phải cân nhắc thêm. Cơ quan soạn thảo Nghị quyết, Thủ tướng cho rằng, chắc cũng muốn câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề.
Về trả lời chất vấn, Thủ tướng cũng cho rằng không nên “quá cứng”, mà nên quy định từ 3 đến 4 phút chẳng hạn.
“Một vấn đề phức tạp, khó, nhạy cảm… thì nhiều khi cũng cần thêm thời gian. Ta tăng tính chuyên nghiệp cũng nên cân nhắc chỗ này”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng cho rằng việc xin nghỉ họp của các đại biểu cũng nên phân cấp, nếu hai ngày thì báo cáo ai, ba bốn ngày thì báo cáo ai. Nhiều người bận chương trình công tác nước ngoài, hay ốm chẳng hạn… thì phải phân cấp.
“Nếu tất cả đều lên Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội… thì tính khả thi không cao”, Thủ tướng nói.
Một số vấn đề quá cụ thể, Thủ tướng cũng cho rằng nên rà soát lại.